Đàm phán Mỹ-Triều: Ai biết sẽ dẫn tới đâu?

(ĐTTCO)-Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên, nhưng ông vẫn hoài nghi liệu nó có thể đi tới đâu.
Tổng thống Donald Trump (giữa) trong phiên họp nội các ngày 10/1. Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump (giữa) trong phiên họp nội các ngày 10/1. Ảnh: Reuters

Để ngỏ khả năng đàm phán

Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 10/1 với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Donald Trump không che giấu ý định tổ chức đàm phán với Triều Tiên “vào thời điểm thích hợp, với các điều kiện đúng đắn”. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên. 

Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc về cuộc đàm phán liên Triều ngày 9/1, Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán này không chỉ dẫn đến thành công cho Hàn Quốc mà còn dẫn đến "thành công cho thế giới". Mỹ sẽ chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ông Trump cũng nói rằng, Mỹ “có nhiều vấn đề” với Triều Tiên, tuy nhiên “các cuộc đàm phán tốt đẹp đều đang diễn ra. Tôi thấy rất nhiều năng lượng tích cực. Tôi rất thích điều đó. Vì thế, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ mang lại kết quả”. Ông Trump nói. 

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho biết, cả 2 nhà lãnh đạo đã nói rằng cuộc đối thoại liên Triều lần này có thể sẽ mở ra cơ hội đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau kỳ Thế vận hội mùa Đông tại PyeongChang, Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng tuyên bố, ông sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dù không phải là không có điều kiện tiên quyết.

Không loại trừ giải pháp quân sự

Bất chấp những lời lẽ đầy hy vọng về tiềm năng đàm phán tương lai, trong cuộc họp báo tại Nhà trắng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc, ông Trump nói rằng: “Ai mà biết được nó sẽ dẫn tới đâu?”

Đánh giá của tình báo Mỹ về chương trình vũ khí Triều Tiên vẫn chưa hề thay đổi. Các phân tích này đều cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn khăng khăng là Mỹ muốn lật đổ ông và chỉ có kho hạt nhân mới có thể xua tan mối đe dọa đó. Dù muốn sử dụng các giải pháp ngoại giao hơn, nhưng chính quyền của ông Trump cũng không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, trong đó có cả giải pháp quân sự.

Tuy nhiên, lựa chọn quân sự vẫn là điều mà Mỹ muốn tránh. Theo một bài bình luận trên Nhật báo phố Wall, ông Trump có thể đang nghĩ rằng, một cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên là “hoàn toàn sai lầm”.

Bài báo trên tờ Nhật báo phố Wall cũng nói rằng, giới chức Mỹ đang tranh cãi liệu có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên mà không châm ngòi một cuộc chiến tổng thể hay không. Ông Trump cũng vẫn đang tính toán một loạt lựa chọn quân sự trong đó có cả cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên, dù giới chức và các nhà phân tích cảnh báo nó sẽ dẫn tới thành một “thảm họa”.

Đề cập tới chính sách duy trì sức mạnh quân sự Mỹ, ông Trump nói rằng: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có được hòa bình thông qua sức mạnh”.

Khó đoán định đối thoại Mỹ - Triều?

Trong cuộc đàm phán liên Triều ngày 9/1, Triều Tiên nói sẽ tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng tới. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng nhất trí giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và khôi phục tham vấn quân sự để tránh các cuộc xung đột không đáng có. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, họ sẽ không thảo luận về vũ khí hạt nhân, vì nó chỉ nhằm vào Mỹ chứ không phải Hàn Quốc, Nga hay Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ dù hoan nghênh đàm liên Triều như bước đầu hướng tới giải quyết khủng hoảng về chương trình tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ của Triều Tiên, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, bất cứ cuộc đối thoại nào có sự tham gia của Mỹ cũng phải hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Những yếu tố này cho thấy, một sự đột phá ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn xa vời.

Tuần tới, Mỹ và Canada sẽ đồng tổ chức một hội nghị cấp Ngoại trưởng với sự tham gia của 20 nước tại Vancouver, thảo luận vấn đề Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, cuộc họp, bao gồm những nước ủng hộ Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên, sẽ tìm cách để vừa tăng cường sức ép đối với Triều Tiên, vừa thúc đẩy nỗ lực ngoại giao.

Cuộc họp này không có sự tham gia của Trung Quốc, đồng minh chính và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng, nó sẽ không giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Các tin khác