BT và nỗi lo thất thoát tài sản (K2): Minh bạch mới giảm thiểu rủi ro

(ĐTTCO) - Tính toán sai tổng mức đầu tư, dự án chậm tiến độ, chỉ định nhà đầu tư thiếu năng lực, thất thoát quỹ đất đối ứng là những lỗ hổng tồn tại trong nhiều dự án BT (xây dựng-chuyển giao) đã được phát hiện trong thời gian qua. 
Thực tế này đòi hỏi cần kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư của các dự án BT trong tất cả các khâu từ đề xuất, lập, thẩm định và phê duyệt dự án, đến đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư tư nhân.
Hàng loạt dự án đội vốn
 Về nguyên tắc, thực hiện dự án BT nhà đầu tư bỏ tiền ra làm trước, khi dự án được nghiệm thu và bàn giao mới được thanh toán bằng đất hoặc bằng tiền theo kế hoạch trong hợp đồng. Thế nhưng, hầu hết dự án được giao đất đối ứng song song, nghĩa là nhà đầu tư được thanh toán bằng đất ngay khi bắt đầu triển khai hạ tầng. Đã vậy, phần lớn dự án đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng được nhà đầu tư chọn làm hạ tầng phục vụ dự án của mình, nên chênh lệch địa tô gấp nhiều lần định giá sau đầu tư, Nhà nước gần như không được hưởng mà vào túi nhà đầu tư. 
GS. Đặng Hùng Võ,
chuyên gia bất động sản
Việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Hà Nội và TPHCM được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố mới đây, đã chỉ ra nhiều sai phạm trong các dự án BT triển khai trong giai đoạn 2008-2012.
Cụ thể, TP Hà Nội không thực hiện đúng quy định về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo BT; ký hợp đồng với nhà đầu tư không đủ năng lực; một số dự án phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác, làm sai, tăng tổng vốn đầu tư dự án; việc giám sát lỏng lẻo, dẫn tới hầu hết dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng BT làm phát sinh chi phí đầu tư.

Quá trình thanh tra phát hiện các dự án BT khi xin chỉ định thầu dự án đều có chung lý do cấp bách, cấp thiết nhưng không có tài liệu chứng minh làm rõ thực trạng, mức độ cấp bách. Điều này dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư được chỉ định có năng lực tài chính hạn chế, như dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…
Nhiều dự án BT đã tính toán sai tổng mức đầu tư như dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương tăng tổng mức đầu tư khoảng 19 tỷ đồng; dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An tăng tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng; dự án nút giao thông Long Biên tăng tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng; dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên tăng tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng; dự án đường  trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ tăng tổng mức đầu tư 920 tỷ đồng. 

Hay như TPHCM, TTCP đã thanh tra 6 dự án BT và BOT gồm cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; Xa lộ Hà Nội; cầu Bình Triệu 2 và xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, có dấu hiệu sai phạm gần 2.200 tỷ đồng. Nguyên nhân do UBND TPHCM đã không xây dựng danh mục dự án, không thực hiện việc công bố danh mục, hoặc thực hiện công bố chậm.
Mặt khác, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, không đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, một số dự án đã không triển khai thực hiện đúng quy định về lựa chọn nhà thầu, không lập kế hoạch đấu thầu...

Tại Hà Nội, một số dự án kéo dài thời gian thực hiện làm đội vốn đầu tư, phát sinh chi phí ngoài hợp đồng BT, như Nhà máy nước Yên Sở không có cơ sở để quyết toán 9,8 triệu USD trong tổng mức đầu tư. Việc tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng được cơ quan kiểm toán xác định khoảng 11,5 triệu USD.
Tại dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, nhà đầu tư Cienco 5 đã không thực hiện nghiêm các điều khoản hợp đồng BT, chiếm dụng ngân sách nhà nước trong thời gian dài với số tiền chênh lệch phải nộp ngay khoảng 510 tỷ đồng. Thẩm định lại một số dự án BT
 Dự án BT không phải là quá trình đấu giá đất nên thường được định giá thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Vì thế, khi bán đất các nước bán cả giá trị tương lai của đất, còn ở Việt Nam tính theo giá hiện tại, đây là kẽ hở. Nếu chỉ căn cứ vào bảng giá đất Nhà nước ban hành, giá trị đất quá thấp. Nguyên tắc thị trường là phải tính toán đến lợi ích tương lai của đất đai mang đổi hạ tầng.
TS. Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Với quy trình thu hút đầu tư theo BT hiện nay, thông thường sau khi các địa phương công bố danh mục các dự án mời gọi đầu tư theo PPP (hợp tác công-tư), trong đó có dự án BT, thường giao luôn cho nhà đầu tư tự lập dự án, lập thiết kế cơ sở và tự tính toán tổng mức đầu tư, suất đầu tư dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở để đàm phán, ký kết hợp đồng BT. Như vậy, nhà đầu tư BT sẽ trực tiếp đưa ra khái toán tổng mức đầu tư và tính toán luôn cả giá trị quỹ đất dự kiến đổi công trình. Mới đây, Hà Nội đã đề xuất chỉ định CTCP Đầu tư Louis Group thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng (GPMB) 4.349 tỷ đồng, dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác.
Đề xuất thực hiện dự án của nhà đầu tư cũng nêu rõ, tuyến đường này có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét hồ sơ dự án, chính quyền TP Hà Nội cho biết sẽ chuẩn xác lại tổng mức đầu tư dự án dựa trên phương án tổng thể bồi thường GPMB và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Luật Đất đai và các quy định khác liên quan. 

