Canh bạc lãi suất âm

Sự chững lại của đà phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra một tâm lý sợ hãi nơi các nhà đầu tư trên khắp thế giới, càng đẩy cơn hỗn loạn hiện tại diễn ra nhanh hơn. Và khi mà ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang không thể tự bảo vệ cho chính mình, thì tất cả đang lao vào một canh bạc sát phạt lẫn nhau để giành lối thoát, canh bạc đó mang tên “lãi suất âm”.

(ĐTTCO) - Khi mà ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang không thể tự bảo vệ mình thì tất cả lại lao vào một canh bạc “lãi suất âm” nhằm sát phạt lẫn nhau để giành lối thoát.

 

Sự chững lại của đà phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra một tâm lý sợ hãi nơi các nhà đầu tư trên khắp thế giới, càng đẩy cơn hỗn loạn hiện tại diễn ra nhanh hơn. Và khi mà ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang không thể tự bảo vệ cho chính mình, thì tất cả đang lao vào một canh bạc sát phạt lẫn nhau để giành lối thoát, canh bạc đó mang tên “lãi suất âm”.

Các hãng truyền thông trên thế giới vẫn thường nhắc đến khái niệm “chiến tranh tỷ giá” để biểu đạt tình trạng các quốc gia trên thế giới đua nhau hạ tỷ giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là giữa các quốc gia đang có sự cạnh tranh gay gắt. Khi một quốc gia hạ tỷ giá nội tệ để tạo lợi thế cho xuất khẩu trước đối phương, ngay lập tức quốc gia khác sẽ hạ tỷ giá nội tệ của họ ở mức sâu hơn mức hạ của quốc gia kia.

Tuy nhiên, có một giới hạn trong cuộc chiến tranh tỷ giá đó mà các quốc gia buộc phải tuân thủ: Các quốc gia này sẽ tránh đưa tỷ giá đi kèm lãi suất của mình về một mức quá thấp có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nội địa.

Theo quan điểm đó, trạng thái “lãi suất âm” chính là mức tận cùng mà một quốc gia có thể tiến hành trong cuộc chiến tranh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, thậm chí còn vượt khỏi mức được xem là giới hạn là mức lãi suất 0%.

Khi đưa lãi suất về mức dưới 0%, nó sẽ gây ra hàng loạt hậu quả nguy hiểm đối với hệ thống tài chính và cả nền kinh tế nhưng đồng thời cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu ở mức cao nhất có thể. Nói cách khác, nó là một giải pháp 5 ăn 5 thua và là một con dao hai lưỡi thực sự.

Cụ thể, khi một quốc gia đưa lãi suất về mức dưới 0% thì người gửi tiền, thường là các tổ chức tín dụng thương mại và người dân, thay vì nhận được một khoản lãi như thường lệ, sẽ không những không nhận được gì mà thậm chí còn bị đánh phí. Nó sẽ dẫn đến việc các tổ chức tín dụng và người dân đua nhau rút tiền gửi ra khỏi hệ thống ngân hàng và đem về cất giữ tại nhà. Điều này sẽ khiến cho hệ thống tài chính có thể rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn hệ thống ngân hàng thì bị mất phần lớn lợi nhuận và bắt đầu rơi vào tình trạng bất ổn.

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, nó sẽ khiến xuất khẩu được hỗ trợ ở mức cao nhất có thể, đồng thời lãi suất âm cũng sẽ kích thích các khoản vay vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Nói cách khác, việc đưa lãi suất về mức âm không khác gì một canh bạc, khi nó chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả tồi tệ trong khi những kỳ vọng về kết quả tích cực mà nó đem lại thì lại không rõ ràng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, lại có rất nhiều quốc gia và nền kinh tế lớn đang lao vào canh bạc đó như những tay cờ bạc thực thụ.

