Những “cầu nối” quan hệ Việt - Mỹ

(ĐTTCO)-Năm 1995, Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ, sang trang trong quan hệ giữa 2 quốc gia từng là cựu thù. Để có bước tiến dài trong quan hệ ấy cho đến ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của những chính khách ở Mỹ đã nỗ lực vì hòa bình, phát triển, lợi ích của 2 dân tộc. Nổi bật trong số đó có Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời và cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.  
Ông John Kerry trong một lần trở lại Việt Nam
Ông John Kerry trong một lần trở lại Việt Nam

Đối đầu thách thức

“Tôi ủng hộ quyết định hôm nay của tổng thống về việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây không phải là quyết định dễ dàng cho bất kỳ tổng thống nào. Tổng thống Clinton đã thể hiện sự can đảm và đáng kính trọng trong quyết tâm của mình”... Đây là đoạn mở đầu trong tuyên bố của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đưa ra ngày 11-7-1995, thời khắc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, ngày 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ.

Trong phần tiếp theo của tuyên bố, ông John McCain đánh giá cao những đóng góp của Tổng thống Mỹ đương nhiệm thời điểm đó - ông Bill Clinton, các tổng thống tiền nhiệm là George.H.W.Bush (Bush cha) và Ronald Reagan, những quan chức, cựu chiến binh Mỹ đã ủng hộ, đóng góp công sức cho nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Về phần mình, ông John McCain chỉ nhận rằng, ông “hành động vì lợi ích tốt nhất của quốc gia”, khuyến khích “đất nước xây dựng hòa bình từ những tổn thất của cuộc chiến tranh bi thảm để cả người dân Mỹ và Việt Nam được tốt hơn”.

Nhiều người cho rằng, dù khiêm nhường trong tuyên bố như vậy nhưng chính Thượng nghị sĩ bang Arizona mới là 1 trong những người đi tiên phong, có đóng góp lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt Nam.   

Nói về sự tâm huyết cải thiện quan hệ giữa 2 cựu thù, NBC News dẫn chứng 1 câu chuyện về ông John McCain. Năm 1993, ông John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry - cũng là 1 cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam, làm việc cho 1 ủy ban thượng viện Mỹ giải quyết các vấn đề về tù nhân cũng như những người mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Là 1 người ủng hộ nhiệt thành bình thường hóa Mỹ và Việt Nam, ông John McCain đã gợi ý, động viên Tổng thống Bill Clinton có bài phát biểu về hòa bình với Việt Nam trước các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, 1 chủ đề được coi là vô cùng nhạy cảm vào thời điểm đó. Hơn thế, ông Bill Clinton lại là 1 tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ chưa từng tham gia quân đội, nên nhiều người dự báo bài phát biểu của Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ thất bại. 

Theo nhà viết tiểu sử Robert Timberg, hiểu được sự khó khăn này, Thượng nghị sĩ John McCain đã viết thư gửi Tổng thống Bill Clinton với đề nghị sẽ cùng đi với Tổng thống Mỹ đến địa điểm ông sẽ phát biểu, giúp ông đối đầu với thử thách.

Tổng thống Mỹ không đồng ý với phương án của ông John McCain nhưng Thượng nghị sĩ Mỹ vẫn xuất hiện. Và sự có mặt của ông John McCain thực sự vấp phải sự chỉ trích dữ dội của những người bạn ông và những cựu chiến binh.

Bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton phần lớn đã bị gián đoạn bởi những người phản đối. Chưa bao giờ dư luận Mỹ phải chứng kiến sự phản ứng mạnh như vậy từ phía những cựu binh.

Bất chấp những khó khăn phải đương đầu, 2 năm sau bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton, 2 ông John McCain và John Kerry vẫn miệt mài mở đường cho ông Bill Clinton tiến tới việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Ông John Kerry cho rằng, Thượng nghị sĩ John McCain đã cho thấy cách ông trở thành cầu nối giữa những người bất đồng ý kiến và tìm ra được tiếng nói chung ngay cả trong trường hợp không thể xảy ra. “Ông ấy là 1 người Mỹ điển hình, 1 nhân cách lớn”, ông John Kerry nói.

