Châu Á lại đứng trước những nguy cơ mới từ đồng USD?

(ĐTTCO) - Nói đến châu Á không thể bỏ qua Trung Quốc. Sự nổi lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tạo ra những cơ hội mới cho châu Á nhưng cũng gây nên những rủi ro mới.
Châu Á lại đứng trước những nguy cơ mới từ đồng USD?
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày thuộc địa cũ của Anh trở về với đại lục, châu Á cũng nhớ về 1 cột mốc khác không kém phần quan trọng: 20 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm châu lục này nổ ra.

Tất nhiên, khủng hoảng kinh tế là chuyện buồn và không có ai kỷ niệm ngày 2/7/1997, khi đồng baht Thái sụp đổ. Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lây lan từ Bangkok, Kuala Lumpur đến Jakarta và Seoul đã không chỉ phá hủy các đồng tiền châu Á mà còn khiến hệ thống ngân hàng chao đảo vì người đi vay không thể tài trợ cho các khoản nợ nước ngoài.

“Diễn viên chính” trong “tấn bi kịch” đó chính là đồng USD. Với các đồng tiền châu Á được neo vào USD, nền kinh tế châu Á cũng phụ thuộc vào đồng USD với những khoản nợ ngoại tệ khổng lồ. Chỉ trong 1 thập kỷ, số nợ mà khu vực châu Á Thái Bình Dương có với các chủ nợ Mỹ đã tăng hơn gấp 3, lên 75 tỷ USD. Không có gì ngạc nhiên, đến năm 1998 khoảng 58% nợ của Indonesia trở thành nợ xấu.

Nhưng Indonesia chính là 1 ví dụ tốt cho thấy câu chuyện đã thay đổi như thế nào. Trong mấy năm gần đây, quốc gia xuất khẩu hàng hóa thô này đã phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đà lao dốc của thị trường hàng hóa, nhưng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang ở mức có thể kiểm soát được – 3%. Nhìn chung, các định chế tài chính ở châu Á khá khỏe mạnh với các chỉ số về vốn và thanh khoản khiến các ngân hàng phương Tây phải ghen tỵ. Cơ sở tiền gửi rộng hơn cho phép giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài.

Mặc dù vậy không phải mọi thứ đều tốt hơn. Ấn Độ là quốc gia đã thoát được “thảm họa” năm 1997 nhưng cũng đã bỏ lỡ cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng theo sau đó. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Ấn Độ hiện ở mức gần 180 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một số cải cách (như chế ngự các tập đoàn chaebol của Hàn Quốc) tạo cơ hội để các chính trị gia vơ vét quyền lực, trong khi một số con nợ (như tập đoàn kiểm soát bởi gia đình của chính trị gia Aburizal Bakrie ở Indonesia) trở nên liều lĩnh hơn bao giờ hết. Trong cuộc khủng hoảng 1997, gia tộc này đã gần như trắng tay nhưng 20 năm sau, công ty khai khoáng PT Bumi Resources, “lá cờ đầu” của tập đoàn này, đang trải qua một đợt tái cấu trúc nợ.

Nói đến châu Á không thể bỏ qua Trung Quốc. Sự nổi lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tạo ra những cơ hội mới cho châu Á nhưng cũng gây nên những rủi ro mới.

Thị trường bất động sản, chứng khoán cùng với hệ thống ngân hàng Hồng Kông đang ở trong trạng thái gắn kết với đại lục hơn bao giờ hết. Đối với hầu hết các nước châu Á, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất. Ngân hàng Công thương Trung Quốc thậm chí đã thành công trong việc sánh ngang những ông lớn của phố Wall như Goldman Sachs.

Trong bối cảnh trọng tâm của kinh tế thế giới dịch chuyển, các ngân hàng có thể rơi vào cảnh phải chịu đựng gánh nặng của giai đoạn chuyển giao hỗn loạn. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình có thể kêu gọi các ngân hàng châu Á tài trợ cho những dự án có hiệu quả thấp về mặt kinh tế.

Những ảnh hưởng của Trung Quốc lên ngành ngân hàng châu Á cũng là một điểm đáng chú ý. Chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các ngân hàng châu Á đã sụt giảm. Một phần nguyên nhân là do nhiều năm nay lãi suất ở mức thấp, nhưng fintech – đặc biệt là những thách thức mà các ông lớn công nghệ như Baidu, Alibaba và Tencent đem đến – có thể khiến lợi nhuận thấp trở thành điều bình thường. Để đối phó, Singapore mới đây đã cho phép các ngân hàng đầu tư vào những hoạt động kinh doanh phi tài chính – động thái đã bị cấm kể từ sau cuộc khủng hoảng 20 năm trước.

Và trong bối cảnh hiện nay, yếu tố “mong manh” nhất một lần nữa lại chính là đồng USD. Các khách hàng ở một châu Á hướng về xuất khẩu vẫn muốn đồng USD, và vị thế suy yếu của các ngân hàng châu Âu trên thị trường tín dụng quốc tế lại là cơ hội cho những ngân hàng châu Á đang khao khát vươn ra thế giới nhưng không có đủ tiền gửi bằng USD.

Năm ngoái, Goldman Sachs nhấn mạnh khoản chênh lệch ngoại tệ 300 tỷ USD tại 3 ngân hàng lớn của Nhật Bản và 139 tỷ USD ở 4 ngân hàng top đầu của Trung Quốc. Mới đây, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã nhắc lại cảnh báo: các ngân hàng Nhật Bản hiện có 3.500 tỷ USD tài sản bằng USD, lớn hơn 1.000 USD so với số nợ bằng USD.

Đến năm 2037, Trung Quốc sẽ có một vài ngân hàng có quy mô lớn hơn cả Goldman Sachs hay Citigroup. Nhưng cũng chính vì lý do đó, trước tiên “ông vua USD” phải thực hiện một cuộc chuyển giao quyền lực.

Các tin khác