JP Morgan: Nộp phạt vẫn chưa yên

Ngân hàng JP Morgan đã đồng ý nộp 13 tỷ USD tiền phạt để hòa giải với các nhà chức trách Hoa Kỳ xung quanh cáo buộc lừa dối nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng nhà ở vừa qua. Nhưng ngân hàng này vẫn đang phải đối mặt với 9 cuộc điều khác.

Ngân hàng JP Morgan đã đồng ý nộp 13 tỷ USD tiền phạt để hòa giải với các nhà chức trách Hoa Kỳ xung quanh cáo buộc lừa dối nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng nhà ở vừa qua. Nhưng ngân hàng này vẫn đang phải đối mặt với 9 cuộc điều khác.

13 tỷ USD là khoản tiền phạt hòa giải lớn nhất từ trước đến nay giữa Nhà Trắng với một doanh nghiệp. Khoảng 4 tỷ USD trong gói tiền phạt sẽ dùng để bồi thường cho những chủ nhà đã bị thiệt hại vì hành động của JP Morgan, đặc biệt các chủ nhà ở những khu vực bị thiệt hại nặng nề như Detroit và vài vùng lân cận New York.

7 tỷ USD dùng để hòa giải các đơn kiện dân sự liên bang và tiểu bang của các nhà đầu tư, liên quan đến việc ngân hàng bán các loại chứng khoán thế chấp sai lệch. 2 tỷ USD còn lại dùng để nộp cho chính phủ như một khoản tiền phạt.

Trước đó không lâu, JP Morgan cũng đã chi 4,5 tỷ USD để hòa giải với một nhóm nhà đầu tư đã mua chứng khoán thế chấp sai lệch của ngân hàng này. Mặc dù thỏa thuận đã kết thúc điều tra dân sự của chính phủ Hoa Kỳ đối với JP Morgan, Bộ Tư pháp vẫn đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự đối với ngân hàng này.

Morgan bị điều tra vì đã bán chứng khoán hỗ trợ bằng tài sản thế chấp chất lượng thấp cho nhà đầu tư. Thông cáo từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ viết: “Nhân viên JP Morgan biết rõ các khoản vay đó có vấn đề nhưng không tuân thủ hướng dẫn, vẫn cho phép chúng được chứng khoán hóa và bán cho nhà đầu tư mà không hề tiết lộ những thông tin rủi ro”.

Một phần lớn khoản thế chấp đã được JP Morgan mua lại khi ngân hàng này thôn tính Bear Stearns và Washington Mutual ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Theo Giám đốc Tài chính JP Morgan Marianne Lake, có tới 80% tài sản thế chấp bị điều tra thuộc về Bear Stearns và Washington Mutual.

Những rắc rối pháp lý vẫn đang chờ đón JP Morgan.

Những rắc rối pháp lý vẫn đang chờ đón JP Morgan.

Vụ phạt tiền mới nhất đánh dấu sự sụp đổ của đại gia ngân hàng JP Morgan, từng được gọi là “pháo đài cân đối kế toán” ở Phố Wall. Ông chủ JP Morgan, CEO Jamie Dimon, cũng từng là một nhân vật được các chính trị gia nể nang, thậm chí từng được Tổng thống Barack Obama ca ngợi.

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News năm 2009 - giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính - ông Obama từng lấy JP Morgan ra để làm gương cho các ngân hàng khác: “Có rất nhiều ngân hàng thực sự được quản lý khá tốt. JP Morgan là một minh chứng. Tôi không nghĩ Jamie sẽ bị trừng phạt vì đã quản lý tốt một danh mục đầu tư rất lớn”.

Nhưng lời ngợi khen của ông Obama ngày càng tỏ ra không đúng. Tháng trước, JP Morgan phải nộp phạt 1 tỷ USD để chấm dứt những cuộc điều tra liên quan đến vụ giao dịch “Cá voi London” năm 2012, đã khiến ngân hàng thua lỗ hơn 6 tỷ USD và đặt ra câu hỏi về cơ chế giám sát của ngân hàng. Quý trước, ngân hàng này báo lỗ và phải bỏ ra thêm 9 tỷ USD để dự phòng rủi ro pháp lý. Theo JP Morgan, họ đã bỏ ra tổng cộng 23 tỷ USD để hòa giải nhiều cuộc điều tra ở Hoa Kỳ và nước ngoài.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư tin rằng JP Morgan sẽ trở lại mạnh mẽ sau các án phạt. “Giá cổ phiếu của JP Morgan đang tiến tới mức cao nhất 10 năm. Tôi nghĩ các cổ đông đang phản ứng tích cực vì ngân hàng này đã giải quyết được một số bất ổn quanh mình” - Duff McDonald, tác giả một cuốn sách về JP Morgan, nói.

Tuy nhiên, hiện nay JP Morgan vẫn còn đang đối mặt với 9 cuộc điều tra khác, trong đó có điều tra về việc tuyển dụng nhân sự là con ông cháu cha ở Trung Quốc như một cách hối lộ, điều tra về thao túng lãi suất LIBOR...

Các tin khác