Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần sự đồng tâm, hiệp lực

(ĐTTCO) -Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã thuận lợi hơn khi Chính phủ đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. 
Đơn giản thủ tục hành chính sẽ khai thông điểm nghẽn môi trường kinh doanh. Ảnh: LONG THANH
Đơn giản thủ tục hành chính sẽ khai thông điểm nghẽn môi trường kinh doanh. Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, dù có những chuyển biến tích cực song thực tế cho thấy còn rất nhiều điểm cần phải cải thiện hơn nữa.

Quý I: Bức tranh nhiều gam màu

Với việc liên tiếp ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và sự nỗ lực của Chính phủ theo hướng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và DN, đã mang lại những kết quả tích cực. Con số 110.000 DN thành lập mới khi kết thúc năm 2016 đã cho thấy một sự khởi sắc mới của khu vực kinh tế tư nhân.

Một số lĩnh vực kinh tế liên quan đến công nghệ cao đã được phát triển, cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, kết quả kinh tế quý I cũng mang lại nhiều điều đáng lo. Đó là tăng trưởng GDP thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng: 5,1% - thấp hơn cùng kỳ 2016 (5,5%) và thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Khu vực công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 4,17% (cùng kỳ 2016 tăng 6,72%) và dịch vụ tăng 6,52% (cao hơn cùng kỳ 2016 là 6,13%). Như vậy tăng trưởng thấp chủ yếu diễn ra ở khu vực công nghiệp, xây dựng, cụ thể là ngành công nghiệp khai khoáng (giảm 10% so với cùng kỳ).

Nhiều dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế đều cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 khó đạt 6,7% như dự tính. Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam chỉ tăng trưởng GDP 6,3%, còn theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), con số này chỉ 6,1%.

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu thị trường MarketIntello cũng nhận định tăng trưởng kinh tế quý I thấp do nhập siêu cao và đầu tư chậm lại. Nhập siêu gia tăng có sự đóng góp không nhỏ của tăng nhập khẩu máy móc thiết bị. Trong khi đó, vốn đầu tư toàn xã hội giảm tốc ở cả 3 khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và FDI.

Cầu tiêu dùng nội địa tương đối yếu, cho thấy nhiều khả năng nền kinh tế đang gia tăng động lực từ nhu cầu nước ngoài.

Nhóm này cũng dự báo, tăng trưởng GDP năm 2017 “kỳ vọng đạt mức 6,1%”. Theo các chuyên gia, nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 không đạt được kế hoạch đề ra, sẽ kéo theo nhiều chỉ tiêu khác bị phá vỡ như tỷ lệ bội chi, nợ công…

Còn nhiều điểm nghẽn

Để đến năm 2020 có 1 triệu DN đăng ký và hoạt động hiệu quả, chất lượng, việc tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh phải ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần đơn giản hóa hệ thống thủ tục hành chính như đóng thuế dễ dàng hơn, thủ tục hải quan thuận lợi hơn, vay vốn bình đẳng hơn, lãi suất hợp lý, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… Đồng thời, Nhà nước cũng phải kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô giúp DN có niềm tin và điều kiện để đầu tư, phát triển kinh doanh.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh dòng vốn FDI hạn chế và giải ngân vốn ngân sách gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam rất cần các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn đầu tư tư nhân phát triển, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Tuy nhiên, dù môi trường đầu tư kinh doanh đã có những cải thiện nhất định nhưng cũng cho thấy còn không ít trở ngại. Chẳng hạn việc thu phí cảng biển của Hải Phòng, dù đã có nhiều ý kiến cho rằng quy định thu phí mới với mức thu cao sẽ cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng vấn đề này đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành đầy rẫy sự bất hợp lý nhưng sự thay đổi rất chậm. Tỷ lệ phát hiện vi phạm khi kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm 1/1.000 lô hàng, nhưng các cơ quan chuyên môn không áp dụng phương pháp quản lý rủi ro mà vẫn tiến hành kiểm tra gắt gao. Hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực, hiệu quả kinh doanh bị kiềm chế nghiêm trọng là những đánh giá của nhiều hiệp hội, DN.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) nhận định những thay đổi trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn quá ít, làm tăng chi phí không cần thiết cho DN.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 công bố vừa qua cũng chỉ ra một số điểm quan ngại. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), ở “Tính minh bạch”, điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư...) của các tỉnh trung vị (nằm giữa bảng xếp hạng) thấp hơn mức khởi điểm điều tra PCI năm 2006.

