Hội nghị về biến đổi khí hậu: Vá “lỗ thủng” Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), còn gọi là COP23 đã bế mạc tại Bonn, Đức.
Người biểu tình kêu gọi các nước giữ cam kết với Thỏa thuận Paris.
Người biểu tình kêu gọi các nước giữ cam kết với Thỏa thuận Paris.
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, các nhà lãnh đạo tham dự COP23 đang nỗ lực vá “lỗ thủng” do Hoa Kỳ để lại.

Đức, Pháp lấp chỗ trống Hoa Kỳ

Hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố việc rút khỏi thỏa thuận Paris. Ông Todd Stern - cựu đặc phái viên về khí hậu của ông Obama, cho rằng quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris là hết sức tồi tệ và có thể khiến cuộc chiến chống BĐKH thêm khó khăn. “Cuộc chiến chống BĐKH là một thách thức to lớn, giống như một cuộc chạy đua với thời gian” - ông nhấn mạnh.
Hội nghị về biến đổi khí hậu: Vá “lỗ thủng” Hoa Kỳ ảnh 1 Hội nghị COP 23 tại Bonn, Đức.
Việc Washington rút khỏi Thỏa thuận Paris không chỉ khiến mục tiêu giữ mức nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C trở nên khó khăn bởi Hoa Kỳ đang là quốc gia có lượng phát thải khí CO2 thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) mà còn gây ra lo ngại đến nghĩa vụ hỗ trợ tài chính. Đại diện của các nước đang phát triển bày tỏ quan ngại rằng họ có thể không nhận được sự hỗ trợ tài chính đầy đủ từ các nước phát triển, trong khi Mỹ thông báo có thể ngừng đóng góp cho quỹ chống BĐKH. Trước tình hình này, lãnh đạo Đức và Pháp đã nỗ lực đi đầu trong cuộc chiến chống BĐKH, lấp khoảng trống mà Washington để lại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất châu Âu thay thế Hoa Kỳ thực hiện các cam kết tài chính với Hiệp định Paris. Người đứng đầu nước Pháp cũng cam kết đặt mục tiêu sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện vào năm 2021. Ngoài ra, khoảng 20 nước, trong đó có Anh, Canada, Mexico... đã tuyên bố thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá” như một nỗ lực duy trì cam kết với Thỏa thuận Paris đạt được hồi năm 2015. “Liên minh chống sử dụng than đá”, không chỉ có mặt Angola, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha hay Elsanvado, mà còn có nhiều bang của Hoa Kỳ và Canada.Thách thức lớn hơn trong năm 2018 Trong khuôn khổ hội nghị lần này, các đại biểu tham dự COP23 cam kết sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về quy định thực hiện Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thách thức trong năm 2018 sẽ rất lớn.  Hai trong số các vấn đề chính mà các đại biểu tại COP23 còn đang vướng mắc là cách tính mức phát thải của mỗi nước và việc trợ giúp tài chính của các nước giàu cho các nước nghèo… Hiện tại, mọi vấn đề còn để ngỏ. Các đề nghị của COP23 sẽ được quyết định tại COP24 (2018), dự tính tổ chức tại Ba Lan. Các nỗ lực trong năm tới sẽ phải lớn gấp bội. Bởi trong năm 2017, lượng khí thải CO2 đã gia tăng trở lại, sau ba năm tương đối ổn định, theo báo động của các nhà khoa học. Trong vòng 1 năm tới, hàng loạt hội nghị sẽ được tổ chức. Các quốc gia sẽ phải nỗ lực đàm phán để tăng gấp bội mức cam kết giảm khí thải của mỗi quốc gia, thì mới có hy vọng thực thi được phần nào các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Theo Liên Hợp quốc, tổng cộng cam kết của các nước cho đến nay mới chỉ đạt 1/3 tổng mức cần thiết.

Các tin khác