Chiến lược khó ngờ của Mỹ và Triều Tiên trên đấu trường ngoại giao

(ĐTTCO)-Theo giới quan sát, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã trở thành một “trò chơi chiến lược” phức tạp giữa hai nhà lãnh đạo khó đoán định nhất thế giới.
Chiến lược khó ngờ của Mỹ và Triều Tiên trên đấu trường ngoại giao

Trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore sắp đến gần, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đưa ra những chiến lược khó ngờ để đảm bảo vị thế đàm phán của mình.

Theo cách nói của chuyên gia phân tích người Hàn Quốc Kim Jae-kyong, cuộc đàm phán này đã trở thành một “trò chơi chiến lược” phức tạp giữa hai nhà lãnh đạo khó đoán định nhất thế giới. Cả hai bên liên tục thay đổi quan điểm của mình về cuộc gặp này trong hơn một tuần qua, nhưng cuối cùng, đều có những bước đi thiết thực hướng tới cuộc gặp.

Chiến lược của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Hãng tin Koreatimes dẫn lời ông Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ tham gia cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên nhận định: “Tôi cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sau khi có cuộc gặp Tổng thống Moon Jae-in và hai cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra quyết định quan trọng là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên để đối lấy những nhượng bộ có giá trị, trong một nỗ lực nhằm cải thiện nền kinh tế của nước này và tạo ra cuộc sống tốt hơn cho người dân.”

Tuy nhiên, ông Kim Jong-un dường như vẫn phải xem xét quan điểm cứng rắn của một số quan chức trong chính quyền ông về việc không muốn làm theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump đó là Triều Tiên phải “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” trước khi nhận được bất cứ nhượng bộ nào từ Mỹ. Nhượng bộ này là sự đảm bảo về an ninh, viện trợ kinh tế cho Triều Tiên và con đường bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Lý giải về việc Triều Tiên có phản ứng khá nhẹ nhàng và điềm tĩnh khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp này và sau đó lại tuyên bố cuộc gặp vẫn diễn ra theo dự kiến, ông William Brown, giáo sư tại Trường đối ngoại Georgetown, cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn hội nghị thượng đỉnh nhưng không muốn thể hiện quá vồn vã.

“Ông Kim Jong-un muốn phức tạp hóa tình hình một chút để buộc mọi người phải hạ thấp kỳ vọng về một bước đột phá liên quan đến tiến trình giải trừ hạt nhân. Tuy vậy, ông không muốn là người rút khỏi hội nghị này vì điều đó sẽ khiến Mỹ quay trở lại gây sức ép với Triều Tiên”.

Theo quan điểm của ông William Brown, điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên kỳ vọng ở hội nghị Thượng đỉnh là đạt được bước đột phá về khía cạnh kinh tế. Nhà phân tích này nhấn mạnh, chỉ một tháng trước đây thôi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đặt rất nhiều kỳ vọng về phát triển kinh tế. Ông Kim Jong-un từng nói rằng chính phủ sẽ tập trung nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

 “Nếu Hội nghị Thượng đỉnh không diễn ra như kỳ vọng, ông Kim Jong-un có thể đổ lỗi chính biện pháp trừng phạt của Mỹ chính là nguyên nhân khiến nền kinh tế Triều Tiên yếu kém. Trái lại nếu Hội nghị tốt đẹp, ít nhất cũng có chút hy vọng về một sự tăng trưởng kinh tế đối với Triều Tiên”, ông William Brown nói.

Chiến lược của Tổng thống Donald Trump

Nhiều chuyên gia đánh giá, sự thay đổi quan điểm liên tục của Tổng thống Donald Trump về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều không có gì mâu thuân, trái lại đây là một chiến lược nhằm đảo bảo ưu thế của ông trên bàn đàm phán.

Trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nêu lý do hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Singgapore vào tháng tới là vì “sự tức giận và thái độ thù địch” gần đây của Triều Tiên. Vậy mà chỉ sau một ngày, ông  lại úp mở khả năng nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.  Korea Times dẫn lời ông Tara O, diễn giả tại Diễn đàn Thái Bình Dương cho rằng, cách nói có rồi không rồi lại có của Tổng thống Donald Trump “là một phần của chiến lược đàm phán vừa chỉ mới ở giai đoạn đầu”. 

