Về đâu, nhà hoang?

Dường như thị trường BĐS đình trệ đang khiến việc xử lý các dự án bỏ hoang trở nên khó khăn hơn nhiều, dù là đề tài “nóng” trong dư luận từ vài năm nay và TP Hà Nội cũng cương quyết sẽ xử lý mạnh tay.

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội, đến hết tháng 6, TP còn một số lượng “khổng lồ” nhà hoang với khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng.

Tại thời điểm hiện nay, không khó để thấy tại nhiều khu như Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Linh Đàm, Lê Văn Lương kéo dài, Nguyễn Phong Sắc kéo dài... các căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang vẫn la liệt, bị bao vây bởi cỏ dại, rác thải, phế liệu, thậm chí là nơi “tập kết” các tệ nạn xã hội.

Theo phương án của TP Hà Nội, để hạn chế tình trạng này, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng đối với các biệt thự bỏ hoang. TP sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Thế nhưng, dù được xem là hợp lý, biện pháp này vẫn khiến nhiều người nghi ngờ.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu Hà Nội quyết mạnh tay với biệt thự bỏ hoang. Trước đó, TP đã yêu cầu các chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt.

Tuy nhiên, điều này không gây được tác động mạnh, chỉ có một vài người mua lo lắng đến sửa sang lại nhà cửa trong khi phần đông "án binh bất động", tiếp tục để hoang.

Theo nhiều chuyên gia, tại thời điểm thị trường BĐS quá trầm lắng, phân khúc cao cấp bị “thất sủng” như hiện nay, việc xử lý nhà hoang sẽ trở nên khó khăn gấp bội bởi chỉ xét theo quy luật thị trường, một khi bế tắc đầu ra trong khi cung lại quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa.

Sự việc càng phức tạp hơn khi biệt thự bỏ hoang hiện nay chủ yếu tồn tại dưới dạng người dân thừa tiền mua đất chờ tăng giá hoặc đầu cơ, trong khi hiện tại nhà đầu tư và người mua nhà đã quay lưng với những dự án kiểu này.

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cần mạnh tay đánh thuế để có thể triệt tiêu việc đầu cơ, bỏ hoang nhà đất, một số ý kiến lại cho rằng hãy để thị trường điều tiết, bởi biệt thự, nhà liền kề dù để hoang vẫn là tài sản thuộc sở hữu của người dân.

Mặt khác, trong điều kiện thị trường ảm đạm như hiện nay, chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư đều cạn kiệt về vốn, việc cải thiện một cách mạnh mẽ vấn đề này không phải dễ. Rõ ràng, xử lý hàng hóa dư thừa, đặc biệt hàng hóa trên đất, là vấn đề cực kỳ đau đầu cho các cơ quan chức năng mà kể cả có “mạnh tay” cũng chưa chắc giải quyết được dứt điểm.

Theo nhiều ý kiến, có lẽ phải đợi đến khi thị trường BĐS khởi sắc, cầu về phân khúc này gia tăng mới có thể cải thiện được tình hình. Đây có lẽ cũng là bài học sâu sắc cho các nhà đầu tư khi bỏ tiền tỷ ra để mua về những hàng hóa không có giá trị sử dụng, tính pháp lý lỏng lẻo và có nguy cơ bị xử phạt bất cứ lúc nào.

Các tin khác