Bầu cử giữa kỳ: Sợ hãi, giận dữ và chia rẽ hằn sâu trong lòng nước Mỹ

(ĐTTCO)-Ông Trump khép lại chiến dịch vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 với những đám đông sợ hãi, giận dữ và sự chia rẽ hằn sâu trong lòng nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump tại một cuộc mít tinh ngày 5/11 ở Cleveland. Ảnh: New York Times
Tổng thống Donald Trump tại một cuộc mít tinh ngày 5/11 ở Cleveland. Ảnh: New York Times

Những gì còn lại sau chiến dịch vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Trump trong nỗ lực cứu vãn sự kiểm soát của đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội đó là sự sợ hãi, chủ nghĩa dân tộc và sự thù hằn sắc tộc.

Cuộc chiến “xanh – đỏ” gay gắt trong lòng nước Mỹ

Ngày 6/11, những cử tri Mỹ sẽ lựa chọn một Hạ viện mới, quyết định 1/3 vị trí trong Thượng viện và bầu ra thống đốc mới của các bang "chiến trường" đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Khác với hầu hết các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ khác, cuộc bầu cử lần này trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump, khi mà bản thân ông cũng tuyên bố trước các cử tri như vậy. Các cuộc mít tinh sôi nổi của Tổng thống Trump dường như đã thúc đẩy sự nhiệt tình của các cử tri đảng Cộng hòa và thậm chí trước khi ngày bầu cử diễn ra, theo tính toán đã có khoảng 36 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, tỷ lệ cao hơn hẳn thời điểm cách đây 4 năm ở 25 bang và quận Columbia.

Được tiếp thêm bởi trào lưu "chống Trump", các thành viên đảng Dân chủ dường như đã sẵn sàng để kiểm soát lại Hạ viện và nắm giữ vị trí Thống đốc của các bang vùng Trung Tây quan trọng trong khi các thành viên đảng Cộng hòa vẫn tự tin rằng họ sẽ tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện.

Ông Trump đã tạo ra đám đông những người ủng hộ mũ đỏ ở bất kỳ nơi nào ông đi qua trong những ngày cuối cùng này. Lời cảnh báo mạnh mẽ của ông về "những đám đông cánh tả" và "một cuộc xâm lược di cư" đã thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ và sợ hãi khắp đất nước, tiếp thêm năng lượng cho những người bảo thủ mà ông hy vọng sẽ huy động được để bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội, đồng thời Tổng thống Trump cũng công kích mạnh mẽ các đối thủ của ông khi cho rằng họ dùng chính sách mị dân và gieo rắc nỗi sợ hãi.

Tổng thống Trump đã dành ngày 5/11 đi vận động chính trị ở vùng Trung Tây, thay mặt cho các ứng viên mà ông ủng hộ trong chặng đua nước rút của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018. Các cuộc mít tinh của ông Trump đều thu hút các đám đông náo nhiệt lên tới hàng nghìn người. Tại các cuộc mít tinh ở Cleveland, Fort Wayne, Indiana và cuối cùng là Cape Girardeau, Missouri, những phát ngôn của ông luôn gắn những lời công kích gay gắt về phía đối thủ như "cực đoan", "tham nhũng", "đám Dân chủ" và cáo buộc rằng đảng Dân chủ sẽ tăng thuế và phá hủy hệ thống y tế của Mỹ.

Tổng thống Trump cũng sử dụng những ngôn từ gay gắt nhất khi nói về vấn đề nhập cư khi cảnh báo rằng nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, họ sẽ để những kẻ giết người đến Mỹ để giết chết những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

"Đảng Dân chủ sẽ cho phép dòng người di cư bất hợp pháp tràn khổng lồ vào đất nước chúng ta", ông Trump tuyên bố. Ông cũng khẳng định đảng Dân chủ muốn dành những lợi ích chăm sóc sức khỏe cho những người nhập cư bất hợp pháp và khuyến khích họ đi bỏ phiếu.

“Phép thử” cho các giá trị quốc gia

Trong khi đó, dưới "ngọn cờ" của cựu Tổng thống Obama, đảng Dân chủ đang tìm cách để biến cuộc bỏ phiếu thành một chọn lựa, không chỉ trên vấn đề nhập cư, chăm sóc y tế và các vấn đề khác mà còn thành một "phép thử" cho các giá trị quốc gia.

"Đặc tính của đất nước này nằm trên lá phiếu. Danh tính của chúng ta nằm trên lá phiếu. Thể chế chính trị mà chúng ta mong muốn nằm trên lá phiếu. Cuộc sống của chúng ta như thế nào nằm trên lá phiếu. Việc chúng ta đối xử với người khác như thế nào nằm trên lá phiếu", Tổng thống Obama phát biểu ngày 5/11 tại Virginia thay mặt cho Thượng nghị sĩ Tim Kaine và Jennifer Wexton, những ứng cử viên triển vọng trong cuộc đua vào Hạ viện.

