Basel II không được lùi

(ĐTTCO) - Áp dụng chuẩn mực an toàn vốn Basel II giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động an toàn, lành mạnh, nguồn vốn được quản lý hiệu quả hơn và có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
 Nhưng cho đến nay, toàn hệ thống NH mới có NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và NHTMCP Quốc tế (VIB) được NHNN cho phép áp dụng Basel II, các NH còn lại vẫn khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí của Basel II.
2/10 NH thí điểm
Ngày 28-11-2018, NHNN đã trao quyết định cho phép áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41/2016, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài (chuẩn mực an toàn vốn Basel II - phương pháp tiêu chuẩn) cho Vietcombank và VIB.
Theo đó, 2 NH này được áp dụng chuẩn mực an toàn vốn Basel II từ ngày 1-1-2019, trước thời hạn 1 năm. Đây là 2 trong số 10 NH nằm trong danh sách thí điểm thực hiện Basel II được NHNN đưa ra từ năm 2014. Được biết, 2 NH khác là VPBank và OCB (không nằm trong 10 NH thí điểm) đã nộp đơn xin phê duyệt tuân thủ sớm tiêu chuẩn về vốn mới và hiện đang chờ phê duyệt chính thức của NHNN, về việc áp dụng Thông tư 41.
 Đã đến lúc tập trung nâng chất lượng quản trị của NHTM, đặc biệt là áp dụng Basel II. Trước đây, ngành NH nói nhiều đến việc nâng cao chất lượng lên Basel II, Basel III, nhưng khi áp dụng tiêu chí cao hơn, các NH phản ứng và lại được nới thời hạn áp dụng. Theo tôi phải quyết tâm thực hiện, không thể vì vài NH gặp khó khăn lại kéo giãn lộ trình, làm chậm quá trình tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống NHTM Việt Nam.
TS. Trần Du Lịch, 
nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM
Áp dụng Basel II là nền tảng để hệ thống NH Việt Nam nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động theo thông lệ quốc tế. Từ đó tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế một cách dễ dàng, với chi phí thấp và tăng mức độ tin cậy của các định chế tài chính toàn cầu, nhà đầu tư và tổ chức quốc tế đối với Việt Nam. Song các năm qua, trong quá trình thực hiện Basel II, cơ quan quản lý đã không tỏ ra quyết liệt trong việc đốc thúc các NH thực hiện. 
Trước đây, NHNN yêu cầu 10 NH thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II từ tháng 2-2016. Đến năm 2018, cả 10 NH trên sẽ hoàn thành việc thí điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các NHTM khác.
Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm NH thí điểm đã được lùi về năm 2020. Với quy định này, hiện cũng chỉ còn 1 năm nữa sẽ đến thời hạn 8 NH còn lại (gồm BIDV, Vietinbank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank) phải áp dụng chuẩn này theo quy định của NHNN.