Sự nhiệt huyết của ông John McCain còn thể hiện qua các bài viết kêu gọi bình thường hóa với Việt Nam được đăng tải trên nhiều tờ báo uy tín của Mỹ, trong đó có tờ Washington Post.

Ví dụ như ngày 21-3-1988, Washington Post đăng tải bài viết có tựa đề Đây là thời điểm để có một quan hệ tốt hơn với Việt Nam: Suy nghĩ của một cựu chiến binh, người bây giờ là Thượng nghị sĩ Mỹ, hay Hãy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đăng ngày 21-3-1995, những bài viết đưa ra lập luận, lý do về việc Mỹ cần phải bình thường hóa với Việt Nam. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao ông John McCain lại dốc tâm huyết, nỗ lực để 2 cựu thù trở thành đối tác? Có ý kiến cho rằng, có thể thời gian ông tham chiến tại Việt Nam, rồi bị bắt làm tù binh, đã giúp ông nhận ra những đau thương mà người dân Việt Nam phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh tàn khốc và ông mong muốn bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt để góp phần xoa dịu nỗi đau cho người dân Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. 

Chiến tranh là sai lầm

Nói về những chính khách góp công lớn trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, ngoài ông John McCain còn phải kể đến ông John Kerry. Là cử nhân khoa học chính trị học tại Đại học Yale, từ khi còn là sinh viên, ông John Kerry đã tham gia vào các hoạt động đoàn thể và chính trị. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ và đến Việt Nam.

Trong cuốn hồi ký về chiến tranh Việt Nam xuất bản năm 1986, ông John Kerry cho biết, ông thực sự không muốn “bước chân vào cuộc chiến”. Ở Việt Nam từ cuối tháng 11-1968 đến đầu tháng 4-1969, người cựu binh trở về Mỹ với những chấn động, ám ảnh từ cuộc chiến tranh.

Ông tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, gia nhập Cựu chiến binh Việt Nam phản chiến (VVAW) với khoảng 20.000 thành viên, tổ chức được xem là có ảnh hưởng lớn trong phong trào phản chiến tại Mỹ. Năm 1971, ông John Kerry trở thành cựu binh Mỹ tại Việt Nam đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc điều trần kéo dài 2 giờ trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông John Kerry nói: “Làm sao có thể yêu cầu 1 người trở thành người cuối cùng chết vì 1 sai lầm của người khác?”.

Quan điểm rằng, chính quyền Mỹ đã sai lầm khi gây chiến ở Việt Nam định hình cái nhìn của ông John Kerry trong suốt sự nghiệp chính trị từ khi làm Phó Thống đốc bang Massachusetts đến khi gia nhập Thượng viện rồi trở thành Ngoại trưởng. Tuy nhiên, ông rất hiếm khi chia sẻ trước công chúng về khoảng thời gian hoạt động phản chiến.

Từ năm 1991 đến năm 1993, ông làm người đứng đầu Ủy ban đặc biệt Về các vấn đề tù binh và quân nhân mất tích trong chiến tranh (POW/MIA). Khi đó, chiến tranh Việt Nam vẫn còn là vấn đề vô cùng nhạy cảm, là vết thương nhức nhối của người Mỹ nên bước đi của ông John Kerry có thể xem là 1 sự mạo hiểm về chính trị.

Thế nhưng, bằng hàng chục chuyến công du Việt Nam và Đông Nam Á, cùng việc nghiên cứu hàng ngàn tài liệu, hình ảnh, ông John Kerry đã làm sáng tỏ tin đồn nói rằng vẫn còn nhiều binh sĩ Mỹ bị giam trong “các nhà tù bí mật” ở Việt Nam. Cuộc điều tra của ông John Kerry đã giúp ông lấy điểm trong mắt dư luận.

Năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua đề nghị của 2 Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là 1 bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Tới năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Các tin khác