Bài học đắt giá từ sự phá sản của Cambridge Analytica

(ĐTTCO)-Tối 17/5, Công ty phân tích thị trường và tư vấn chính trị của Anh Cambridge Analytica (CA) đã chính thức nộp đơn xin phá sản tại Mỹ sau vài tháng trở thành tâm điểm của vụ bê bối khai thác trái phép dữ liệu khách hàng trên mạng xã hội Facebook. 
Trụ sở công ty Cambridge Analytica tại London, Anh ngày 20/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trụ sở công ty Cambridge Analytica tại London, Anh ngày 20/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sự sụp đổ của một công ty mới chỉ thành lập năm 2013 với mục tiêu ban đầu tưởng chừng đầy sáng tạo là đưa ra những tư vấn chính xác dựa trên tâm lý của khách hàng và các cử tri, đã một lần nữa cho thấy trong thế giới công nghệ tiến bộ ngày càng nhanh thì quyền riêng tư luôn phải được đặt nên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh hay vì bất kỳ mục đích nào. 

Khi thành lập, CA quảng bá hình ảnh là một nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu khách hàng chuyên nghiệp dựa trên những thông tin quảng cáo hay các dịch vụ khác liên quan tới dữ liệu cho các đối tượng khách hàng hoạt động về chính trị hay các tập đoàn.

Tại thời điểm đó, CA tập trung vào các dịch vụ tư vấn liên quan các cuộc bầu cử ở Mỹ và từng nhận được vốn tài trợ 15 triệu USD từ một mạnh thường quân của đảng Cộng hòa là tỷ phú Steve Bannon. 

Sau chiến thắng đầy bất ngờ của tỷ phú Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà một phần được cho là nhờ công lao tư vấn của CA, Giám đốc điều hành (CEO) của CA là Alexander Nix đã quyết định mở rộng đối tượng khách hàng với những lời giới thiệu đầy hấp dẫn như có thể cung cấp "các hồ sơ thần kinh" của khách hàng hoặc cử tri, đây vốn được coi là "nguyên liệu bí mật" để kích thích những hành động có lợi từ phía họ và nhờ những hồ sơ này, việc quảng bá hình ảnh và tạo sức ảnh hưởng cho các khách hàng của CA sẽ được thực hiện hiệu quả hơn so với những cách tiếp cận, quảng bá truyền thống. 

Tuy nhiên, khi những ý tưởng đầy tham vọng này chưa kịp mang lại "trái ngọt" cho CA thì hồi tháng Ba vừa qua, công ty phải đối mặt với "sóng dữ" khi giới chức Anh mở cuộc điều tra xuất phát từ các cáo buộc rằng CA đã tiếp cận trái phép thông tin của hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook khi cung cấp dịch vụ tư vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump. 

Các cáo buộc liên tục được đưa ra với số người dùng bị ảnh hưởng tăng từng ngày và lên tới hơn 80 triệu người trên toàn thế giới. 

Một cựu nhân viên CA thậm chí còn cảnh báo dữ liệu cá nhân của người Anh có thể đã bị đội ngũ vận động nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sử dụng bất hợp pháp trước thềm cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. 

Bản thân CEO Alexander Nix cũng đã bị đình chỉ chức vụ để phục vụ cuộc điều tra của giới chức Anh. 

Dù CA nhiều lần tuyên bố hãng không sử dụng các dữ liệu của Facebook phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump hồi năm 2016, đồng thời bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, thì những thông tin bất lợi vẫn liên tục ập đến khiến hoạt động kinh doanh của hãng bị ảnh hưởng nặng nề. 

Đến ngày 2/5 vừa qua, Cambridge Analytica buộc phải thông báo ngừng hoạt động và chuẩn bị quy trình đệ đơn xin phá sản ở Anh và Mỹ do không thể khôi phục hoạt động như cũ. 

CA thừa nhận trong vài tháng qua việc trở thành tâm điểm vụ bê bối rò rỉ thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động của công ty này trên cả lĩnh vực chính trị lẫn thương mại. 

CA đã không trụ vững vì sự bủa vây và sức ép từ giới truyền thông khiến hầu hết các khách hàng và nhà cung cấp quay lưng lại với công ty này cũng như phát sinh một khoản phí khổng lồ cho các quá trình luật pháp liên quan. 

Kể cả khi CA đã chính thức nộp đơn xin phá sản, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của một công ty, các cuộc điều tra sẽ không khép lại. Nói cách khác, CA không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ bê bối này. 

Giới chức quản lý dữ liệu của Anh khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc điều tra hình sự và dân sự nhằm vào công ty này thông qua việc tiếp cận những cá nhân và lãnh đạo trực tiếp liên quan. 

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) vẫn tiến hành điều tra CA ngay cả sau khi công ty này đã tuyên bố dừng hoạt động. 