Áp lực tăng vốn tự có
Lần này, sau khi 2 trong số 10 NH thí điểm chính thức áp dụng Basel II, Thống đốc NHNN đã đề nghị các NH khác khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đăng ký với NHNN áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn để chuẩn mực này được phổ biến rộng trong hệ thống. Điều này cho thấy cơ quan điều hành đang quyết tâm yêu cầu các NH phải thực hiện Basel II. Song yêu cầu này cũng chỉ có thể thực hiện được khi các NH tăng đủ vốn điều lệ (VĐL). 
 Để được NHNN chấp thuận cho áp dụng sớm Basel II, VIB phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn… Kết quả triển khai thành công Basel II đã giúp VIB đưa ra các chiến lược kinh doanh và hoạch định tốt chính sách khách hàng, sản phẩm, quản trị rủi ro và chính sách giá để tối ưu hóa vốn, tài sản có rủi ro.
Ông Hàn Ngọc Vũ,
 Tổng giám đốc VIB
Kể từ năm 2016, áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II đã bắt đầu đeo bám ngành NH, trong khi hoạt động tăng vốn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2017, nhiều nhà băng đã tìm cách tăng vốn tự có, như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng VĐL theo 2 hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Một số NH như ACB, BIDV, Vietinbank, Vietcombank còn xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Đến đầu năm 2018, 27 NHTM đã công bố kế hoạch tăng VĐL và đến cuối tháng 9 đã có 11/27 NH tăng được vốn, gồm Techcombank, VPBank, MB, OCB, LienVietPostBank, ACB, TPBank, SHB, BacABank, NamABank và Kienlongbank. Song có thể nói mức tăng vốn của các NH đến nay vẫn chưa đủ, thể hiện qua số lượng NH chủ động áp dụng chuẩn mực Basel II vẫn hiếm hoi.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định trong thời gian tới tăng vốn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết đối với các NH. Thông tư 41 áp dụng từ năm 2020 đòi hỏi các NH phải có tỷ lệ an toàn vốn 8%. Nhưng cách tính những tài sản có rủi ro theo thông tư này khác với cách tính cũ, bao gồm cả rủi ro tín dụng, thị trường, hoạt động. Theo đó, những NH hiện tại có hệ số CAR ở mức 9%, thậm chí trên 9%, khi áp dụng cách tính theo Thông tư 41 cũng có thể không đáp ứng được yêu cầu hệ số CAR 8% vào năm 2020.
Vì vậy muốn đáp ứng Basel II không chỉ tăng vốn, các NH còn phải giảm tổng tài sản có rủi ro. Theo Thông tư 36, tổng tài sản có rủi ro là rủi ro theo lãi suất. Còn theo Basel II, tổng tài sản có rủi ro còn tính thêm rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, nên khi áp vào sẽ làm tổng tài sản có rủi ro tăng lên rất mạnh. Với những đặc thù này, trong 1 năm còn lại, NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề yêu cầu các NHTM tuân thủ trong Basel II.
Basel II không được lùi ảnh 1 VIB là một trong hai ngân hàng được áp dụng chuẩn mực an toàn vốn Basel II từ 1-1-2019, trước thời hạn 1 năm. 
Ưu đãi NH đạt Basel II
Không chỉ khó khăn trong việc tăng vốn, theo TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, hàng loạt thách thức đã và đang hiện hữu ảnh hưởng quá trình áp dụng Basel II. Thứ nhất, các quy định trong Hiệp ước Basel II rất phức tạp, được thiết kế và xây dựng dựa trên kinh nghiệm phát triển và cơ sở hạ tầng của các thị trường tài chính phát triển. Vì thế phải có sự điều chỉnh để phù hợp với Việt Nam để khuyến khích các NH triển khai thực hiện.
Thứ hai, Basel II đòi hỏi NH thực hiện quản lý vốn phù hợp với mức độ rủi ro (bao gồm việc xác định vốn mục tiêu, vốn kinh tế), chiến lược kinh doanh tổng thể của NH. Điều này có thể làm thay đổi cách thức xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh của NH do phải dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro và năng lực tài chính để bù đắp rủi ro.
Thách thức nữa là quá trình triển khai Basel II đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức xếp hạng độc lập trong việc xác định rủi ro của tài sản tài chính, giao dịch hoặc đối tác. Tuy nhiên, tại Việt Nam hầu hết doanh nghiệp hoặc tài sản tài chính không được xếp hạng. Điều này dẫn tới khó khăn cho các NH Việt Nam trong việc đánh giá và định giá khách hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra, giám sát NH chưa đủ nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm để đánh giá, thẩm định hệ thống đánh giá rủi ro của các NH. Đây là những vấn đề cần tập trung giải quyết bên cạnh việc tăng vốn mới có thể sớm áp dụng chuẩn mực hoạt động này tại các NH Việt Nam.
Đáng chú ý, NHNN đã có những động thái khuyến khích các NH nhanh chóng tiến tới áp dụng Basel II. Theo đó, NHNN đang giới hạn room tăng trưởng tín dụng nhằm tránh việc tổng tài sản có rủi ro tăng mạnh. Cơ quan điều hành cũng khẳng định các NH được phê duyệt áp dụng Basel II sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới. Với việc lợi nhuận phụ thuộc vào tín dụng của ngành NH, đây là động lực để các NH đẩy mạnh tiến trình áp dụng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41 trong năm 2019.
 Tại thời điểm này, xét hệ số an toàn vốn, 4 NH Techcombank, Maritime Bank, MB và ACB được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41 từ năm 2019. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các NH phải nỗ lực rất nhiều để huy động thêm vốn trong năm 2019 và áp dụng quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NH, chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam. 

Các tin khác