Xử lý nạn lãng phí tài nguyên đất

(ĐTTCO)-Tốc độ đô thị hóa tại TPHCM ngày càng nhanh khiến quỹ đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó lại xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng dự án kéo dài hàng chục năm không được triển khai. Nhiều dự án sau khi di dời người dân đi chỗ khác lại bỏ hoang hóa nhiều năm trời, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội.

(ĐTTCO)-Tốc độ đô thị hóa tại TPHCM ngày càng nhanh khiến quỹ đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó lại xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng dự án kéo dài hàng chục năm không được triển khai. Nhiều dự án sau khi di dời người dân đi chỗ khác lại bỏ hoang hóa nhiều năm trời, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội.

Dự án “trùm mền”

Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận (viết tắt Công ty Tân Thuận, một doanh nghiệp nhà nước) triển khai đầu tư xây dựng một dự án chung cư, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… có quy mô 8 ha tại phường 13, quận Bình Thạnh.

Sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, dự án “lòi” ra mặt tiền đường với chiều dài hàng trăm mét làm cho giá trị đất cũng tăng nhiều lần. Dự án được TP giao đất từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống và được cho một công ty tư nhân thuê làm bãi giữ ô tô. Điều bất ngờ là ngay chính ông Trần Công Thiện, Giám đốc Công ty Tân Thuận, cũng không biết đơn vị đang lấy đất của công ty mình làm bãi giữ xe để cho thuê là đơn vị nào.

 

Ông Thiện cho biết, do dự án đền bù dở dang, một số hộ dân trở lại lấn chiếm, nên công ty nhờ UBND phường 13 (quận Bình Thạnh) “giữ hộ”. UBND phường đã đem đất của doanh nghiệp sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc cho đơn vị bên ngoài thuê lại để làm bãi giữ xe. “UBND phường cũng đang “đòi” lại để trả cho công ty, nhưng chưa xong”, ông Thiện phân trần.

Theo quan sát của phóng viên, quy mô bãi giữ xe rộng hàng chục ngàn mét vuông, bên trong có hàng trăm ô tô đang được khách hàng gửi tại đây. Một nhân viên cho biết giá giữ một chiếc ô tô tại đây là trên dưới 1 triệu đồng/tháng, tùy theo loại. Khách hàng phải giao chìa khóa xe cho nhân viên quản lý để di chuyển xe chứ không đậu cố định một chỗ vì “xe ra vô quá nhiều”.

Lý giải sự chậm trễ của dự án, ông Thiện cho biết hiện nay đã đền bù được khoảng 80%, phần đất còn lại người dân đòi giá cao quá nên chưa đền bù được. Ngoài ra, theo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), những dự án đã được giao đất nhưng chưa có phương án đền bù thì phải chờ Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TPHCM xem xét quyết định việc tiếp tục triển khai hay dừng lại.

Ông Thiện cho biết, hy vọng dự án sẽ được UBND TP cho phép tiếp tục triển khai và công ty cố gắng hoàn thiện việc đền bù để có thể bắt đầu xây dựng trong năm 2017.

Ngày 15-11-2002, UBND TPHCM có Quyết định số 4714 thu hồi hơn 48 ha đất tại phường Tân Thới Nhất (quận 12) giao cho Công ty Công trình giao thông công chánh để đầu tư xây dựng khu tái định cư, phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ di dời ngay tại dự án cũng như các dự án trên địa bàn quận và lân cận.

Sau một thời gian dài triển khai, do chủ đầu tư cũ thiếu năng lực, đến năm 2010, UBND TP có quyết định giao dự án nói trên cho UBND quận 12 làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án chia làm 2 khu, khu 10 ha đến nay cơ bản đã hoàn thành, còn khu 38 ha mới chỉ đầu tư một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại phân khu 5,9 ha và bố trí được 372 nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Hai dự án nói trên là những trường hợp cụ thể trong rất nhiều dự án có tình trạng tương tự trên địa bàn  TPHCM. Các dự án này được giao cho chủ đầu tư nhưng vì nhiều lý do dự án chậm hoặc không triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất, gây bức xúc cho người dân khi họ phải nhường đất lại cho dự án nhưng sau đó dự án rơi vào tình trạng “trùm mền”.

Mạnh dạn thu hồi

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM, cho biết trong năm 2016, công tác thu hồi, tạo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP vẫn còn khá khiêm tốn, tổng diện tích chỉ vài trăm hécta.

Về việc xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, sở này cùng các cơ quan chức năng đã rà soát hơn 1.150 dự án với tổng diện tích hơn 6.560 ha, tham mưu cho UBND TP thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư của nhiều dự án.

Nhiều dự án rơi vào tình trạng “trùm mền”, kéo dài hàng chục năm không triển khai được, ngoài việc do chủ đầu tư không có năng lực còn có nguyên nhân do chính sách đền bù không còn phù hợp vì dự án kéo dài. Tuy nhiên, việc sửa đổi cho phù hợp còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho rằng tài nguyên của TP không còn nhiều, trong đó quan trọng nhất vẫn là tài nguyên đất; đã yêu cầu các cơ quan chức năng trong quá trình giao đất cho chủ đầu tư cần phải nhanh, đúng quy trình, nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Cần mạnh dạn giao đất cho doanh nghiệp, bởi tiếp cận đất đai cũng là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư của TP.

Tuy nhiên cũng cần mạnh dạn thu hồi những dự án chậm triển khai, sử dụng sai mục đích, lãng phí… để giao cho những doanh nghiệp có năng lực và thực sự cần đất, tránh tình trạng “nơi cần không có, nơi có không cần”. 

Các tin khác