Facebook trở thành khổng lồ truyền thông?

Facebook có một năm 2016 bận rộn. Họ giới thiệu chatbot cho Messenger, tái định vị Instagram như là đối thủ của Snapchat và thúc đẩy các nội dung thực tế ảo với Oculus. Song song điều đó, họ trở thành một trong những tập đoàn truyền thông mạnh mẽ nhất thế giới.
(ĐTTCO) - Facebook ngày càng phình to, nhưng họ từ chối thừa nhận những hệ lụy khi trở thành một tập đoàn truyền thông khổng lồ.
 

Facebook có một năm 2016 bận rộn. Họ giới thiệu chatbot cho Messenger, tái định vị Instagram như là đối thủ của Snapchat và thúc đẩy các nội dung thực tế ảo với Oculus. Song song điều đó, họ trở thành một trong những tập đoàn truyền thông mạnh mẽ nhất thế giới.

Với hơn 1 tỷ người dùng truy cập vào website này để săn tin tức, tầm ảnh hưởng của nó đến thế giới là không thể phủ nhận. Với tính năng live video, hiệu ứng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và scandal tin tức giả mạo liền sau đó, 2016 là năm mà tên Facebook được nhắc đến nhiều nhất từ trước đến nay.

Ra đời sau cả năm trời so với Periscope hay Meerkat, Facebook Live vẫn là thế lực mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến live video trên di động. Một trong những lý do cho sự thành công này chính là yếu tố nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do Facebook đã khổ ải đẩy nó lên thành mục tiêu trọng điểm.

Người dùng có thể phát hoặc xem video trực tiếp, không cần download từ bên thứ 3. Facebook còn sẵn sàng trả tiền cho các trang bị và công ty truyền thông để họ tích cực sử dụng live video.

Candace Payne phát một đoạn video cô đeo mặt nạ Chewbacca và trước khi cô kịp nhận ra, clip đã có hơn 140 triệu lượt xem.

Facebook Live cũng là nơi phát đi những đoạn video trực tiếp gây tranh cãi như vụ nổ súng của cảnh sát tại Chicago hay Minnesota hoặc cái chết của 11 cảnh sát Dallas trong một vụ biểu tình.

Tốt hay xấu, rõ ràng nó trở thành một công cụ trợ giúp để phát hành tin tức, theo Engadget.

ảnh 1
Facebook hợp tác với ABC để phát sóng trực tiếp cuộc hợp thượng đỉnh của đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho phép người dân Mỹ không cần bật TV để theo dõi. Họ còn nuôi ý định phát sóng các chương trình truyền hình thực tế, sự kiện thể thao trên nền tảng của mình.

Tất cả những động thái trên cho thấy Facebook đã đẩy mạnh vai trò của mình trong việc phổ biến tin tức. Mặc dù CEO Mark Zuckerberg liên tục từ chối, Facebook có tất cả dấu hiệu của một công ty truyền thông.

Tất nhiên, họ không trực tiếp sản xuất nội dung nhưng hàng triệu người coi đó là nơi để nhận thông tin. Nghiên cứu của Pew Research trong năm nay chỉ ra khoảng 44% người Mỹ coi Facebook là nguồn tin chính.

Kết hợp với việc nhiều tổ chức truyền thông hợp tác với họ để sản xuất cái gọi là "instant article" - những tin tức lưu trữ trên server của Facebook thay vì của các công ty đó - rõ ràng Facebook chính là một kênh tin tức.

Bên cạnh đó, Facebook còn có một nhóm biên tập viên để chỉnh sửa các chủ để bạn nhìn thấy phía bên phải các dòng News Feed. Nhóm này sau đó đã bị loại bỏ do chỉ trích từ các phía. Tuy nhiên, cũng từ đây câu chuyện tin tức giả mạo xuất hiện.

Do cơ chế dùng thuật toán để lọc chủ đề, Facebook ưu tiên cho hiển thị những câu chuyện với nhiều lượt thích và bình luận. Khi đó, nhiều vấn đề nhạy cảm liên tục được đưa lên top  và thu hút sự chú ý của người dùng.

Tin tức giả mạo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Facebook, đặc biệt khi có những thông tin cho rằng nó có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đối mặt chỉ trích, Facebook một mặt hạ thấp vai trò của tin tức giả mạo, mặt khác trấn an bằng các tuyên bố sẽ hạn chế chúng, chẳng hạn dừng quảng cáo các trang tin tức giả mạo, có cơ chế dễ dàng để người dùng gửi thông báo phát hiện hay sử dụng bộ kiểm tra của các bên thứ 3.

Hiện tại, họ chủ yếu phụ thuộc vào AI (trí tuệ nhân tạo) và thuật toán đề lọc nội dung. Tuy nhiên, rõ ràng yếu tố con người là cần thiết trong chuyện này để phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Theo Engadget, dù muốn hay không, đã đến lúc Facebook phải thừa nhận vai trò của mình như một công ty truyền thông thực sự.

Các tin khác