Cuộc điều tra tập trung vào các thỏa thuận tài chính của Cambridge Analytica và cách thức doanh nghiệp này lấy và sử dụng thông tin cá nhân thu được từ Facebook và các nguồn khác. 

Các công tố viên yêu cầu thẩm vấn các nhân viên cũ của Cambridge Analytica cũng như những ngân hàng thực hiện các vụ giao dịch của công ty này. 

Tuy không đến nước "khuynh gia bại sản" như CA nhưng Facebook, nhân tố chính khác trong vụ bê bối này cũng đã chịu nhiều "búa rìu dư luận," kéo theo đó là nhiều hậu quả như giá cố phiếu liên tục giảm vài ngày sau khi vụ việc được phát giác, cộng đồng mạng tẩy chay... 

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng đã phải lên tiếng xin lỗi người dùng và đưa ra các cam kết cải thiện chế độ bảo mật thông tin khách hàng. 

CEO của Facebook cũng đã tham gia một cuộc điều trần kéo dài gần 10 giờ trước Hạ viện Mỹ và sẽ có phiên điều trần kín với các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu vào tuần tới, tất cả nhằm khôi phục uy tín của Facebook đang bị xói mòn nghiêm trọng do vụ bê bối này. 

Những diễn biến này một lần nữa cho thấy quyền riêng tư của mỗi cá nhân là quyền bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, khi công nghệ hiện đại phát triển một cách chóng mặt trong khi những điều khoản luật pháp chưa đủ cập nhập, hoàn toàn có thể xuất hiện những kẽ hở với những hậu quả không thể tưởng tượng nổi. 

Theo nhà phân tích Bob O'Donnell, người đứng đầu hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research của Mỹ, cuộc khủng hoảng về quyền riêng tư của người dùng Facebook cho thấy các công ty truyền thông xã hội có thể không đủ khả năng xử lý phù hợp dữ liệu của người dùng. Do đó, các chính phủ cần vào cuộc nhằm đảm bảo quyền riêng tư về thông tin cá nhân của mỗi công dân "ở một mức độ nhất định." 

Chuyên gia trên đồng thời cảnh báo điều nghiêm trọng là đa số người dùng mạng xã hội đều không nhận ra rằng dữ liệu của họ đang bị sử dụng, và tại sao các trang mạng xã hội có thể thu thập các dữ liệu này. 

Cùng chung nhận định, Tạp chí L’Obs (Pháp) thậm chí còn gây chấn động khi cảnh báo "tất cả mọi người đều đang bị Facebook, Google hoặc những tập đoàn tin học khác theo dõi.”

L’Obs dẫn lời một kỹ sư của Google thừa nhận: “Nếu bạn biết những gì chúng tôi biết về mọi người thì bạn sẽ kinh hoàng.”

L’Obs đã thử tìm hiểu dấu vết mà một số người đã để lại trên mạng xã hội và thu thập được những thông tin tỉ mỉ về người dùng, từ tuổi tác, nơi ở, quê quán, bậc học phổ thông, các trường đã tốt nghiệp, số bạn bè, người thân hay quan hệ nghề nghiệp, ngành nghề... 

Những thông tin mà CA cho là "nguyên liệu bí mật" như quan điểm chính trị, sở thích phim ảnh sách báo dễ dàng được các công ty phân tích thu thập nhờ những lần người dùng bấm nút “like.”

Theo L’Obs, thực trạng đáng báo động là các cửa hàng và siêu thị đang “bủa vây” và theo dõi khách hàng, phân tích thói quen mua sắm của họ qua các loại thẻ “ưu tiên,” khách hàng “trung thành” hay những ứng dụng mua sắm. 

Trang mạng gulfnews.com mới đây cũng có bài viết cảnh báo về thực tế “các tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ lợi dụng dữ liệu khách hàng để trục lợi,” trong đó, tác giả cho rằng nhiều người dùng mạng xã hội dường như quan tâm tới các “khuyến mãi và giảm giá” hơn là “tính riêng tư.” 

Tuy nhiên, bài học từ vụ Cambridge Analytica vừa qua là quá lớn. Đó là lý do vì sao giám đốc phụ trách khối khách hàng và kỹ thuật số tại công ty nghiên cứu Kantar TNS, ông Satish Dave phải đưa ra cảnh báo “các nhãn hàng, các nhà quảng cáo, các hãng truyền thông và nhà xuất bản - toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số này - cần phải thận trọng hơn với việc dùng truyền thông xã hội để nhắm vào khách hàng. 

Bên cạnh đó, các cư dân mạng cần cân đối giữa nhu cầu giao tiếp và những thông tin mà họ chia sẻ lên mạng xã hội. Nhìn ở một khía cạnh khác thì vụ bê bối cũng giúp nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề bảo mật, và điều này sẽ dẫn tới những thay đổi.

Các tin khác