Định hướng phát triển kinh tế 2016-2020

Bài 3: Sử dụng nguồn lực hiệu quả

(ĐTTCO) - 10,5 triệu tỷ đồng đưa ra trong kế hoạch tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế 2016-2020 là nguồn lực đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đầu tư tương đương 32-34% GDP hàng năm. Trong đó, nguồn lực đầu tư nhà nước chiếm khoảng 1/3, nguồn lực tư nhân chiếm 2/3. Do vậy cách thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh thị trường. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. ĐINH TRỌNG THẮNG (ảnh), Trưởng ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về vấn đề này.

(ĐTTCO) - 10,5 triệu tỷ đồng đưa ra trong kế hoạch tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế 2016-2020 là nguồn lực đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đầu tư tương đương 32-34% GDP hàng năm. Trong đó, nguồn lực đầu tư nhà nước chiếm khoảng 1/3, nguồn lực tư nhân chiếm 2/3. Do vậy cách thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh thị trường. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. ĐINH TRỌNG THẮNG (ảnh), Trưởng ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về vấn đề này.

Cải thiện hệ số ICOR

PHÓNG VIÊN: - Là người tham gia xây dựng kế hoạch TCC kinh tế giai đoạn 2016-2020, xin ông cho biết cơ sở nào để đề án đưa ra con số huy động nguồn lực lên đến 10,5 triệu tỷ đồng?

-TS. ĐINH TRỌNG THẮNG: - Đây là nguồn lực dự kiến nền kinh tế phải huy động trong 5 năm tới, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết 142/2016/QH13.  Cơ sở đưa ra tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 32-34% GDP hàng năm liên quan đến hệ số sử dụng vốn, hệ số đầu tư tăng trưởng (hệ số ICOR) của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Nhu cầu vốn cho nền kinh tế được tính toán dựa trên tỷ lệ vốn bỏ ra để đạt được 1 đơn vị GDP trong những năm tới. Chẳng hạn hệ số ICOR của nền kinh tế trung bình trong 5 năm qua (2011-2015) khoảng 6,9 lần, nghĩa là nền kinh tế bỏ gần 7 đồng vốn để có được 1 đồng tăng trưởng GDP.

TCC nền kinh tế trong giai đoạn tới được hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực (trước hết là vốn đầu tư) trên phạm vi quốc gia, nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Theo đó, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.

Thực tế trên cho thấy chi phí đầu tư của Việt Nam cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực ASEAN cùng trình độ phát triển. Trung bình hệ số ICOR của các nước ASEAN khoảng 3-4 lần. Như vậy nền kinh tế nước ta đang thâm dụng vốn trong giai đoạn vừa qua, đó là thực trạng cần được thay đổi thông qua TCC tổng thể nền kinh tế. Nhưng cũng có một thực tế khác cần lưu ý, trong giai đoạn vừa qua đầu tư cho hạ tầng rất lớn, nhiều công trình hạ tầng phải 5-10 năm sau mới phát huy được hiệu quả. Thí dụ các dự án lớn đang trong giai đoạn đầu tư như Sân bay quốc tế Long Thành, 5 năm nữa vẫn phải đầu tư tiếp trong khi chưa đưa vào sử dụng. Tương tự cao tốc Bắc - Nam, một dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng, miền, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia nên cũng cần huy động nguồn lực rất lớn, cũng không thể phát huy hiệu quả trong thời gian triển khai xây dựng.

- Với nguồn lực lớn cho 5 năm tới, theo ông cần giải pháp gì để huy động và sử dụng hiệu quả?

- Mục tiêu của TCC nền kinh tế trong 5 năm tới không chỉ tập trung huy động thêm nguồn lực cho phát triển, cốt lõi của TCC kinh tế là phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nếu ta huy động đủ 10,5 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, việc sử dụng nguồn lực khổng lồ này thế nào để phát huy tối đa hiệu quả là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. Sử dụng nguồn lực hiệu quả sẽ kéo hệ số ICOR thấp xuống, đồng nghĩa với việc bỏ ra ít vốn hơn để có được một đơn vị tăng trưởng. Và như vậy, với 10,5 triệu tỷ đồng nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sẽ làm được nhiều việc hơn, nền kinh tế sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, tạo ra quy mô GDP lớn hơn.

Mặt khác, trong số 10,5 triệu tỷ đồng, nguồn lực từ Nhà nước sẽ chỉ đóng góp trên 30% từ các nguồn ngân sách nhà nước (NSNN); vay ODA, trái phiếu chính phủ (TPCP), bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) chiếm gần 70% nguồn lực sẽ huy động từ khu vực tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nên vấn đề cải cách thể chế, tạo sức hút với khu vực tư nhân rất quan trọng. Nếu chúng ta sử dụng nguồn lực hiệu quả sẽ là cơ sở để thu hút thêm nguồn vốn mới từ khu vực tư nhân vào nền kinh tế. Ngược lại, nếu chúng ta không xây dựng cơ chế sử dụng nguồn lực hiệu quả, việc huy động 10,5 triệu tỷ đồng sẽ rất khó đạt được. Đây cũng là vấn đề lớn nhất đặt ra cho kế hoạch TCC kinh tế 2016-2020.

sử dụng nguồn lực hiệu quả sẽ là cơ sở để thu hút thêm nguồn vốn mới từ khu vực tư nhân vào nền kinh tế. Ảnh: LONG THANH

sử dụng nguồn lực hiệu quả sẽ là cơ sở để thu hút thêm nguồn vốn mới



từ khu vực tư nhân vào nền kinh tế. Ảnh: LONG THANH

Giảm nguồn lực Nhà nước

Việc thực hiện quyết liệt hoặc đẩy mạnh TCC nền kinh tế trong giai đoạn tới đều mang lại những dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế; gia tăng mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, kìm giữ lạm phát, giảm thâm hụt NSNN, gia tăng hiệu quả đầu tư và góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế. Nếu TCC quyết liệt tạo ra những kết quả rõ ràng hơn, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn; là cơ sở cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, đồng thời làm thế nào để thu hút tối đa các dòng vốn tư nhân cho phát triển kinh tế?