Nền kinh tế lớn đầu tiên đi đầu trào lưu này là Liên minh châu Âu (EU), vào đầu tháng 12.2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức đưa lãi suất về mức -0,3% như một nỗ lực để vực dậy nền kinh tế của liên minh, trong lúc nguy cơ giảm phát đang treo lủng lẳng trên đầu. Thực ra, ECB chỉ học lại bài học mà người Thụy Điển đã làm hồi năm 2009 khi ngân hàng Riksbank của nước này lần đầu tiên đưa lãi suất về -0,35%, và trong tuần vừa qua thì Thụy Điển thậm chí đã hạ lãi suất xuống -0,5%. Sau Thụy Điển một loạt quốc gia châu Âu khác cũng nối gót, lần lượt là Đan Mạch và Thụy Sĩ.

Các quốc gia châu Âu không phải là những nền kinh tế duy nhất đưa lãi suất về âm như một biện pháp để cải thiện tình hình. Ngày 29.1.2016 đến lượt Nhật Bản gia nhập câu lạc bộ có xu hướng cờ bạc này khi Ngân hàng Trung ương Nhật tuyên bố sẽ đưa lãi suất về mức -0,1%. Liền sau đó, Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là Janet Yellen cũng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng Fed sẽ xem xét khả năng đưa lãi suất về mức âm trong thời gian tới.

Có vẻ như chỉ có Trung Quốc đứng ngoài cuộc trong canh bạc lãi suất âm này, nhưng thực ra thì không phải thế. Lãi suất của Trung Quốc thực tế cũng giảm đáng kể trong thời gian gần đây đi cùng với việc nhân dân tệ bị phá giá khá mạnh. Nhưng chẳng qua là do lãi suất ở Trung Quốc trước đó vẫn còn khá cao nên dù chính phủ nước này liên tục phá giá đồng nội tệ thì cũng chưa đủ để đưa lãi suất về âm được. Còn Mỹ, EU và Nhật Bản trước đó vẫn duy trì mức lãi suất rất thấp, thường là dưới 1%, nên chỉ cần một động tác hạ tỷ giá nhỏ là đủ để đưa lãi suất về âm ngay lập tức.

Việc các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đua nhau hạ tỷ giá và đưa lãi suất về âm ở thời điểm hiện tại đang gần giống như một canh bạc, nơi các nền kinh tế này thay vì hợp tác với nhau để vực dậy nền kinh tế toàn cầu thì lại đang sát phạt lẫn nhau để tìm lối thoát.

Nguyên do chủ yếu là ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế thế giới gần như không còn điểm tựa nào cho các nền kinh tế bấu víu. Nếu như trong phần lớn thời gian năm 2015, kinh tế Mỹ với tốc độ tăng trưởng cao được xem là điểm tựa cho sự hồi phục nền kinh tế toàn cầu, với liên tiếp 3 quý đầu năm có tốc độ tăng trưởng cao: 3,9% trong quý II/2015 và 1,5% trong quý III/2015, thì đến quý IV/2015 chỉ còn 0,7%. Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ lại rơi vào trì trệ, đồng thời với việc nền kinh tế Trung Quốc cũng giảm tốc, còn kinh tế Nhật cũng trì trệ không kém, đã khiến tất cả đổ vỡ.

Khi cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều rơi vào suy thoái, không còn điểm tựa nào để các nền kinh tế khác trên toàn cầu tin tưởng. Nó dẫn đến tình trạng các quốc gia đua nhau hạ tỷ giá, thậm chí không ngần ngại đưa lãi suất về âm, để thúc đẩy xuất khẩu và tăng đầu tư kinh doanh tại thị trường trong nước.

Rõ ràng việc đua nhau hạ tỷ giá và đưa lãi suất về âm như thế này sẽ chẳng có tác dụng gì trong việc vực dậy nền kinh tế thế giới, mà chỉ là cách các quốc gia tìm lối thoát cho mình mà thôi. Như đã nói, nó chẳng khác gì một canh bạc cả!

Các tin khác