Ùn tắc giao thông trên đại lộ

(ĐTTCO)-Dự án đại lộ Đông Tây nay là đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, là công trình giao thông trọng điểm, kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và rút ngắn thời gian đi lại giữa thành phố hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của thành phố. Thế nhưng, hiện nay tình trạng kẹt xe trên cung đường mới này ngày càng nghiêm trọng.

(ĐTTCO)-Dự án đại lộ Đông Tây nay là đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, là công trình giao thông trọng điểm, kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và rút ngắn thời gian đi lại giữa thành phố hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của thành phố. Thế nhưng, hiện nay tình trạng kẹt xe trên cung đường mới này ngày càng nghiêm trọng.

Thiết kế chưa hợp lý

Đường Mai Chí Thọ là trục đường xe tải, xe container được phép lưu thông 24/24 giờ ra vào Tân Cảng, Cát Lái, vì vậy, tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên. Mọi phương tiện đều từ đường cao tốc đổ ra đường Mai Chí Thọ, quẹo trái về đường hầm sông Sài Gòn và hướng đi thẳng qua đường Lương Định Của, nhưng lòng đường quá hẹp. Đồng thời, hướng từ đường Mai Chí Thọ quẹo trái vào đường cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây, thường xuyên kẹt xe kéo dài đến ngã ba đường Đồng Văn Cống.

Nguyên nhân kẹt xe là do thiết kế nút giao thông trên mặt bằng đường không có cầu vượt, hầm chui, nên không đáp ứng lượng xe qua nút giao này. Không những kẹt xe mà hướng giao thông về phía hầm Thủ Thiêm (hướng vào quận 1), bụi mù mịt do hai bên đường hàng loạt dự án đang thi công, nhiều xe chở vật liệu ra vào công trình. Lượng xe từ đường Mai Chí Thọ quẹo vào Trần Não rất lớn nhưng đường lại quá nhỏ, còn bị hư hỏng nghiêm trọng (đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến Lương Định Của).

 

Tương tự, tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học và giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con (quận 1) thường xảy ra ùn ứ. Tại đây, xe cộ vừa qua khỏi hầm Thủ Thiêm gặp đèn tín hiệu, phương tiện được rẽ nhiều hướng gây xung đột nên kẹt xe là đương nhiên. Tình trạng kẹt xe dây chuyền bắt đầu từ đây kéo dài đến cầu vượt Nguyễn Văn Cừ (đoạn này có nhiều điểm giao giao cắt) nối quận 4, 5 với quận 8.

Khu vực này kẹt xe không khác gì nút giao An Phú phía quận 2. Bác Đinh Quang Thịnh ngụ đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1 cho biết: “Ngán lắm con ơi! Ở đây một tuần kẹt xe hết 6 ngày, ngày chủ nhật được thông thoáng chút. Bất kể giờ cao hay thấp điểm, trên cầu và dưới đường đều như một biển người và xe, phải nhích từng chút một qua cầu”.

Xây cầu vượt, điều chỉnh giao thông

Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn Trần Chí Trung, đơn vị quản lý đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt cho biết, sau khi xảy ra vụ kẹt xe trầm trọng vào dịp Tết 2015, đơn vị đã cho điều chỉnh đèn tín hiệu và lắp đặt camera quan sát giao thông nút giao An Phú. Đồng thời, ứng dụng công nghệ điều khiển từ trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp. Mới đây, đơn vị quản lý tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt đã cải tạo nút giao thông An Phú để giải quyết kẹt xe.

Theo đó, cắt xén một phần tiểu đảo để xe từ đường Mai Chí Thọ quẹo trái vào đường cao tốc, mở rộng đầu giao lộ đường Lương Định Của và mở một đường quẹo phải từ đường Mai Chí Thọ vào đường cao tốc. Về tình trạng thi công để đất cát rơi trên đường (đoạn đường Mai Chí Thọ), Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn yêu cầu chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cho nhân viên rửa đường, nếu để tái diễn sẽ kiến nghị Sở Giao thông Vận tải xử lý.

Về tình trạng kẹt xe trên đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua khỏi hầm sông Sài Gòn đến cầu Nguyễn Văn Cừ), Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - đơn vị quản lý đường cho rằng, thời gian qua lượng xe hướng quận 2 vào quận 1 tăng đột biến so với hai năm trước. Hiện mỗi ngày có 25.000 lượt ô tô, 150.000 lượt xe gắn máy, gây ra tình trạng quá tải tại các nút giao rẽ vào quận 1 như đường Ký Con, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, đường Trần Đình Xu… Mặc dù đã mở rộng dạ cầu Calmette lên 3 làn xe nhưng vẫn chưa hạn chế được ùn tắc giao thông ở khu vực trên.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP, tình trạng quá tải xảy ra tại các nút giao thông trên tuyến này, chủ yếu là vào giờ cao điểm. Giải pháp trước mắt là tăng cường lực lượng điều tiết giao thông, kết hợp điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông hợp lý. Cầu Nguyễn Văn Cừ xây dựng xong năm 2009, hiện không có nhánh kết nối với đường Võ Văn Kiệt (chỉ có nhánh kết nối quận 4).

Vì vậy, xe gắn máy trên cầu muốn vào đường Võ Văn Kiệt phải đến giao lộ Trần Hưng Đạo mới có thể quay đầu. Còn đối với ô tô, phải quẹo phải vào đường Trần Hưng Đạo rồi vòng qua đường Nguyễn Cảnh Chân mới có thể vào đường Võ Văn Kiệt, gây bất lợi cho việc lưu thông và dẫn đến kẹt xe. Để giải quyết, Sở Giao thông - Vận tải TP đang triển khai xây dựng nhánh cầu nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt trên địa bàn quận 1 và quận 5 dài hơn 300m; đường riêng cho xe gắn máy rộng 6m, với tổng vốn đầu tư khoảng 170 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng.

Sở GTVT cũng kiến nghị Hội đồng Thẩm định bồi thường TP khẩn trương thẩm định phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2) để chia tải lượng xe qua cầu Thủ Thiêm về hướng quận 1, thay vì dồn qua hướng hầm Thủ Thiêm gây quá tải.

Các tin khác