Trung Quốc “xâm lăng” qua con đường tài chính

(ĐTTCO) - Mặc dù, Trung Quốc đang siết chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, song vẫn cho phép thực hiện hàng loạt các thương vụ M&A có giá trị lớn lên đến hàng tỷ USD đối với các công ty tài chính châu Âu.
HNA Group và Anbang Insurance Group - 2 tập đoàn của Trung Quốc đang nhòm ngó Tập đoàn Dịch vụ tài chính Allianz SE của Đức.
HNA Group và Anbang Insurance Group - 2 tập đoàn của Trung Quốc đang nhòm ngó Tập đoàn Dịch vụ tài chính Allianz SE của Đức.

Điều này dấy lên lo ngại về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quốc tế sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc thực hiện các thương vụ M& A trong lĩnh vực tài chính ở nước ngoài đã đạt giá trị gần 9 tỷ USD, năm 2016 con số này là 12 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, sẽ có nhiều thương vụ thâu tóm trong ngành tài chính châu Âu từ các công ty tư nhân và các tập đoàn quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc. Trong đó phải kể đến Legend Holdings, China Minsheng Financial, China Life và China Everbright.

Đường ngắn nhất để thâu tóm kinh tế

Theo nguồn tin từ Reuters, sau khi sáp nhập hàng loạt các cảng biển và khu công nghiệp, các công ty Trung Quốc có hoạt động tích cực M&A như HNA Group và Anbang Insurance Group đang “nhòm ngó” sang lĩnh vực tài chính, cụ thể là Tập đoàn Dịch vụ tài chính Allianz SE của Đức. Đây là một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới với tài sản lên tới 1,361 nghìn tỷ Euro, tương đương khoảng hơn 2 nghìn tỷ USD năm 2016.

Mặc dù hai “ông lớn” của Trung Quốc chưa chính thức công khai giá chào mua, song việc họ cân nhắc sáp nhập một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới của châu Âu đã đánh dấu một mức độ tham vọng mới của Trung Quốc.

Còn nhớ, hồi đầu tháng, Tập đoàn tư nhân Legend Holdings đã chi 1,8 tỷ USD để mua 90% cổ phẩn trong ngân hàng Banque Internationale a Luxembourg (BIL). Trước đó, HNA cũng đã nắm giữ khoảng cổ phần 10% tại ngân hàng Deutsche của Đức.

Lý giải về điều này, luật sư Christina Lee tại Công ty Luật Baker McKenzie Hồng Kông nhận định: “Các định chế tài chính của Trung Quốc đến nay mới chỉ tập trung vào thị trường trong nước, vì vậy M&A sẽ là một trong những cách ngắn nhất để Trung Quốc có được kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn vốn của các công ty tài chính châu Âu”.

Điều này cũng lý giải vì sao các công ty Trung Quốc lại “mạnh dạn” chi nhiều tỷ USD để thực hiện các thương vụ M&A ra nước ngoài trong khi chính phủ nước này đang “ra mặt” siết chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, các công ty Trung Quốc này sẽ được chính phủ hỗ trợ về thủ tục xét duyệt dự án còn 3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây. Đồng thời các công ty này cũng được hỗ trợ tài chính từ các khoản vay được cho là không bị tác động bởi chính sách siết chặt đầu tư dòng tiền ra nước ngoài mà nước này đang thực thi.

Tránh phụ thuộc

Không chỉ dừng lại với các công ty tài chính và bảo hiểm của châu Âu, theo Reuters, các công ty Trung Quốc đồng thời đang “nhắm” tới khu vực Đông Nam Á. Điều này được thể hiện rõ qua chính sách siết chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang dần thu hẹp với phần còn lại của thế giới, song Trung Quốc vẫn “hào phóng” đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phần lớn tập trung vào các dự án hạ tầng liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Là một quốc gia nằm trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, các chuyên gia dự báo, việc các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A với nhóm các công ty tài chính Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, không phải thời gian gần đây, mà từ trước đây, việc Trung Quốc đã tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến lĩnh vực chứng khoán. Ông Hiếu cũng lưu ý: “Không nên để hoạt động giao thương, đầu tư phụ thuộc nhiều vào một đối tác. Bởi, nếu nền kinh tế của họ có sự suy thoái thì ít nhiều các đối tác liên kết kinh doanh cũng phải chịu những tác động nhất định”.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia Jean-Charles Sambor, Công ty quản lý tài sản BNP Paribas của Pháp cảnh báo, một biến cố kinh tế chẳng hạn như tăng trưởng GDP suy yếu nhanh ở Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng lây lan nghiêm trọng cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Hiện nay, Việt Nam có lợi thế trong việc thực hiện nhiều hiệp định tự do thương mại với nhiều nước lớn trên thế giới, Việt Nam nên tranh thủ đa dạng quan hệ đầu tư với các nước để tránh phụ thuộc đầu tư, quan hệ giao thương với một nước lớn” -chuyên gia này gợi ý.

Các tin khác