Một trường hợp khác là dự án BT đường vành đai 2 Hà Nội có tổng mức đầu tư đề xuất khoảng 8.375 tỷ đồng, trong khi TP và nhà đầu tư khá thống nhất về con số tổng mức đầu tư và quỹ đất đổi công trình. Song bất ngờ Bộ KH-ĐT bày tỏ lo ngại về việc đổi thừa đất cho nhà đầu tư, đã đề nghị Hà Nội kiểm soát chặt chẽ giá trị quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư trên cơ sở ngang giá với giá trị công trình BT đã lập, phù hợp với giá thị trường, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước. 

Đánh giá về suất đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT khẳng định đây là dự án do nhà đầu tư đề xuất, nên TP Hà Nội cần phối hợp với các bên có liên quan để xác định chính xác tổng mức đầu tư dự án, đảm bảo công trình đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Trong trường hợp cần thiết đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định lại suất đầu tư dự án. Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, chỉ riêng với 2 quỹ đất Hà Nội đối ứng cho tập đoàn thực hiện hợp phần dự án đường trên cao có giá trị khoảng 8.021 tỷ đồng đã gần đủ để thanh toán cho toàn bộ dự án BT.
Đối với số tiền còn thiếu trong dự toán tổng mức đầu tư dự án khoảng 353 tỷ đồng, Hà Nội dự kiến bổ sung thêm 291ha đất ngoài đê sông Đuống để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhưng Bộ KH-ĐT không đồng tình, bởi đến nay ngoài quỹ đất 96ha đã có quyết định giao đất, các giá trị còn lại bao gồm giá trị công trình BT và giá trị các quỹ đất đối ứng còn lại đều là tạm tính. Vì vậy, Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ và chịu trách nhiệm về giá trị quỹ đất đổi hạ tầng cho phù hợp.
BT và nỗi lo thất thoát tài sản (K2): Minh bạch mới giảm thiểu rủi ro ảnh 1 Dự án BT nút giao ngã ba Huế - Đà Nẵng. 
Tránh lợi ích nhóm
Đánh giá về xu hướng đầu tư BT hiện nay, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho rằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư BT hiện nay không khác các dự án BOT. Do vậy khi đề xuất thực hiện hàng chục dự án hạ tầng lớn quy mô nhiều ngàn tỷ đồng. Hà Nội cần rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những bất cập trong đầu tư BOT những năm qua.
Bản chất cả 2 hình thức huy động vốn tư nhân để phát triển hạ tầng và xu hướng này cũng không sai, vấn đề là quá trình đổi đất lấy hạ tầng cần tính toán cẩn thận, đất đai cần được tính toán giá trị để đổi ngang giá. Hơn nữa, cần minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư BT để tránh lợi ích nhóm. Thất thoát trong dự án BT sẽ lớn hơn rất nhiều nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ, và minh bạch được trách nhiệm giải trình của các bên liên quan. 

Như ĐTTC đã phản ánh, trào lưu đầu tư đổi đất lấy hạ tầng đã từng rộ lên tại các địa phương những năm trước đây, nhưng một thời gian khi các cơ quan vào thanh tra, kiểm tra nhận thấy Nhà nước thua thiệt nhiều, vì nhiều nhà đầu tư cố tình tính toán sai tổng mức đầu tư dự án, thường cao hơn nhiều lần chi phí đầu tư thực và định giá đất đối ứng rẻ hơn gấp nhiều lần giá thị trường.
Vì thế, cách tốt nhất là những mảnh đất Nhà nước chủ trương đổi lấy công trình nên được đấu giá công khai để nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, sau đó lấy nguồn tiền đó để thanh toán cho các nhà đầu tư BT. Còn việc nhà đầu tư tư nhân tính toán sai suất đầu tư các công trình BT thì không có cách nào khác là phải nâng cao trình độ của cơ quan thẩm định dự án đầu tư BT.
Thông thường với các dự án BT, nhà đầu tư tự đề xuất và lập dự án đầu tư, tự tính toán chi phí đầu tư để trình các cơ quan quyết định đầu tư. Nhà nước là bên đặt hàng dự án BT phải kiểm soát được các rủi ro này.

Các tin khác