- Bản chất của đầu tư nhà nước luôn có ICOR cao hơn mức trung bình của nền kinh tế, thời gian qua hệ số ICOR trong đầu tư công được đẩy lên quá cao. Thí dụ, giai đoạn 2001-2005 hệ số ICOR trong đầu tư công khoảng 7 lần; giai đoạn 2005-2010 tăng lên 11,9 lần; 2011-2015 giảm xuống 9,5 lần, nghĩa là đầu tư nhà nước trong giai đoạn gần đây đã hiệu quả hơn 5 năm kế trước nhưng vẫn còn rất cao. Vì vậy giai đoạn sắp tới cần cải thiện rất nhiều để đạt được mục tiêu giảm hệ số ICOR của nền kinh tế xuống 5-5,5 lần, khu vực đầu tư công giảm xuống còn 8 lần như kế hoạch TCC kinh tế 2016-2020 đã đề ra.

Trong giai đoạn 2011-2015, khoảng 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội được huy động từ khu vực công. Giai đoạn 2016-2020, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đặt mục tiêu giảm nguồn lực huy động từ Nhà nước xuống 31-35% tổng đầu tư toàn xã hội. Tăng tỷ lệ huy động từ khu vực tư nhân trong nước lên khoảng 45-51% tổng đầu tư xã hội. Dù số lượng đầu tư tuyệt đối của Nhà nước vẫn tăng nhưng tỷ trọng đầu tư nhà nước trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội sẽ giảm dần, tỷ trọng đầu tư tư nhân sẽ tăng dần. Nguồn lực nhà nước ở đây được hiểu là nguồn đầu tư từ NSNN, nguồn vay ODA, phát hành TPCP và nguồn đầu tư của DNNN. Theo quan điểm cá nhân tôi, muốn sử dụng nguồn lực hiệu quả cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách chất lượng thể chế đầu tư công, đi kèm với nó cần đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước khỏi DN để tạo dư địa cho khu vực tư nhân phát triển.

2 kịch bản TCC

- Thưa ông, việc thực hiện thành công kế hoạch TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ tác động thế nào đến tốc độ và mô hình tăng trưởng trong 5 năm tới?

- Sử dụng mô hình kinh tế lượng cấu trúc đa phương trình để đánh giá định lượng tác động TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo 2 khả năng: thực hiện TCC quyết liệt và có nhiều đột phá (kịch bản 1); đẩy nhanh TCC (kịch bản 2). Kết quả cho thấy tăng trưởng kinh tế những năm tới dựa nhiều vào hiệu quả của quá trình TCC nền kinh tế với 3 trụ cột TCC ngân hàng, DNNN và đầu tư công. Trong đó, TCC hệ thống DN và đầu tư nhà nước sẽ tác động nhiều hơn đến động lực tăng trưởng và quyết định tăng trưởng kinh tế. Tái cấu trúc ngân hàng và hệ thống tài chính sẽ tác động trực tiếp đến ổn định vĩ mô.

Nếu quá trình TCC kinh tế quyết liệt như kịch bản 1, giai đoạn 2016-2020 nền kinh tế sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7,01%/năm, lạm phát bình quân hàng năm khoảng 3,5%. Trong đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tương ứng khoảng 2,89%, 8,59% và 7,23%. Cơ cấu kinh tế giữa 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ được cải thiện tốt hơn; thu NSNN/GDP đạt khoảng 22,19%, bội chi NS trung bình cho toàn giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 4%.

So với kịch bản cơ sở (không có nhiều cải thiện trong TCC nền kinh tế), kịch bản 1 cải thiện đáng kể về tăng trưởng kinh tế và ổn định NSNN. Cụ thể, tốc độ tăng GDP tăng thêm khoảng 0,46 điểm % và thâm hụt ngân sách giảm 1 điểm %. Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là 2,27% và kịch bản này làm tăng đáng kể đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP, khoảng 4,62%. Đặc biệt, đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì trong dài hạn, với tăng trưởng giai đoạn 2021-2026 dự báo đạt khoảng 7,36%/năm và lạm phát khoảng 3% nhờ vào những thay đổi về mô hình tăng trưởng kinh tế, trong điều kiện kinh tế thế giới không có các biến động bất thường.

Với kịch bản 2, thực hiện đẩy mạnh TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, duy trì các thành quả và đẩy nhanh tốc độ hơn so với giai đoạn 2011-2015, nhưng chưa có các đột phá, đặc biệt là chưa có đột phá về TCC và thoái vốn khỏi các DNNN. Theo đó, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,86%/năm, lạm phát bình quân hàng năm khoảng 4,5%. Trong đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tương ứng khoảng 2,75%, 8,41% và 7,05%. Thu NSNN/GDP khoảng 22,09% và bội chi NS trung bình giai đoạn này khoảng 4,89%. So với kịch bản cơ sở, kịch bản 2 cũng cải thiện đáng kể về tăng trưởng kinh tế và NSNN. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tăng thêm khoảng 0,32 điểm % và thâm hụt NS giảm 0,31 điểm %. Tốc độ tăng của TFP đạt 2,12%. Kịch bản 2 có thể làm tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế, khoảng 3,14 điểm % so với kịch bản cơ sở.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác