FED “hắt hơi”, thế giới “giật mình”

(ĐTTCO) - Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết sẽ tăng lãi suất cơ bản ít nhất một lần nữa trong năm nay và sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản (BCĐTS) từ tháng 10-2017. 
Cuộc họp ngày 19-20/9/2017 của Ủy ban Thị trường mở liên bang.
Cuộc họp ngày 19-20/9/2017 của Ủy ban Thị trường mở liên bang.

Động thái này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng?

Theo đó, FED dự kiến cắt giảm khoảng 10 tỷ USD/tháng, sau đó cứ mỗi 3 tháng sẽ cắt giảm thêm ít nhất khoảng 10 tỷ USD/tháng, nhưng tối đa 50 tỷ USD/tháng cho tới khi BCĐTS của FED giảm xuống dưới 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Chưa có tiền lệ

Trong nhiều năm qua, thông qua việc kiểm soát lợi tức trái phiếu kho bạc và nợ thế chấp, FED đã hỗ trợ Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thâm hụt ngân sách và giúp người mua nhà vay tiền với mức lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, FED cũng góp phần làm giảm chi phí vay bằng USD cho các doanh nghiệp (DN) ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Ngoài ra, việc mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp của FED đã góp phần làm cho trái phiếu chính phủ và cổ phiếu hấp dẫn hơn. Do đó, động thái này của FED đã góp phần giúp giá cổ phiếu tăng mạnh kể từ năm 2009.

Thời gian qua, FED đã kiểm soát một cách có chủ đích việc thu hẹp BCĐTS cho đến khi nền kinh tế đã phát triển ổn định. Đối với Chủ tịch FED Janet Yellen và các thành viên khác của Ủy ban Thị trường Mở liên bang Hoa Kỳ (FOMC), thời điểm đó đã đến. Đây là lần đầu tiên FED thực hiện thu hẹp BCĐTS của mình, và đó là cũng lý do tại sao các nhà đầu tư và người vay mượn tỏ ra lo ngại về những hậu quả tiềm ẩn nếu mức độ thu hẹp tài sản của FED không phù hợp. 

Còn nhớ vào tháng 5-2013 khi FED thông báo sẽ thu hẹp khoảng 70 tỷ USD từ chương trình mua trái phiếu, tình trạng bán tháo đã diễn ra trên thị trường trái phiếu Hoa Kỳ, lãi suất tăng cao hơn. Điều đó đã khiến thị trường bất động sản ở Mỹ và các thị trường mới nổi đã chịu tác động tiêu cực. Đặc biệt, thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi tụt dốc mạnh khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.

“Các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại động thái thu hẹp BCĐTS của FED sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu” - ông Mike Ryan, Trưởng phòng chiến lược của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), cho biết và nhấn mạnh FED có thể sẽ thu hẹp quy mô BCĐTS theo hướng tăng đều hàng tháng nên sẽ tránh gây sốc cho thị trường.

Tác động toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng việc thu hẹp BCĐTS của FED sẽ không tác động nhiều đến chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, động thái này của FED có thể có tác động lớn đến cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác. Do trái phiếu Hoa Kỳ có rủi ro thấp hơn, nên các nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn trái phiếu Hoa Kỳ hơn là trái phiếu của các thị trường mới nổi, dù có cùng mức lãi suất. Do đó, các thị trường mới nổi có thể sẽ phải tăng lợi tức trái phiếu, đặc biệt là ở các thị trường nhạy cảm với lãi suất.

Thu hẹp BCĐTS cũng là một chính sách thắt chặt tiền tệ. Do đó, một số nhà phân tích đánh giá, chính sách này của FED có thể sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu nhiều hơn so với việc tăng lãi suất ngắn hạn. Chính sách này sẽ góp phần thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại và khuyến khích các DN Hoa Kỳ hồi hương vốn đầu tư ở nước ngoài. Do đó, động thái này của FED có thể dẫn đến áp lực huy động USD ở châu Á, tăng chi phí thanh toán bằng USD và làm mất giá đồng nội tệ của các quốc gia châu Á. 

Kết quả là các dòng vốn có khả năng rút khỏi thị trường châu Á, thậm chí làm tăng trưởng kinh tế khu vực này chậm lại do lãi suất cao hơn. Do đó, nếu FED đẩy mạnh tốc độ thu hẹp BCĐTS nhanh hơn dự kiến sẽ khiến các quốc gia châu Á chịu thiệt hại nặng nề.

Ảnh hưởng đến Việt Nam

Việc đồng USD tăng giá sẽ có ảnh hưởng nhất định. Cụ thể, các DN xuất khẩu (thủy sản, dệt may,…) sẽ hưởng lợi dù có sự phân hóa: ngành hàng xuất khẩu chủ yếu dùng nguyên vật liệu trong nước sẽ được hưởng lợi ích tuyệt đối; trái lại, các ngành hàng có tỷ lệ nội địa hóa thấp sẽ không được hưởng lợi đáng kể. 

Ngược lại, các DN phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu (dệt, sợi, thức ăn chăn nuôi, nhựa, vận tải biển, săm lốp, dược phẩm, xi măng,…) và các DN vay nợ bằng đồng USD lớn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do chi phí sử dụng vốn tăng lên.

Bên cạnh đó, lãi suất và tỉ giá đồng USD tăng sẽ làm chi phí trả nợ của Việt Nam tăng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển cơ cấu nợ theo hướng tăng nợ tiền đồng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015. Theo đó, nợ bằng USD chỉ còn chiếm 16% trong danh mục nợ. Do đó, tác động đối với chi phí trả nợ của Việt Nam đã giảm bớt.

Ngoài ra, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh nhận định, việc FED thu hẹp BCĐTS sẽ kéo những giá trị tài sản được tính bằng đồng USD tăng lên. "Động thái này của FED sẽ làm tăng thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Hoa Kỳ và có khả năng làm cho các dòng vốn đầu tư sẽ rời khỏi những thị trường mới nổi như Việt Nam để trở về Hoa Kỳ. Việc này sẽ xảy ra mạnh mẽ hơn nếu thời gian tới FED tiếp tục tăng lãi suất như kế hoạch đề ra. Tác động tiếp theo là làm tăng áp lực tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian tới" - ông Vũ Đình Ánh nói.

Các tin khác