Xử lý tận gốc dự án treo

(ĐTTCO) - Dự án treo kéo dài khiến người dân rơi vào tình cảnh có đất nhưng không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 
Xử lý tận gốc dự án treo
Đường sá ở các khu bị quy hoạch treo cũng rơi vào hoàn cảnh không được nâng cấp, cải tạo.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, toàn TP có 1.269 dự án đã được chấp thuận địa điểm đầu tư và có quyết định thu hồi, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các dự án được giao đất, chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng chậm triển khai, gây ra, tình trạng quy hoạch treo kéo dài, UBND thành phố đã hủy bỏ quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng của 577 dự án với diện tích gần 6.000ha, và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích 33,84ha của 10 dự án. Đây là các dự án đã kéo dài thời gian không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, mà còn gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai.
Trong năm 2017, nhiều dự án treo tiếp tục được chính quyền TP điều chỉnh quy hoạch nhằm cởi trói cho người dân. Chẳng hạn, sau 20 năm chậm triển khai, khu dân cư Him Lam và khu chức năng 11B quy mô gần 70ha (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã bị chính quyền TP xóa bỏ, điều chỉnh ranh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng. Tại quận Bình Tân, hơn 20 tuyến đường cũng đã được chấp thuận xóa quy hoạch do thiếu khả thi, chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn. Các dự án cùng chung cảnh ngộ còn có KCN Phước Hiệp, KCN Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) và KCN Bàu Đưng (huyện Củ Chi).
Mặc dù số lượng lớn dự án đã bị thu hồi, nhưng trên thực tế chưa xử lý tận gốc. Nhiều nơi vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử, Củ Chi có dự án Đại học quốc tế, quận Bình Thạnh có khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, huyện Bình Chánh có khu đô thị Sing Việt, quận 1 có khu Mả Lạng...
Theo LS. Thái Văn Chung, Giám đốc hãng luật Nguyên Giáp, câu chuyện xử lý dự án treo tại TPHCM đã được xới lên nhiều lần nhưng nhìn chung chưa căn cơ và trị tận gốc. Do đó, TP cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý các dự án đã được giao đất hoặc chấp thuận địa điểm, đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực có dự án chậm triển khai. Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm, phải tiến hành thu hồi.
Rõ ràng với các dự án đã giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai, chưa đưa vào khai thác Nhà nước không thu được tiền thuế sử dụng đất, bộ mặt đô thị nhếch nhác, quyền lợi người dân đóng băng. TPHCM không thể vươn tới một đô thị văn minh, hiện đại nếu để tồn tại nhan nhản dự án treo. 

Các tin khác