Nhân dân tệ bị sức ép phá giá lớn

(ĐTTCO) - Những diễn biến gần đây trên thị trường tiền tệ Trung Quốc cho thấy kỳ vọng về việc buộc phải làm yếu thêm đồng nhân dân tệ (CNY) ngày càng tăng cao. Điều đó vô hình trung đang tạo sức ép đòi phá giá sâu CNY, tương tự áp lực từng xảy ra với tiền đồng Việt Nam.

(ĐTTCO) - Những diễn biến gần đây trên thị trường tiền tệ Trung Quốc cho thấy kỳ vọng về việc buộc phải làm yếu thêm đồng nhân dân tệ (CNY) ngày càng tăng cao. Điều đó vô hình trung đang tạo sức ép đòi phá giá sâu CNY, tương tự áp lực từng xảy ra với tiền đồng Việt Nam.

 

Thứ nhất, về thị trường tiền tệ Trung Quốc có hai thị trường: thị trường trong nước và thị trường hải ngoại (giao dịch tại Hongkong). Tại thị trường trong nước, tỷ giá chỉ được giao động ±2% xung quanh tỷ giá tham chiếu mà Ngân hàngTrung ương Trung Quốc công bố.

Trong khi tỷ giá tại thị trường hải ngoại lại do thị trường quyết định. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thường tham gia tích cực trên thị trường hải ngoại để ổn định tỷ giá trên thị trường này. Kể từ đầu tháng 11/2015 đến nay, tỷ giá trên thị trường hải ngoại luôn cao hơn tỷ giá trong nước và khoảng cách này ngày càng doãng ra. Điều này cho thấy, mặc dù được Trung Quốc can thiệp quyết liệt, nhưng sức ép bán ra CNY lớn hơn nhiều nhu cầu mua CNY trên thị trường hải ngoại.

Thứ hai, tỷ giá giao dịch kỳ hạn đối với CNY trên thị trường quốc tế trong ngày đầu tuần này cũng phản ánh xu hướng phá giá CNY. Tỷ giá giao sau cao hơn so với tỷ giá giao ngay là: 1,65% nếu giao sau 1 tháng, 2,43% sau 2 tháng, 3,05% sau 3 tháng, 4,36% sau 6 tháng và 5,35% sau 9 tháng.

Thứ ba, gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố tỷ giá tham chiếu sẽ ổn định theo rổ tiền tệ như trước đây. Điều này được thị trường diễn giải là Trung Quốc sẽ cho phép CNY mất giá nhiều hơn với USD, và càng làm cho kỳ vọng phá giá tăng cao.

Thứ tư, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc liên tục giảm. Từ đỉnh cao 3.990 tỷ USD vào tháng 7/2014, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã mất đi khoảng 660 tỷ USD trong vòng 15 tháng tiếp theo, tương đương 16,5%. Đáng chú ý trong 15 tháng đó, có 13 tháng dự trữ ngoại hối giảm. Thêm vào đó dòng vốn tiếp tục chảy ròng ra nước ngoài.

Theo tính toán của Centenial Asia, từ tháng 3/2014 đến tháng 7/2015, dòng vốn liên tục chảy ròng ra khỏi Trung Quốc. Còn theo Ngân hàng Hoàng gia Scotland, chỉ riêng tháng 12/2015, dòng tiền chảy ra nước ngoài đã đạt 190 tỷ USD.

Xu hướng dòng tiền chảy ra nước ngoài được dự báo là không giảm trong thời gian tới do chịu tác động từ việc đưa ra trước pháp luật các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiến hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài để tránh bắt bớ có dấu hiệu tăng. Cạnh đó, do CNY mất giá, kinh tế giảm đà tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp đã kích hoạt việc chuyển tiền ra nước ngoài nhằm bảo tồn giá trị và thành quả đã đạt được. Với thực tế lãi suất ở Mỹ tăng, trong khi tại Trung Quốc đang phải cắt giảm để kích thích kinh tế, dòng vốn nói trên có hiện tượng chuyển hướng sang Mỹ.

Thứ năm, tổng số nợ của Trung Quốc đã tăng rất mạnh trong những tháng gần đây lên tới 28.000 tỷ USD. Trong khi đó, phân tích của nhiều tổ chức tài chínhquốc tế đều cho thấy xu hướng suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục cũng như nghi ngờ con số tăng trưởng mà nước này công bố. Gánh nặng nợ nần trong bối cảnh tăng trưởng suy giảm, đã làm giảm khả năng can thiệp của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Đó là chưa tính đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ bùng nổ nếu kinh tế giảm tốc  độ tăng trưởng xuống dưới 5%.

Thứ sáu, xu hướng giảm mạnh xuất khẩu, đồng thời  USD lên giá so với các đồng tiền của các nước cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc đang gây sức ép lên nước này về việc phải phá giá để hỗ trợ xuất khẩu.

Những yếu tố trên đây cho thấy, khả năng Trung Quốc phá giá sâu CNY là có. Nếu kỳ vọng về phá giá vẫn cao như hiện nay thì việc phá giá nhỏ giọt của nước này chỉ làm tăng kỳ vọng phá giá, dẫn đến việc phá giá không có điểm dừng và nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do buộc phải can thiệp vào thị trường hải ngoại.

Những hệ lụy lớn

Năm 2011 Việt Nam đã áp dụng biện pháp phá giá vượt qua kỳ vọng khi phá giá 9,36% để cắt kỳ vọng đầu cơ và đã thành công trong việc ổn định tỷ giá. Mức phá giá này vượt qua mọi kỳ vọng phá giá của giới đầu cơ, do đó cắt kỳ vọng phá giá tiếp trong ngắn hạn. Hiện đang có sức ép lớn lên chính quyền Trung Quốc đòi phá giá sâu CNY kiểu Việt Nam.

Tuy nhiên, việc phá giá  CYN có những hệ luỵ rất lớn đối với Trung Quốc.

Do Trung Quốc có tầm ảnh hưởng quá lớn đối với kinh tế thế giới, nên nếu Trung Quốc phá giá sâu, dứt khoát thì nguy cơ các nước khác cũng phá theo và tiếp tục kéo Trung Quốc vào cuộc chiến tiền tệ, mà kết quả được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn tình trạng hiện nay.

Thứ hai, độ tin cậy của Trung Quốc trong cam kết ổn định tỷ giá với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời phá huỷ những nỗ lực quốc tế hoá CNY của nước này.

Trước tình thế lưỡng nan này, chưa có hướng đi rõ ràng nào được Trung Quốc lựa chọn và đưa ra. Rất có thể, Trung Quốc sẽ dần điều chỉnh tỷ giá tham chiếu giữa CNY với rổ tiền tệ (gồm USD, EUR, JPY,…), mà không gắn trực tiếp vào USD nữa và như vậy có thể cho phép CNY mất giá 4-5% với USD. Điều này sẽ giảm được nguy cơ phản ứng từ các nước khác do Trung Quốc có thể thuyết phục thị trường rằng sự mất giá của CNY đối với USD là do USD mạnh lên, chứ không phải Trung Quốc phá giá.

Các tin khác