Cương quyết dẹp loạn SIM rác

 
(ĐTTCO) - Câu chuyện tin nhắn rác với SIM kích hoạt sẵn, không khai báo đầy đủ thông tin là chuyện đã diễn ra trường kỳ ở Việt Nam, dù cơ quan chủ quản là Bộ TT-TT đã nhắc nhở nhiều lần.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia (VNCERT) vừa chủ trì cuộc làm việc giữa đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), gồm VNCERT, Cục Viễn thông và Thanh tra Bộ với 5 doanh nghiệp viễn thông di động VNPT-VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnamobile và GTel để bàn bạc, thảo luận về các nội dung của dự thảo cam kết thống nhất tiêu chí và biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác. Dự kiến, bản cam kết này sẽ thông qua và ký kết vào cuối tháng 4.

Bộ TT-TT quyết liệt vào cuộc

Câu chuyện tin nhắn rác với SIM kích hoạt sẵn, không khai báo đầy đủ thông tin là

Quản lý SIM rác, tin rác Bộ TT-TT thống nhất sẽ phải xử lý kiên quyết. Trong đó doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính, Nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được, để tin rác, SIM rác tồn tại, doanh nghiệp phải thay người đứng đầu.

Ông TRƯƠNG MINH TUẤN, Bộ trưởng Bộ TT-TT


chuyện đã diễn ra trường kỳ ở Việt Nam, dù cơ quan chủ quản là Bộ TT-TT đã nhắc nhở nhiều lần. Trước tình trạng này, cuối tháng 10- 2016, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động trên đã ký cam kết với Bộ TT-TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

Tuy nhiên, sau đó 1 tháng, Bộ TT-TT tiến hành thanh tra toàn quốc, đã phát hiện và xử lý mạnh tay việc kích hoạt thuê bao di động, thực hiện khuyến mại không đúng quy định. Cùng thời điểm, Cục Viễn thông ra quyết định xử phạt 5 nhà mạng trên tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng do để xảy ra nhiều sai phạm về giá cước và khuyến mại. Đây được xem là những hành động quyết liệt trong nhiều giải pháp để tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, từng bước dẹp bỏ vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo…

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm VNCERT, cho biết với sự quyết liệt của Bộ TT-TT, sau gần 6 tháng triển khai thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối (còn gọi là SIM rác), các nhà mạng đã thực hiện thu hồi hơn 20 triệu SIM rác. Đồng thời, theo ghi nhận tại đầu số phản ánh tin nhắn rác 456 và hệ thống của các nhà mạng, tình hình phát tán tin nhắn rác đã giảm tương đối, trung bình giảm tới 80%...

Hồi cuối tháng 3 vừa rồi, 5 nhà mạng đã ký thêm cam kết cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao. Theo cam kết của 5 nhà mạng, nếu đại lý vi phạm quy định về quản lý thuê bao sẽ bị các nhà mạng đồng loạt cắt hợp đồng. Cùng thời điểm đó, Thanh tra Bộ TT-TT cũng xử phạt 85 triệu đồng đối với Viettel, VinaPhone, MobiFone vì có những sai phạm sử dụng chứng minh thư giả để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Bộ TT-TT cũng yêu cầu các nhà mạng phải tuyệt đối không kích hoạt lại SIM đã bị thu hồi, nếu SIM đó không thực hiện đăng ký đầy đủ thông tin theo quy định. Sở dĩ Bộ TT-TT liên tục nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt các nhà mạng như vậy, bởi nếu các nhà mạng làm mạnh tay, không bao che các đại lý vi phạm, vấn nạn SIM kích hoạt sẵn, không đăng ký thông tin đầy đủ sẽ sớm được dẹp bỏ.

Trách nhiệm của nhà mạng

Đến thời điểm này, đại diện 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều khẳng định thực hiện đúng, đầy đủ những điều đã cam kết với Bộ TT-TT cũng như giữa các nhà mạng với nhau. Đặc biệt, các nhà mạng cũng thống nhất đưa 4 tiêu chí vào quản lý đại lý. Theo đó, nếu một đại lý bán SIM của tất cả nhà mạng, nhưng chỉ cần vi phạm với 1 nhà mạng cũng không được bán SIM của các nhà mạng khác.

Theo Thanh tra Bộ TT-TT, với cam kết bổ sung tiêu chí xác định SIM kích hoạt sẵn, xác định các đại lý đăng ký thông tin, kích hoạt sai quy định, các mạng di động sẽ thực hiện khóa các tài khoản của điểm bán, đại lý đăng ký thông tin và tiến hành thanh lý hợp đồng. Thêm vào đó các nhà mạng phải thông báo với nhau về tình trạng các đại lý, điểm bán của mình vi phạm để nhà mạng khác cùng thanh lý hợp đồng với các đại lý, điểm bán này.

Cương quyết dẹp loạn SIM rác ảnh 1 Bộ TT-TT cương quyết dẹp loạn sim rác.
Theo quy định hiện hành, các đại lý vẫn có quyền kích hoạt SIM, khi thực hiện đăng ký đầy đủ thông tin. Đây chính là lỗ hổng lớn các đại lý khai thác để tung ra hàng loạt SIM đã kích hoạt sẵn ra ngoài thị trường bằng chứng minh nhân dân giả. Được biết, Bộ TT-TT đang trình Chính phủ quy định mới, trong đó quy trách nhiệm kích hoạt SIM thuộc về nhà mạng.

Khi đó, các đại lý sẽ đóng vai trò là đại lý ủy quyền của các nhà mạng và trách nhiệm đăng ký thông tin thuê bao có chính xác hay không vẫn thuộc trách nhiệm của nhà mạng, đi kèm với những chế tài xử phạt nặng. Chỉ khi đó, các nhà mạng mới thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc dẹp loạn SIM rác. Và cũng phải đến lúc đó, khi các nhà mạng thật sự làm, vấn nạn SIM rác mới dẹp yên được.

Liên quan đến cam kết chặn tin nhắn rác của các nhà mạng, đại diện 5 doanh nghiệp viễn thông đã bàn bạc về các nội dung của bản cam kết thống nhất tiêu chí và biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tập trung các nội dung chính như: cách hiểu về tin nhắn rác; bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác trong hệ thống kỹ thuật; cách thức triển khai; phương thức báo cáo; việc kiểm tra, giám sát thực hiện cam kết…

Tuy nhiên, hiện nay việc ngăn chặn tin nhắn rác của các nhà mạng được thực hiện chưa đồng đều, có nhà mạng làm tốt và cũng có nhà mạng làm chưa tốt. Tới đây, Bộ TT-TT sẽ mở một chiến dịch ngăn chặn tin nhắn rác thống nhất giữa các hệ thống chặn tin nhắn rác của các nhà mạng; chia sẻ thông tin giữa các hệ thống để làm sao các nhà mạng có thể chặn lọc được tốt hơn, giảm tình trạng phát tán tin nhắn rác trên toàn bộ các mạng di động, bảo vệ quyền lợi của người dùng dịch vụ, đồng thời cũng nâng cao được chất lượng dịch vụ viễn thông di động của nhà mạng và đảm bảo cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng. Đặc biệt sẽ ràng buộc trách nhiệm cũng như các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ đối với từng doanh nghiệp trong chống tin nhắn rác và dẹp loạn SIM hiện nay.

Các tin khác