Thị trường tiền tệ xáo trộn, DN thất thu

Những năm qua, các thị trường mới nổi đã đem vận đỏ đến với nhiều doanh nghiệp, nhưng đợt lao dốc của các đồng nội tệ tại các thị trường này từ giữa năm nay (do nhà đầu tư đồn đoán Hoa Kỳ sẽ giảm quy mô gói kích thích kinh tế) đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty.

Những năm qua, các thị trường mới nổi đã đem vận đỏ đến với nhiều doanh nghiệp, nhưng đợt lao dốc của các đồng nội tệ tại các thị trường này từ giữa năm nay (do nhà đầu tư đồn đoán Hoa Kỳ sẽ giảm quy mô gói kích thích kinh tế) đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty.

Kết quả kinh doanh hàng quý của hàng loạt "đại gia", từ Coca-Cola, IBM, Unilever, Casino... tới tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH cho thấy biến động về tiền tệ đã ảnh hưởng nặng nề đến khối doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế tại công ty môi giới Aurel BGC nhận định rủi ro tại thị trường mới nổi là nguồn cơn của mối lo trong các báo cáo kết quả kinh doanh quý III-2013.

Đồng real của Brazil, rand của Nam Phi, lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rupee Ấn Độ và rupiah của Indonesia đã để "bốc hơi" 1/5 giá trị trong tháng 8 vừa qua, khi các nhà đầu tư thoái vốn trên cơ sở dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ khổng lồ của mình.

Chuyên gia giao dịch Toby Morris thuộc CMC Markets nhận định: một loạt công ty không đạt mục tiêu doanh thu trong quý III-2013, với một lý do đang bị "tố" nhiều đó là tác động của đồng euro mạnh.

Các công ty sống dựa vào lực lượng khách hàng ở các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong bối cảnh các đồng nội tệ ở Nam Mỹ và Ấn Độ suy yếu. Đồng euro không chỉ lên giá nhiều so với các đồng tiền của khu vực thị trường mới nổi, mà còn đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 so với đồng USD do những thống kê kinh tế đáng thất vọng phát đi từ Mỹ.

Tập đoàn thiết bị điện của Pháp Schneider Electric cảnh báo đồng euro bị đẩy giá quá cao và ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty. Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Giám đốc phụ trách tài chính của Schneider Electric, Emmanuel Babeau, nói: "Eurozone là khu vực kinh tế lớn duy nhất không sử dụng đồng tiền của mình như một vũ khí kinh tế hay một vũ khí để cạnh tranh."

Tăng trưởng doanh thu của tập đoàn đã rơi vào tình trạng trì trệ, trong khi được dự báo là tăng nhẹ. Hãng sản xuất ô tô Pháp Renault cũng chịu chung số phận khi doanh thu giảm 3,2%.

Tập đoàn siêu thị Casino của Pháp, vốn có nhiều hoạt động tại Brazil, cho biết, tỷ giá hối đoái biến động khiến tổng doanh thu của tập đoàn giảm 16,5 điểm phần trăm.

Ngay cả các công ty Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng. Với Coca-Cola, doanh số bán mặc dù tăng 3% nhưng thu nhập ròng lại giảm 3%.

Các chuyên gia phân tích dự báo khối doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những biến động trên trên thị trường tiền tệ trong những quý tới.

Sanjay Mathur, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Royal Bank of Scotland cảnh báo, trong những tháng tới, các công ty cần có phương án phòng vệ để đối phó với những rủi ro khi tỷ giá hối đoái biến động.

Rủi ro sẽ quay lại thị trường khi Fed bắt đầu rút dần quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 80 tỷ USD/tháng, mà nhiều chuyên gia dự kiến vào khoảng đầu năm 2014.

Các tin khác