Bất động sản hút vốn ngoại

(ĐTTCO) - Thời gian qua, thị trường M&A lĩnh vực bất động sản (BĐS) Việt Nam liên tiếp đón nhận nguồn cầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. 
Thực tế BĐS là kênh đầu tư hấp dẫn, dự báo các thương vụ M&A sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Những cái “bắt tay” đáng chú ý

 Danh sách nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào thị trường BĐS Việt Nam ngày càng nối dài, nhưng nhìn chung nguồn vốn phần lớn đều đổ mạnh vào phân khúc BĐS cao cấp. Dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Maeda, Creed Group, Mitsubishi, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, Kajima (Nhật Bản), CapitaLand, Keppel Land hay Mapletree (Singapore).
CTCP Đầu tư Nam Long mới đây đã bắt tay với 2 nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka, để cùng phát triển dự án Mizuki Park với quy mô hợp tác lên đến 26ha.
Theo thỏa thuận, 2 nhà đầu tư Nhật Bản và Nam Long cùng góp vốn theo tỷ lệ 50-50 để thực hiện dự án Mizuki Park, với tổng giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những dự án quan trọng nhất của Nam Long trong giai đoạn 2017-2024. Ông Sumio Kuratomi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Nishi Nippon Railroad, cho biết đây là dự án thứ 4 công ty này cùng hợp tác với với Nam Long và Hankyu Realty.

Sau lần giải ngân đợt đầu 46 triệu USD cuối năm 2016, ngày 9-5 vừa qua, CTCP BĐS Sơn Kim (SonKim Land) và EXS Capital - Tập đoàn đầu tư độc lập tại thị trường châu Á - chính thức công bố hoàn tất việc huy động vốn đầu tư từ thị trường quốc tế trị giá 100 triệu USD. Được biết đây là lần hợp tác thứ 2 giữa SonKim Land và EXS Capital thông qua Quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund, tiếp theo thành công của đợt huy động vốn đầu tư 37 triệu USD lần đầu vào năm 2013.
Theo đại diện của SonKim Land, khoản đầu tư ban đầu này đã đặt nền tảng cho mối quan hệ lâu dài giữa EXS Capital với SonKim Land, tạo điều kiện giúp SonKim Land phát triển trong thời điểm đầy thách thức của thị trường BĐS Việt Nam, cũng như đem lại các khoản lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Cùng hợp tác với SonKim Land và EXS Capital trong dự án lần này còn có sự góp mặt của ACA Investments - công ty quản lý quỹ hàng đầu của Nhật Bản có văn phòng tại Singapore, với bề dày kinh nghiệm đầu tư vào các dự án tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Trước đó, trong quý III-2016, một nhà đầu tư Nhật Bản khác là Tập đoàn Mitsubishi cũng quyết định bỏ ra 290 triệu USD để cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh để phát triển nhà ở tại dự án Khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội).
Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, Mitsubishi và Bitexco thỏa thuận thành lập công ty liên doanh để phát triển 240 căn nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1.036 căn hộ. Tương tự, Công ty Maeda cũng quyết định bắt tay với Công ty Thiên Đức phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina tại quận 2 (TPHCM), có tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Maeda hiện là đơn vị thi công đoạn đi ngầm tại khu vực quận 1 (TPHCM) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, và Waterina là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên của họ tại thị trường Việt Nam.
Bất động sản hút vốn ngoại ảnh 1
Nội - ngoại đua tranh
Theo các chuyên gia, hoạt động M&A các dự án BĐS sẽ phát triển mạnh hơn trước, bởi cơ hội và điều kiện đang rất thuận lợi cho các thương vụ đi đến thành công. Theo số liệu thống kê, tại TPHCM hiện có trên 500 dự án BĐS tạm ngưng triển khai do chủ đầu tư hụt vốn, thiếu năng lực triển khai. Kể từ khi BĐS khởi sắc từ giữa năm 2013 đến nay, hoạt động M&A diễn ra hết sức sôi động với nhiều thương vụ đình đám, nhưng nhìn chung tiềm năng vẫn còn rất lớn.
Theo Savills, các hoạt động M&A đa dạng là minh chứng cho sự tín nhiệm cao vào đà tăng trưởng và chu kỳ phát triển mới bền vững. M&A sẽ tiếp tục là xu thế tất yếu khi thị trường trưởng thành hơn và nhà đầu tư sẽ phải chứng tỏ bản lĩnh, kinh nghiệm, phong độ và cả đẳng cấp của mình để đạt được các cơ hội hợp tác, tham gia các thương vụ có giá trị lớn. Đơn vị này kỳ vọng 2017 sẽ là năm chứng kiến sự bùng nổ của nhiều hoạt động M&A.

Dòng vốn ngoại chảy vào BĐS trong thời gian qua đã thổi làn gió mới trên thị trường. Nhưng quan sát kỹ sẽ thấy hoạt động M&A doanh nghiệp, dự án BĐS đang chiếm vị thế, số lượng, chất lượng áp đảo và giữ vai trò dẫn dắt. Ở thời điểm các doanh nghiệp đua nhau tháo chạy do BĐS đóng băng khiến hàng loạt dự án la liệt đắp chiếu, cũng là lúc nhiều doanh nghiệp trên sân nhà lên kế hoạch thâu tóm dưới hình thức M&A.
Vingroup, Hưng Thịnh, Novaland, Khang Điền, Đất Xanh, Kiến Á, Nam Long, An Gia hay TECCO là những cái tên đi đầu trong các thương vụ M&A. Nhờ sở hữu dự án, quỹ đất tại những vị trí đắc địa, tiềm năng, nên những doanh nghiệp này không những có nguồn hàng dồi dào, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra kinh doanh, mà còn nắm giữ thế thượng phong đón đầu thị trường hồi phục. Qua đó, những doanh nghiệp này góp phần quan trọng cho vấn đề giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho.

Hưng Thịnh là một thí dụ điển hình về thành công và lột xác ngoạn mục sau các thương vụ M&A. Vốn là nhà môi giới, trong vòng 5 năm qua, Hưng Thịnh đã âm thầm hợp tác, mua đứt bán đoạn dự án, nâng quỹ đất lên xấp xỉ 1.000ha tại TPHCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Định.
Nhờ xác định hướng đi đúng đắn, Hưng Thịnh nay đã vươn lên trở thành tập đoàn sở hữu 14 công ty con và trực tiếp làm chủ đầu tư theo một quy trình khép kín, mỗi năm cung cấp cho thị trường 6.000-7.000 sản phẩm nhà ở vừa túi tiền.

Các tin khác