Cũng trong bài báo của Korea Times, King, nhà phân tích chính trị Đông Á, cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã rất khôn khéo khi gửi bức thư chứa đầy cảm xúc cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi ông quyết định hủy cuộc gặp Thượng đỉnh. Theo chuyên gia này, đây thực chất là chiến lược của nhà lãnh đạo Mỹ thăm dò phản ứng của Triều Tiên và đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán.

“Những cảm xúc trong lá thư rất chân thực và đây là lý do tại sao ông Kim Jong-un quay trở lại cuộc đàm phán. Tôi cho rằng lá thư của ông Trump và những lời lẽ của ông chứa đựng sự thất vọng thật sự . Đó không phải cách lý tưởng, nhưng cho dù ý định thực sự của ông Trump là gì thì sự nhũn nhặn của Triều Tiên sau đó cho thấy cách làm của ông Trump là có hiệu quả.”

Trong khi đó, chuyên gia Brown đánh giá, Tổng thống Donald Trump muốn Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra nhưng giống như ông Kim Jong-un, ông không muốn tỏ ra quá háo hức. “Trump thừa nhận cả hai đều bước vào một cuộc chơi cân não. Giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Trump cần hạ thấp kỳ vọng về sự đột phá bởi hiện giờ vẫn còn rất nhiều hoài nghi ngay trong chính quyền của ông.”

Ông Brown cho rằng, một khi kỳ vọng được hạ thấp, hai bên sẽ xây dựng một chương trình nghị sự ở mức độ vừa phải.

“Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Hội nghị cần phải cho thấy một con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ, quan trọng nhất là bình thường hóa quan hệ thương mại, thậm chí loại bỏ các biện pháp trừng phạt. Còn đối với Tổng thống Donald Trump, Hội nghị cần mở ra một đường hướng phi hạt nhân và những tiến triển của Triều Tiên trong các lĩnh vực khác.”

Nhân tố quan trọng

Giới chức Hàn Quốc ngày 31/5 cho biết, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Singapore nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh nếu nhận được lời mời từ Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào kết quả cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên

Trong bài viết đăng tải trên Korea Times, nhà nghiên cứu chính trị Lee Seong-hyon nhấn mạnh ông Moon Jae-in nên có mặt tại Singapore để thu hẹp những rào cản giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.  Trước hết đó là rào cản ngôn ngữ và văn hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Là người gốc Triều Tiên, ông Moon Jae-in chắc chắc sẽ hiểu được những sắc thái trong ngôn ngữ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng phái đoàn của ông sử dụng. Bên cạnh đó, ông Moon Jae-in cũng đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn Tổng thống Donald Trump thì chưa. Tất cả những gì ông Trump nghe được về Triều Tiên đều qua lời tường thuật của Ngoại trưởng Mike Pompeo và ông Pompeo cũng chỉ hiểu thông qua phiên dịch viên.

Cần phải nhắc lại rằng, một tình huống hiểu nhầm trong giao tiếp đã xảy ra vào năm 2002, khi đoàn đàm phán của Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James Kelly dẫn đầu thăm Triều Tiên. Ông Kelly đã gặp người đồng cấp Triều Tiên Kang Sok-ju. Ngay sau đó ông Kelly khẳng định, ông Kang Sok-ju đã thừa nhận Triều Tiên đang bí mật làm giàu uranium để phát triển vũ khí hạt nhân, song phía Triều Tiên đã từ chối nói như vậy. Những lời lẽ của ông Kang Sok-ju tại cuộc gặp đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà sử gia nghiên cứu về ngoại giao suốt một thời gian dài. 

Không chỉ giúp Mỹ và Triều Tiên hóa giải bất đồng ngôn ngữ, Tổng thống Moon Jae-in với vai trò là người đóng vai trò cầu nối cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều, chắc chắc sẽ nắm bắt được tâm lý và nguyện vọng của các bên. Bằng tài ngoại giao khéo léo của mình, ông Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ giúp hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều hiểu nhau hơn.

Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời ông Wi Sung-lac, cựu chuyên gia tham gia đàm phán liên Triều, nhận định, vai trò của Tổng thống Moon đối với thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn là sự tiếp nối và mở rộng những gì ông đang thực hiện: "Thuyết phục hai bên ngồi lại bàn đàm phán và giúp họ nhìn thấy những điểm có thể đồng thuận".

Các tin khác