Các Tổng thống Mỹ cũng từng thực hiện các chiến dịch công kích mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, thường để hạ thấp đối phương. Khi còn đương nhiệm, Tổng thống Obama đã khắc họa đảng Cộng hòa như những kẻ quá khích, sẵn sàng hy sinh y tế, giáo dục và các vấn đề ưu tiên khác để cắt giảm thuế cho những người giàu. Trong khi đó, Tổng thống Goerge W. Bush buộc tội đảng Dân chủ sẵn sàng "giơ cờ trắng" đầu hàng trước những kẻ khủng bố.

Tuy nhiên, ông Trump thậm chí còn đi xa hơn khi không chỉ công kích đích danh các thành viên đảng Dân chủ - điều mà hầu hết các Tổng thống thường tránh, mà còn chế nhạo và lăng mạ họ. Tự gọi mình là một người theo "chủ nghĩa dân tộc", ông Trump chỉ trích cả những người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp bằng những ngôn từ cực đoan vốn được coi là không thể chấp nhận được trong nền chính trị quốc gia.

Kế hoạch của Tổng thống Trump trong chặng đua nước rút

Trong khi các chiến lược gia đảng Dân chủ hy vọng thái độ của ông Trump có thể khiến kết quả cuộc bầu cử đảo ngược thì những người ủng hộ ông Trump bày tỏ niềm tin rằng Tổng thống Mỹ đang bảo vệ đất nước khỏi những người bên ngoài. Các cố vấn của Tổng thống Trump thì nhận định chính những đối thủ của ông Trump khiến các cuộc mít tinh vận động của ông trở nên khác biệt và thu hút hơn để từ đó tạo nên được hiệu ứng đám đông.

"Thách thức cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ khi kiểm soát được mọi thứ là rất nhiều cử tri của họ quá tự mãn", ông Marc Shot, cựu giám đốc lập pháp Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump nhận định. "Ông Trump có một thách thức là làm thế nào để khiến những người không ủng hộ đảng Cộng hòa trong Quốc hội phải lộ diện. Rõ ràng, ông ấy đang đạt được tiến triển trong vấn đề này".

Trả lời báo chí ngày 5/11 rằng liệu cuộc bầu cử có đang ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo của Tổng thống hay không, ông Trump đã trả lời rằng: "Tôi không nghĩ vậy nhưng kể cả vậy thì tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó".

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông Trump bày tỏ sẽ có những phát ngôn "mềm mỏng" hơn. Ông cho biết ông có thể thay đổi điều này sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. "Tôi muốn hòa hợp và tôi nghĩ sau cuộc bầu cử này, rất nhiều điều sẽ xảy ra", ông khẳng định. "Tuy nhiên, ngay bây giờ họ đang làm theo cách của họ và chúng ta có cách của chúng ta. Như mọi người biết, khi bị chỉ trích, chúng ta phải phản ứng lại và nên là như vậy".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng ngày cuối cùng trong chiến dịch của mình để nói về khả năng gian lận trong bỏ phiếu. "Cơ quan Thi hành Pháp luật được thông báo phải giám sát chặt chẽ bất kỳ hành vi bỏ phiếu bất hợp pháp nào diễn ra vào Ngày bầu cử hôm thứ Ba".

Tổng thống cũng nhận định không gì đảm bảo là sự gian lận trên quy mô lớn không thể xảy ra. "Có rất nhiều người và theo quan điểm của tôi cũng như dựa trên các bằng chứng, sẽ có những kẻ cố gắng xâm nhập và bỏ phiếu bất hợp pháp", ông Trump khẳng định.

Nhiều người cho rằng Tổng thống Trump có thể sẽ lại cáo buộc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ xảy ra gian lận nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Hạ viện. Sau khi bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu phổ thông năm 2016, ông Trump cũng đưa ra lời giải thích mà không có bằng chứng nào, rằng 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã đi bỏ phiếu.

Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, ông Trump đã tới Cleveland - nơi mà một cuộc chạy đua quyết liệt cho vị trí Thống đốc bang sẽ quyết định đảng nào kiểm soát chính phủ bang. Ông Trump sẽ phải giành chiến thắng tại bang này nếu muốn đảm bảo có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 trong 2 năm nữa. Từ đây, ông Trump cũng đã bay tới Fort Wayne, nơi mà đảng Cộng hòa hy vọng có thể hạ gục thượng nghĩ sĩ đảng Dân chủ Joe Donnelly. Cuối cùng, Tổng thống Trump đến một buổi mít tinh vào đêm muộn ở Cape Girardeau để vận động cho ứng viên đảng Cộng hòa Josh Hawley trong nỗ lực đánh bại Thượng nghị sĩ Claire McCaskill.

Phát biểu với báo giới trước khi rời Washington, Tổng thống Trump thừa nhận ông đang lên kế hoạch cho một sự thay đổi lớn sau cuộc bầu cử.

"Các chính quyền thường có những thay đổi sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và có lẽ chúng ta cũng sẽ cần như vậy. Tôi nghĩ điều này là rất bình thường”, ông Trump khẳng định.

Các tin khác