Vì sao Alibaba vẫn ngoài vòng pháp luật?

(ĐTTCO)-Có thể khẳng định, câu chuyện mua bán đất nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Alibaba) là chưa từng có trong lịch sử kinh doanh địa ốc của nước nhà.
Vì sao Alibaba vẫn ngoài vòng pháp luật?
 Hàng loạt cái gọi là dự án được “đẻ” ra một cách nhanh chóng, không tuân theo bất cứ một quy định nào về pháp luật đất đai, nhưng lại thu rất nhiều tiền của khách hàng.
 
Điều hết sức trớ trêu, tới nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay”, chưa đưa ra bất cứ hình thức xử phạt nào!
 
Theo thống kê mới nhất của tỉnh Đồng Nai, Alibaba đã mở bán 29 dự án đất nền; còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở bán 7 dự án. Các dự án có điểm chung: hiện trạng đất nông nghiệp, tự ý phân lô, tự ý làm đường; không có văn bản của cơ quan chính quyền cho phép làm dự án kinh doanh bất động sản. Chính quyền địa phương đã phản ứng như thế nào khi có dự án của Alibaba xuất hiện?
 
Phản ứng mạnh nhất là mới đây cơ quan chức năng đưa xe đào múc hủy con đường thảm nhựa tại một dự án thuộc xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vấp phải phản đối gay gắt và manh động của cán bộ và nhân viên Alibaba, Công an thị xã Phú Mỹ đã bắt tạm giam 2 người, vì tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Tại tỉnh Đồng Nai, mặc dù lãnh đạo tỉnh tổ chức họp báo, khẳng định không cấp phép dự án nào, nhưng hướng tiếp theo vẫn là “công an tiếp tục điều tra”.


Dự án thì ảo nhưng số tiền thu được là thật: 7 “dự án ma” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Alibaba đã thu từ khách hàng hơn 771 tỷ đồng - theo lời khai của nhân viên Alibaba tại cơ quan điều tra; nếu tính luôn 27 dự án mở bán tại Đồng Nai, hay con số Alibaba công bố đã tung ra 20.000 sản phẩm trong 3 năm qua, thì số tiền thu được thật khổng lồ, lên đến nhiều ngàn tỷ đồng! Vì sao lại xuất hiện tình trạng hết sức phi lý như vậy?

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM, một dự án đất nền khi đưa vào kinh doanh phải hội đủ các điều kiện: phù hợp quy hoạch, được phê duyệt 1/500, làm hạ tầng và được nghiệm thu của Nhà nước…; cuối cùng có văn bản xác nhận đủ điều kiện kinh doanh của Sở Xây dựng.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận nhiều hồ sơ khách hàng nhờ tư vấn liên quan đến các dự án của Alibaba, luật sư Phượng khẳng định: “Không thể gọi dự án của Alibaba là dự án, bởi các khu đất do Alibaba tự xưng dự án này dự án nọ, chớ có được cơ quan chức năng phê duyệt gì đâu, nên báo chí gọi “dự án ma” là vậy. Khi tiếp nhận hồ sơ pháp lý các khu đất đó, tôi thấy có sự ủy quyền phức tạp, có khi tới 3 lần, nếu xảy ra chuyện gì thì ai đứng ra giải quyết?”.

Cũng theo luật sư Phượng, cách làm của Alibaba có dấu hiệu lừa đảo, bởi vì bán cái không có thật (tức là dự án ma), nhưng lại thu tiền thật, giống như vẽ dự án trên mặt trăng rồi đem đi bán và thu tiền. Tất nhiên, việc buộc tội như thế nào là do cơ quan chức năng điều tra cụ thể, nhưng luật pháp còn có chức năng ngăn ngừa, tức là không chỉ xét xử hành vi đã xảy ra mà còn có chức năng ngăn ngừa hành vi phạm tội sắp diễn ra.

Câu chuyện của Alibaba cũng vậy, thấy rõ việc làm sai thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc, kiểm tra, thanh tra hay điều tra xử lý ngay, nếu để sự việc kéo dài, khi đổ bể thì làm sao thu hồi được tiền để trả lại cho khách hàng?

Rõ ràng, nếu vụ việc Alibaba vỡ lở, những người chức trách ở các địa phương nơi có các “dự án ma” không thể vô can, bởi đã không kịp thời ngăn chặn sự bành trướng và hoạt động ngoài vòng pháp luật của Alibaba. Bài học cụ thể từ TPHCM minh chứng điều này: Năm 2017, Alibaba mở bán “dự án ma” tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Ngay lúc đó, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường… liền lên tiếng cảnh báo đây là “dự án ma”, đồng thời tổ chức làm rõ về hành vi sai luật, nhờ đó đã chặt đứt “dự án ma” của Alibaba tại TPHCM.

Đối với khách hàng, khi xuống tiền mua đất cần phải tìm hiểu rõ tính pháp lý của dự án. Trong thỏa thuận của Alibaba khi cam kết với khách hàng, nếu không giao nền đúng hạn sẽ được Alibaba mua lại, bao gồm tiền gốc cộng với lãi suất 28%. Ai cũng biết, lãi suất tiền gửi ngân hàng mỗi năm không quá 5%, các công ty sản xuất kinh doanh nếu đạt được lợi nhuận trên 10%/năm đã là mơ ước. Cam kết lợi nhuận của Alibaba đã làm mờ mắt rất nhiều khách hàng và hậu quả với khách hàng là “tiền mất tật mang”. 

Các tin khác