Những thay đổi của Trump với châu Á

(ĐTTCO) - Trang mạng của tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) của Mỹ mới đăng bài viết cho rằng những hành động và bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái đã cung cấp một cách nhìn thấu đáo mới về loại hình chính sách đối với châu Á mà chính quyền mới của ông có thể theo đuổi sau khi chính thức nắm quyền vào ngày 20/1 tới.

(ĐTTCO) - Trang mạng của tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) của Mỹ mới đăng bài viết cho rằng những hành động và bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái đã cung cấp một cách nhìn thấu đáo mới về loại hình chính sách đối với châu Á mà chính quyền mới của ông có thể theo đuổi sau khi chính thức nắm quyền vào ngày 20/1 tới.

 

Theo Foreign Policy, một mặt, ông Trump cảnh báo phá vỡ những cam kết lâu đời của Mỹ đối với các đồng minh cũng như phá vỡ tự do thương mại và quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Điều này có thể gây ra sự bất ổn chiến lược ở khu vực châu Á. Mặc khác, một số chính sách mà ông Trump đề xuất có thể đưa Washington xích lại gần với các cường quốc châu Á vốn có quan điểm chủ nghĩa dân tộc hơn về việc sử dụng sức mạnh quân sự và năng lực kinh tế.

Tạp chí này đánh giá sự thay đổi đáng kể và tiềm năng nhất là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn Tổng thống đương nhiệm về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, việc tăng cường tiềm lực quân sự của Bắc Kinh cũng như những thông lệ thương mại không công bằng.

Foreign Policy cũng nhận định việc tỷ phú Trump cam kết sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng cũng như việc các cố vấn của ông chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama​ xoay trục sang châu Á bằng lời nói nhiều hơn hành động, báo hiệu Washington dưới thời ông Trump sẽ tái xây dựng quyền lực cứng tại khu vực này.

Về liên minh Washington​-Tokyo, Foreign Policy cho rằng dấu hiệu cho thấy giá trị của mối quan hệ lâu năm này đối với tỷ phú Trump đã gia tăng là khi ông đề nghị Tokyo nên trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có cuộc gặp với ông Trump kể từ khi ông đắc cử. Đây là một tín hiệu tích cực cho nền tảng liên minh 2 nước này.

Tuy nhiên, quan ngại lớn hơn cả của các nước châu Á-Thái Bình Dương là việc ông Trump sớm từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được xem là “hòn đá tảng” thể hiện vai trò kinh tế của Mỹ ở một khu vực trung tâm đang nổi trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Foreign Policy nhận định với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", dự kiến chính quyền ông Trump sẽ phải tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các thị trường bên bờ Thái Bình Dương.

Theo đó, Washington có thể sẽ thay đổi TPP, chuyển sang đàm phán song phương với Nhật Bản hoặc chia nhỏ thỏa thuận để đàm phán.

Trong khi đó, đánh giá tác động chính sách châu Á của tỷ phú Trump với mối quan hệ Mỹ-Đông Nam Á, tạp chí "Forbes" của Mỹ cho biết ông Trump nói nhiều đến “chủ nghĩa cô lập” khi vận động tranh cử, với hàm ý chú trọng đến các vấn đề trong nội địa, giảm can dự ở bên ngoài.

Theo đó, dù chưa rõ ông Trump sẽ giữ cam kết này như thế nào khi chính thức lên nắm quyền, Forbes cảnh báo một hệ quả có thể xảy ra là quan hệ giữa Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một cấu thành then chốt trong chiến lược tái cân bằng - có thể bị ảnh hưởng.

Nếu các chính sách mang tính bảo hộ của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump được thực hiện, các nước Đông Nam Á còn chịu tác động mạnh hơn, khi Mỹ là thị trường nhập khẩu lượng hàng hóa lên tới hơn 100 tỷ USD từ ASEAN (năm 2015)./.

Các tin khác