Bảo bối nông sản sạch

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu rau quả có chiều hướng ngày càng tăng, câu hỏi được đặt ra là làm gì để người Việt tin tưởng nông sản Việt. 
 
ĐTTC đã trao đổi với ông ƯNG THẾ LÃM, (ảnh) Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu, người có hơn 10 năm gắn bó và đưa quả thanh long Việt Nam sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…  
PHÓNG VIÊN: - Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, 7 tháng năm 2017 kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam tăng 2 lần so với 2016, trong đó Thái Lan đang trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ông bình luận gì về thực trạng này?

Ông ƯNG THẾ LÃM: - Người tiêu dùng Việt Nam thích rau củ quả ngoại vì hàng ngoại lạ, đẹp, ngon. Còn nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh một phần vì DN Thái đang sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam. Song điểm quan trọng khiến người tiêu dùng thích rau củ quả ngoại do đã mất niềm tin với nông sản trong nước.
Lâu dần niềm tin cũng xói mòn cả với những đơn vị sản xuất nông sản sạch. Thực tế làm ra các sản phẩm nông sản sạch không đơn giản như những sản phẩm khác, chưa kể để có sản phẩm đẹp, hấp dẫn là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu và lai tạo. 

Tôi thí dụ, những sản phẩm của chúng tôi từng rất khó vào siêu thị do giá cao, mẫu mã bên ngoài không được đẹp. Câu hỏi làm sao có nông sản sạch Việt để cung ứng cho chính thị trường nội địa cũng chính là trăn trở của tôi, hàng chục năm nay.
Dưới góc nhìn của tôi, muốn có nông sản sạch phải giúp người nông dân có được kiến thức canh tác bài bản, không thể để họ tự bơi, tự xử lý các quy trình về thuốc bảo vệ thực vật. Ứng dụng kiến thức và thiết bị về nông nghiệp công nghệ cao sẽ cho ra các sản phẩm sạch không chỉ để cung ứng cho xuất khẩu mà còn để cho thị trường trong nước. 

- Nhưng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhiều DN còn gặp khó, làm sao nông dân có thể ứng dụng tốt?

 Phải đồng hành và hướng dẫn nông dân cụ thể về cách làm ra nông sản chất lượng cao, không thể để họ tự bơi. Theo đó, phải có mô hình cụ thể, nói chuyện lý thuyết nông dân sẽ không làm theo. Chúng ta vẫn nói đến mối lên kết giữa Nhà nước, DN, nhà khoa học và nhà nông. Lý thuyết thì đúng nhưmg thực tế lại rất lỏng lẻo. Vì thế cần có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, hình thành các mối liên kết thực chất mới giúp nông dân yên tâm làm ra nông sản sạch.
- Đúng là làm nông nghiệp công nghệ cao không đơn giản, trong đó khó nhất là về vốn. Tôi từng làm nông nghiệp công nghệ cao cách đây hơn chục năm và tôi rất thấm thía điều này. DN như chúng tôi hầu hết phải tự bơi, vốn chỉ là vay nội bộ còn vay ngân hàng rất khó.
Ngân hàng chỉ quan tâm đến sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) còn tài sản đã đầu tư trên đất họ không quan tâm. Thời gian gần đây để hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng (nay tăng lên 120.000  tỷ đồng) và đã giải ngân được trên 30.000 tỷ đồng, nhưng DN của tôi và một số DN bạn ở phía Nam vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.
Bên cạnh vốn còn niềm tin, con người vận hành. Khi đưa công nghệ vào sản xuất chúng tôi phải đào tạo lao động, nhưng khi lao động lành nghề có thể bị DN khác mời gọi với mức lương cao hơn, hoặc bản thân người lao động có thể làm việc tùy hứng, không thích thì nghỉ. Khi chúng tôi thực hiện tự động hóa nhiều khâu, giảm lao động, chính quyền địa phương lại không vui do không tạo được nhiều việc làm.

Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản luôn vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nhìn ở một góc khác, nếu ngay từ đầu các cơ quan quản lý kiểm soát chặt thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu vào Việt Nam, có quy định hướng dẫn bán rõ ràng, có quản lý chặt chẽ, nông dân cũng không thể tự ý mua và sử dụng tràn lan. 

- Đâu là lý do khiến ông cũng như nhiều DN chưa đẩy mạnh xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang các nước khó tính như Hàn Quốc, trong khi họ đang có nhu cầu? 

- Hiện thanh long ruột đỏ của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất qua Trung Quốc do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên loại quả này vẫn còn lớn. Trung Quốc hay một số quốc gia trong khu vực thường không đòi hỏi khắt khe về các quy định, quy chuẩn. Tuy nhiên, xuất sang Trung Quốc luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thí dụ, khi xuất sang châu Âu, Hoa Kỳ luôn phải có hợp đồng, có giá và giá không thay đổi nhiều, trong khi xuất sang Trung Quốc giá thay đổi liên tục và chủ yếu giao dịch bằng miệng nên bà con mình thường bị thiệt. Song một trong những điều khiến bà con chưa bỏ được thị trường này do họ luôn dùng tiền mặt để thanh toán. Còn khi cung ứng cho những DN như chúng tôi thanh toán phải theo lịch trình, phải thông qua ngân hàng. 

- Trong khoảng 2 năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả luôn ghi được những kết quả đáng khích lệ. Đây hẳn là tín hiệu tích cực cho nông sản Việt Nam trong những năm tiếp theo, thưa ông?

- Để có thể đứng vào danh sách CLB những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô, nông sản Việt Nam cần một quá trình thay đổi cách làm, đầu tư công nghệ trồng và chế biến. Đơn cử, trước đây để xuất khẩu được thanh long vào các thị trường khó tính như châu Âu chúng tôi phải  mày mò tìm hiểu EurepGAP (tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được xây dựng bởi các nhà bán lẻ châu Âu, sau này chuyển thành GlobalGAP), do lúc đó còn chưa có VietGap.
Thời gian này chúng ta đang giới thiệu thêm nhiều nông sản độc đáo của Việt Nam với thế giới và khi những thị trường khó tính về chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… chấp nhận, nhiều quốc gia khác cũng chấp nhận. Song nếu lâu dài chúng ta không đảm bảo chất lượng ổn định doanh số xuất khẩu có thể lại bị sụt giảm. Nên quan trọng nhất vẫn là làm sao đảm bảo duy trì chất lượng ổn định cho nông sản Việt Nam từ khâu sản xuất. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác