Tương lai nào cho bán đảo Triều Tiên?

(ĐTTCO) - Trong 5 năm tới, Hàn Quốc do một vị tổng thống có chủ trương mềm dẻo và cởi mở với Triều Tiên lãnh đạo. Liệu thay đổi chính trị này có giúp tình hình bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng?
 

Cây gậy, củ cà rốt

Trong lễ nhậm chức, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhắc lại cam kết trong suốt mùa tranh cử: sẵn sàng đối thoại với chính quyền Triều Tiên Kim Jong-un nếu hội đủ các điều kiện. Như vậy, Hàn Quốc đi theo một đường lối ôn hòa với Triều Tiên, khác với chính sách cứng rắn của nữ tổng thống bị truất phế Park Geun-hye. Ngoài sự kiện lật qua trang sử cứng rắn của người tiền nhiệm, quá trình hoạt động của tân Tổng thống Hàn Quốc cho phép dân chúng tin tưởng là ông là người của tình thế. 

 Sinh năm 1953, cha mẹ ông Moon Jae-in là người Triều Tiên tị nạn chiến tranh. Ông cũng là người thân cận của cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và ông Roh Moo-hyun vào đầu tháng 10-2007, tiếp nối chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong những năm 1990. 
Một trong những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Moon Jae-in ngay sau khi nhậm chức là bổ nhiệm ông Suh Hoon làm giám đốc cơ quan tình báo. Sĩ quan tình báo gạo cội, từng tham gia kế hoạch tổ chức 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, tuyên bố với báo chí rằng còn quá sớm để nói đến thượng đỉnh lần 3 nhưng đó là chuyện cần thiết. Hàn Quốc cũng cần đồng minh Hoa Kỳ, nhưng ông Moon Jae-in cho rằng đã đến lúc Seoul phải có tiếng nói độc lập trong chính sách an ninh chung liên quan đến tồn vong của quốc gia. 

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.Thứ nhất, khác với tình hình 20 năm về trước, Triều Tiên ngày nay đã có bom hạt nhân và tên lửa. Thứ hai, chủ trương hòa giải với Bình Nhưỡng là đi ngược xu hướng chung tại Hoa Kỳ, bởi Triều Tiên là mối nguy hiểm thực thụ, đe dọa an ninh thế giới và sinh mạng của 28.000 quân Hoa Kỳ ở Hàn Quốc.
Các đơn vị này vừa bảo vệ Hàn Quốc, vừa là trụ cột trong chiến lược toàn cầu của Washington. Hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được bố trí xong trước ngày bầu cử, đã đặt tân tổng thống Moon Jae-in trước sự đã rồi. Cuối cùng là nội bộ Hàn Quốc. Xem mọi nhượng bộ với Bắc Triều Tiên là nguy hiểm, các đối thủ của tân tổng thống tố cáo ông là người thân Triều Tiên. 

Giới quan sát cũng đặt dấu hỏi liệu chính sách Ánh Dương có thể phục vụ chiến lược của Hoa Kỳ? Vào lúc mọi kết quả thăm dò ý kiến cho thấy ứng cử viên Moon Jae-in chiến thắng ngày 1-5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đột nhiên tuyên bố sẵn sàng tiếp ông Kim Jong-un. Chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong-chang của Viện Sejong lý giải: Washington và Seoul phối hợp đòn cương nhu đối phó với Bình Nhưỡng. Ông Trump là cây gậy, ông Moon là củ cà rốt, để đòi Bình Nhưỡng tuân thủ nghị quyết Liên hiệp quốc, bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Vấn đề là liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thích củ cà rốt Hàn Quốc đưa ra hay không?

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. 

Hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Hôm 11-5 vừa qua, tân tổng thống Hàn Quốc đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc khẳng định với báo chí 2 nhà lãnh đạo đặt mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Thời gian qua, Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa, một thách thức không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn cả với người láng giềng thân thiết Trung Quốc. 

Chưa dừng lại ở đó, báo chí Triều Tiên đầu tháng 5 còn cáo buộc Trung Quốc phản bội khi đang xích lại gần Hoa Kỳ. Một bài bình luận đăng trên hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) lên án “những lời phê phán vô trách nhiệm” của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định không có gì làm cho Bình Nhưỡng lay chuyển về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên sẽ không bao giờ hy sinh chương trình hạt nhân để đổi lấy tình hữu nghị của Trung Quốc.

Chương trình phát triển vũ khí cũng không kém phần quý giá như chính mạng sống của đất nước này. Bài viết còn cho rằng lẽ ra Bắc Kinh phải cảm ơn Bình Nhưỡng đã giữ vai trò vùng đệm cho Trung Quốc và Hoa Kỳ kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, góp phần bảo vệ hòa bình và an ninh Trung Quốc. Cuối cùng, tác giả bài viết cảnh báo Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề, nếu vẫn tiếp tục thách thức sự kiên nhẫn của Bắc Triều Tiên. 

Trước những lời lẽ quá khích, tờ Global Times của Trung Quốc đã phản hồi rằng bài bình luận trên KCNA chẳng khác gì một bài viết cực kỳ hung hăng chứa đầy thiên kiến chủ nghĩa dân tộc. Báo Trung Quốc còn đánh giá Triều Tiên bị giam hãm trong một kiểu lập luận phi lý khi nói về chương trình hạt nhân của nước này. Global Times cảnh cáo nếu Bình Nhưỡng tiếp tục một vụ thử hạt nhân mới, Trung Quốc sẽ phải làm cho Triều Tiên thấy nước này sẽ có phản ứng ra sao. 

3 trường phái về vấn đề Triều Tiên

Tuy luôn lên tiếng bênh vực nhưng Bắc Kinh cũng cho thấy lúng túng trong cách đối phó Bình Nhưỡng cho dù Trung Quốc là chỗ dựa lớn duy nhất của Triều Tiên. Theo Hemant Adlakha, chuyên gia Ấn Độ về Trung Quốc, hiện có 3 trường phái ở Trung Quốc về đối phó với đồng minh ngày càng khó trị. Trường phái thứ nhất cho là Triều Tiên, trên mặt ý thức hệ và địa chính trị vẫn có vai trò then chốt đối với Trung Quốc vì 2 lý do. Một là, khi duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không bị cô lập trong ván bài mà Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chơi ở bán đảo Triều Tiên.

Hai là, với việc có Bình Nhưỡng đứng bên cạnh, Bắc Kinh ở trong một tư thế tốt hơn để đối phó với tâm lý bài Trung Quốc trên thế giới. Những người ủng hộ Triều Tiên tin chắc rằng Bình Nhưỡng là lá bài chiến lược sáng giá nhất của Bắc Kinh, tầm quan trọng chiến lược này sẽ có giá trị then chốt hơn nữa trong những ngày tới đây. Về mặt lịch sử, người Trung Quốc không bao giờ bỏ qua tầm quan trọng của Triều Tiên, và ngày nay khi đất nước trẻ hóa mình, Trung Quốc không nên từ bỏ bất kỳ vùng nào đã từng thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của mình.

Một trường phái khác yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ hẳn Triều Tiên. Đây là những người ủng hộ cải tổ, ủng hộ kinh tế thị trường. Nhóm này đã đặc biệt lên tiếng thúc đẩy việc không mấy dễ chịu đối với chế độ Bắc Kinh là phải nghiêm ngặt trong quan hệ với Bình Nhưỡng, đặc biệt sau việc Hoa Kỳ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc. Những người thuộc trường phái cứng rắn với Triều Tiên này đánh giá thật ra việc triển khai THAAD là chống Trung Quốc chứ không phải là nhắm vào Triều Tiên. Họ trách cứ chương trình hạt nhân Triều Tiên đã tạo cớ cho việc triển khai THAAD.

Zhao Lingmin, một nhà bình luận chính trị có tiếng ở Trung Quốc, đã nhận định như sau trên báo Financial Times: Quyết định của Hoa Kỳ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một thảm họa đối với Trung Quốc, và đã đến lúc Trung Quốc phải thay đổi suy nghĩ. Những người chủ trương từ bỏ Triều Tiên đều cho là việc THAAD đến Hàn Quốc phản ánh thất bại ngoại giao của Bắc Kinh. Đối với nhiều người, những tiếng nói bất thường này là lời cảnh báo lãnh đạo Bắc Kinh rằng Triều Tiên đã làm hỏng lịch trình ngoại giao của Trung Quốc.

Quan điểm trường phái thứ 3 ở Trung Quốc là loại trừ  Triều Tiên. Đây là điểm khó được Trung Quốc chấp nhận nhất. Những người có chủ trương này đưa ra lập luận là đảng Cộng sản Trung Quốc kẹt giữa phe ủng hộ và từ bỏ Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua. Và hiện tại thì xu hướng rõ nét ở Bắc Kinh là thuận cho việc từ bỏ. Hơn nữa với mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng lệ thuộc nhau, Bắc Kinh không thể khiêu khích Washington trên vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Sớm muộn gì, Bắc Kinh sẽ phải chọn giữa từ bỏ hay loại trừ Triều Tiên. 

Các tin khác