Tác động FED nâng lãi suất

(ĐTTCO) - Khi các quan chức của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - bước vào cuộc họp 2 ngày kể từ ngày 15-12, giới chuyên gia dự báo 83% FED sẽ đưa ra quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần 10 năm khi cuộc họp kết thúc vào rạng sáng hôm nay (giờ Việt Nam).

(ĐTTCO) - Khi các quan chức của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - bước vào cuộc họp 2 ngày kể từ ngày 15-12, giới chuyên gia dự báo 83% FED sẽ đưa ra quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần 10 năm khi cuộc họp kết thúc vào rạng sáng hôm nay (giờ Việt Nam).

Lần nâng lãi suất gần đây nhất của FED là tháng 6-2006. Khi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ đang phát triển rất nóng, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4,4% và bong bóng nhà ở chuẩn bị vỡ. FED đã cố kiềm chế độ nóng bằng việc nâng lãi suất. Sau đó, nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính khiến FED hạ lãi suất xuống mức cận kề zero (0-0,25%) kể từ năm 2008 và giữ nguyên mức đó cho đến nay. Kể từ đó, FED nhiều lần đưa ra dự báo lạc quan về thời điểm họ sẽ nâng lãi suất, nhưng hết lần này đến lần khác lại trì hoãn. Tuy nhiên, cuối cùng dường như những gì phải đến cũng đã đến.

Dù nâng lãi suất, FED vẫn ở trong vùng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng. Thị trường và các nhà phân tích sẽ chú trọng đến ngôn ngữ chính xác FED dùng trong thông báo nâng lãi suất để dự báo các bước đi tiếp theo. Cụ thể, thị trường sẽ tập trung vào 3 điều: tốc độ nâng lãi suất trong tương lai; khoảng cách giữa kỳ vọng của FED và của thị trường về lãi suất liên bang; và đâu là điểm cuối của chu kỳ nâng lãi suất này. Theo Ellen Zentner, chuyên gia của Ngân hàng Morgan Stanley, dù FED khẳng định lãi suất sẽ tăng chậm, nhưng vì việc nâng lãi suất phụ thuộc vào các số liệu kinh tế trong tương lai cũng như phản ứng của thị trường, nên không ai (kể cả FED) thực sự biết chắc về lộ trình tăng lãi suất.

Việc nâng lãi suất được xem là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Nó cho thấy FED đã đủ tin tưởng vào sức mạnh và khả năng chịu đựng chi phí vay mượn cao hơn của nền kinh tế. Theo dự báo, FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất từ từ, với mức đầu tiên là 25 điểm phần trăm, tức lãi suất sẽ lên mức 0,25-0,5%. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới từ Tokyo, Bắc Kinh đến Frankfurt đều duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, việc FED nâng lãi suất sẽ càng khiến USD tăng giá. Một đồng USD mạnh sẽ không tốt cho các công ty trong nước như Apple, Nike… USD mạnh khiến các sản phẩm của Hoa Kỳ đắt đỏ hơn, ít hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài. Tuy nhiên, nếu FED lại ngập ngừng một lần nữa, thị trường sẽ lo lắng về sức khỏe của hệ thống tài chính nhiều hơn nữa. FED không muốn tổn hại thương mại, nhưng cũng không thể đợi quá lâu. Lãi suất thường mất vài tháng mới có tác động đến nền kinh tế thực, nếu trì hoãn quá lâu, mọi thứ có thể đã trở nên quá nóng.

83% chuyên gia dự báo FED nâng lãi suất trong kỳ họp lần này.

83% chuyên gia dự báo FED nâng lãi suất trong kỳ họp lần này.

Ngoài ra, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phản ứng thế nào trong lần nâng lãi suất đầu tiên? Điều đó rất khó dự báo, vì những kênh tác động của chính sách tiền tệ cho đến nay vẫn rất bí ẩn, chẳng hạn tiêu dùng, động lực tăng trưởng của Hoa Kỳ gần đây. Tác động của việc nâng lãi suất lên người tiêu dùng sẽ rất hạn chế, vì hầu hết các khoản vay thế chấp của người Hoa Kỳ ở dạng lãi suất cố định. Đợt nâng lãi suất đầu tiên dù có tăng chi phí vay mượn, nhưng vẫn rất nhẹ. Lãi suất cũng sẽ không làm đầu tư chậm lại nhiều. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động của lãi suất với đầu tư. Thực tế cho thấy niềm tin kinh doanh đóng vai trò quan trọng hơn. Nếu việc nâng lãi suất được hiểu triển vọng kinh tế Hoa Kỳ tươi sáng, nó thậm chí sẽ giúp tăng đầu tư. Riêng với lạm phát, Phó Chủ tịch FED Stanley Fischer ước tính đồng USD tăng giá 10% sẽ giảm lạm phát lõi 0,5 điểm phần trăm trong vòng 6 tháng. Với thị trường chứng khoán, lãi suất cao thường là tin xấu. Nhưng khi FED nâng lãi suất giai đoạn 2004-2006, chỉ số S&P 500 tăng tới 15%; và trong phiên giao dịch ngày 15-12, chứng khoán Hoa Kỳ cũng tăng mạnh. Dù sao, việc FED nâng lãi suất đã được dự báo trước từ lâu, nên thị trường hoàn toàn chủ động.

Các tin khác