Châu Âu năm 2015:

Đồng lòng nhưng chưa đồng sức

(ĐTTCO) - Mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cuộc khủng hoảng di cư, tăng trưởng kinh tế èo uột, mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) đứng trước khả năng tan rã, sự trở lại của nước Nga trên trường quốc tế…

(ĐTTCO) - Mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cuộc khủng hoảng di cư, tăng trưởng kinh tế èo uột, mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) đứng trước khả năng tan rã, sự trở lại của nước Nga trên trường quốc tế…

 Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) trong phiên thảo luận về vấn đề chống khủng bố và việc EU đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại Strasbourg, Pháp ngày 16/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) trong phiên thảo luận về vấn đề chống khủng bố và việc EU đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại Strasbourg, Pháp ngày 16/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chưa bao giờ “lục địa già” phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đến thế, từ vấn đề an ninh-chính trị cho đến kinh tế. Châu Âu năm 2015 dường như giống như một nhà hát đang công chiếu vở kịch nhưng lại diễn nhiều bối cảnh cùng một lúc.

Phải thừa nhận rằng, châu Âu trong năm 2015 ngập chìm trong những cuộc khủng hoảng, vấn đề này chưa tìm ra lối thoát thì vấn đề khác lại xuất hiện. Ngay từ đầu năm, vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn Báo Hebdo Charlie ở thủ đô Paris của Pháp báo hiệu một năm nhiều sóng gió ở lục địa già. Nước Pháp lại chìm trong đau thương khi cuối năm hứng thêm một vụ khủng bố đẫm máu hơn, tàn bạo hơn, và có quy mô lớn hơn nhiều lần so với vụ hồi đầu năm. Nỗi đau tột cùng của nước Pháp được cả thế giới chia sẻ và cam kết đồng lòng cùng nước Pháp chống khủng bố.

Trong khi “ung nhọt” khủng bố còn gây “sốt” trên cơ thể của EU, dòng người tị nạn khổng lồ đổ về châu Âu đã và đang đe dọa nguyên tắc tự do đi lại-giá trị cốt lõi của EU. Dù các nước châu Âu nhất trí bảo vệ biên giới khu vực, sẵn sàng chia sẻ hạn ngạch tiếp nhận người di cư, song thực tế vẫn hành động theo kiểu “mạnh ai người nấy lo”.

Những nước “đứng mũi chịu sào” như Đức, Pháp, Anh, Italy đều hiểu rõ rằng, tiếp nhận người di cư ồ ạt đồng nghĩa đối mặt với nhiều thách thức như nguy cơ khủng bố cao, thiếu công ăn việc làm cho người lao động, hao hụt ngân sách… Song với trách nhiệm của nước lớn, các nước đầu tàu EU sẵn sàng tiếp nhận người di cư. Ngược lại, các nước vùng Balkan lại đóng chặt biên giới của mình, quay mặt đứng nhìn dòng người tị nạn đang thất vọng về một giấc mơ châu Âu.

Cứ như thế, trong suốt một năm qua, EU đi từ cơn ác mộng này đến cơn ác mộng khác, từ những vụ khủng bố tại Pháp, rơi máy bay Đức tại Pháp, căng thẳng chính trị với Nga đến cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp và cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đã có lúc người ta băn khoăn, liệu EU có còn tồn tại được nữa hay không nếu như Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay Anh chia tay liên minh và Hiệp ước Shengen bị hủy bỏ.

Đó là câu chuyện ở phía Tây!

Ở phía Đông nước Nga dưới thời cầm quyền của Tổng thống V.Putin đang vươn lên mạnh mẽ. Dù bị ảnh hưởng không nhỏ từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, kèm theo giá dầu sụt giảm mạnh trong năm qua, song xứ sở Bạch Dương vẫn vững vàng vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, điều khiến người ta chú ý nhất chính là sự trở lại mạnh mẽ và đầy ấn tượng của Nga trong việc khôi phục tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ngoài việc góp phần để đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, cuối tháng 9-2015, Tổng thống Putin đã quyết định tiến hành các cuộc không kích IS trên lãnh thổ Syria. Hành động “chia lửa” của Nga với Pháp trong cuộc chiến chống IS, thủ phạm nhận gây ra vụ “11-9 phiên bản châu Âu” ở Paris ngày 13-11 vừa qua, nước Nga và Pháp, hay nói đúng hơn là Nga và châu Âu, đang xích lại gần nhau.

EU không còn gọi Nga là “mối đe dọa của châu Âu” hay coi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina là nhiệm vụ hàng đầu nữa. Một sự thay đổi “không hề nhẹ” đã làm giảm căng thẳng giữa hai bên kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Nhưng nói như vậy không phải Nga và EU đã hết những bất đồng. Dù nhất trí về xây dựng liên minh chống khủng bố song hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp vẫn bất đồng quan điểm về tình hình chính trị tại Syria, trong đó có vai trò của Tổng thống Alp-Assad. Việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 vẫn là chủ đề gây tranh cãi giữa Nga và EU trong năm 2016 và ít nhiều ảnh hưởng tới chính sách của EU đối với Mátxcơva.

Năm 2015 sắp khép lại song những thách thức về nguy cơ khủng bố, biến đổi khí hậu, nền kinh tế suy giảm vẫn đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo châu Âu trong năm tiếp theo. Để giải quyết những “căn bệnh trầm kha” đó, đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể với sự chung tay, hợp sức của cả cộng đồng. Nếu châu Âu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng di cư, trong thời gian tới nạn thất nghiệp, nghèo đói sẽ lan tràn ở châu Âu, đồng thời những cuộc khủng bố cũng sẽ gia tăng.

“Công lý, Khí hậu, Hòa bình”, khẩu hiệu mà người dân Paris sử dụng để ăn mừng khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua, có lẽ cũng chính là thông điệp gửi tới cộng đồng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung nhân dịp Năm mới.

Các tin khác