Năm 2016, 66% DN tại tỉnh trung vị cho thấy phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008.

Điểm lo ngại nữa là chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Khoảng 66% DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15% so với giai đoạn 2008-2013; 9-11% DN tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của DN, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Bên cạnh đó, liên tục trong 3 năm 2014-2016, cứ 3 DN có 1 DN (tỷ lệ 35%) phải dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính.

Một tham chiếu khác về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của DN là việc thực hiện Nghị quyết 19. Báo cáo của Bộ KH-ĐT sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 19-2017, cho thấy một số bộ có nhiều nhiệm vụ được giao nhưng kế hoạch hành động không cụ thể, rõ ràng, không có đơn vị chủ trì và lộ trình thực hiện (như bộ Giáo dục - Đào tạo) và vẫn có đến 20 địa phương chưa gửi cho bộ này chương trình, kế hoạch hành động.

Dù là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết 19, nhưng có vẻ những quyết tâm ở trên chưa thực sự “lung lay” những trì trệ ở bên dưới. Để môi trường kinh doanh của Việt Nam hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh… cần phải có những cố gắng, nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đến đội ngũ cán bộ, công chức thực thi.

Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN

Các DN mong mỏi có được sự đột phá quyết định, hiệu ứng tích cực, mang tính hệ thống với tác động lâu bền để DN phát triển kinh doanh từ các Nghị quyết 19. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại của DN. Do vậy cần phải được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ để tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của DN.

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, năm 2016 cả nước có khoảng 546.000 DN, bao gồm cả số DN đăng ký nhưng chưa hoạt động, nếu trừ số DN này chỉ còn khoảng 478.000 DN đang hoạt động. Thời gian qua, dù số DN thành lập có sự gia tăng nhưng để đạt được mục tiêu năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả là thách thức không nhỏ.

Đặc biệt, việc quy mô DN vẫn không được cải thiện, số lượng lao động trên DN giảm, cho thấy số DN thành lập mới không mang lại nhiều ý nghĩa. Bà Hằng cho biết trong một nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN một cách nhanh nhất, Văn phòng Chính phủ đã cho ra mắt website tại địa chỉ: doanhnghiep.chinhphu.vn, nhằm tiếp nhận và trả lời các kiến nghị của DN.

Với khoảng 97-98% DN hiện nay là DNNVV, việc hỗ trợ khu vực này phát triển là hết sức quan trọng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay có nhiều DNNVV gặp thất bại do thiếu nguồn vốn để trụ lại thị trường. Vì vậy, để khu vực DN này đủ sức tồn tại cần phải xem xét việc sử dụng Quỹ bảo lãnh tín dụng một cách hiệu quả.

Dù hiện tại một số địa phương đã có quỹ này nhưng hoạt động không hiệu quả vì vốn điều lệ thấp, điều kiện bảo lãnh tín dụng khắt khe. Do đó cần phải cải thiện điểm yếu này để hỗ trợ DN. Trong đợt khảo sát 500 DN tăng trưởng nhanh nhất do Vietnam Report công bố mới đây, có đến 90% cho rằng năm 2017 để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng của DN, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp đến là tiếp tục điều chỉnh giảm thuế thu nhập DN, cải thiện môi trường pháp lý.

Thực tế thời gian qua Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại để hội nhập khu vực, quốc tế. Sự nỗ lực và quyết liệt của Chính phủ thể hiện qua các Nghị quyết 19 đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cộng đồng DN, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, tăng trưởng từng ngành.

Các tin khác