Cơ hội lịch sử

(ĐTTCO)-“Vào năm 1928, Tổng thống Coolidge đến Cuba bằng tàu chiến, ông phải mất 3 ngày để tới nơi. Giờ đây, tôi chỉ mất 3 giờ. Đây là một chuyến thăm lịch sử và cơ hội lịch sử”, Tổng thống Mỹ B.Obama phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana (mới mở hồi tháng 8 năm ngoái) trong ngày đầu tiên đặt chân đến Cuba.

(ĐTTCO)-“Vào năm 1928, Tổng thống Coolidge đến Cuba bằng tàu chiến, ông phải mất 3 ngày để tới nơi. Giờ đây, tôi chỉ mất 3 giờ. Đây là một chuyến thăm lịch sử và cơ hội lịch sử”, Tổng thống Mỹ B.Obama phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana (mới mở hồi tháng 8 năm ngoái) trong ngày đầu tiên đặt chân đến Cuba.

Chuyến đi lịch sử

Sau cuộc gặp ở Đại sứ quán Mỹ tại Havana, gia đình ông Obama đã có buổi tham quan những địa điểm nổi tiếng của phố cổ Havana trong sự chào đón nồng nhiệt của những người dân Cuba.

Chuyến thăm diễn ra sau khi quan hệ Mỹ và Cuba bắt đầu ấm lên với quyết định bình thường hóa quan hệ từ tháng 7-2014. Mỹ hiện cũng đã nới lỏng dần các lệnh cấm vận đối với Cuba, trong đó có vấn đề về đi lại.

 

Tối 21-3 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Cung Cách mạng ở Havana. Việc chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia cựu thù này là nội dung được đề cập trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Đây là cuộc trao đổi lần thứ 4 của hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2013 đến nay. Tuy hai bên đã có những bước đi cải thiện quan hệ, cùng ký kết các thỏa thuận thương mại về viễn thông và dự kiến mở đường bay nhưng khó khăn chính vẫn là lệnh cấm vận kinh tế kéo dài 54 năm. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội hủy bỏ nhưng đang bị lãnh đạo đảng Cộng hòa gây trở ngại.

Vào ngày 22-3, ông Obama thực hiện bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Cuba, dự khán trận đấu bóng chày giao hữu giữa đội tuyển quốc gia Cuba và đội bóng chày Tampa Bay Rays của Mỹ cùng một số hoạt động khác.

Tạo động lực cho hợp tác kinh tế

Trước thềm diễn ra chuyến thăm, bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa, ông Obama đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Mỹ với sự góp mặt của đại diện một số tập đoàn lớn trong phái đoàn đến Cuba lần này. Các công ty nông sản Mỹ coi đây là sự kiện bước ngoặt để giành lại thị phần đã mất tại Cuba nhờ lợi thế về chất lượng và giá thành sản phẩm cũng như chi phí vận tải thấp.

Theo ước tính, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Cuba có thể đạt 1,2 tỷ USD nếu các hạn chế về tài chính và thương mại mà Quốc hội Mỹ đang áp đặt được dỡ bỏ. Tập đoàn khách sạn nổi tiếng Starwood của Mỹ đã ký một hợp đồng đầu tư trị giá nhiều triệu USD với Cuba theo một giấy phép đặc biệt được Bộ Tài chính Mỹ cấp.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để Mỹ cải thiện quan hệ với khu vực Mỹ Latinh. Cho tới nay, chính sách cấm vận đối với Cuba chính là rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh, khiến Mỹ trở nên lạc lõng trong khu vực.

Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, ông Obama muốn thông qua chuyến đi này để bảo đảm tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước không thể đảo ngược, ngay cả sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ và lệnh bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Obama, báo Granma - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Cuba nhấn mạnh, thiện chí của chính phủ và nhân dân Cuba trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ dựa trên cơ sở của tinh thần và mục tiêu của Hiến chương Liên hiệp quốc và Tuyên bố Mỹ Latinh và Caribbean như Khu vực hòa bình, do nguyên thủ các nước trong khu vực ký kết, bao gồm các nguyên tắc tuyệt đối tôn trọng độc lập, chủ quyền; quyền không thể xâm phạm của mỗi quốc gia về lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà không bị can thiệp; công bằng và hai bên cùng có lợi. Thông qua chuyến thăm lần này, Tổng thống Mỹ sẽ có cơ hội trực tiếp đánh giá một đất nước Cuba đang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng cải thiện phúc lợi dành cho người dân. 

Các tin khác