Từ vụ 110 căn biệt thự bị đình chỉ thi công: Tìm cách tháo gỡ cho dự án có “đất xen cài”

(ĐTTCO) - Vụ 110 căn biệt thự của Công ty cổ phần (CTCP) Hưng Lộc Phát bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công để “hoàn thiện thủ tục theo quy định” mà cụ thể là chưa chuyển mục đích sử dụng đất. 
Nguyên do là dự án có “đất xen cài” manh mún, nhỏ lẻ nằm rải rác trong dự án… được xem là “đất công”. Nếu theo quy định phải đấu giá, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện nên hàng loạt dự án đang bị “tắc”. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, qua trường hợp này sẽ nghiên cứu để có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp.  
Dự án ách tắc
Dự án Khu nhà ở của Công ty Hưng Lộc Phát (quận 7) đã được công nhận chủ trương đầu tư, phê duyệt 1/500. Tuy nhiên, do trong dự án cũng có một phần đất “xen cài” là đất kênh rạch, đường giao thông nằm rải rác trong dự án nhưng không thể tách rời khỏi dự án, nên sau khi công văn qua lại giữa các sở - ngành, cuối cùng Sở TN-MT gửi công văn lên Tổng cục Đất đai (Bộ TN-MT) và được trả lời, hướng dẫn:
“Đề nghị quý sở căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, rà soát, kiểm tra thực tế, hiện trạng sử dụng đất khu vực dự kiến triển khai dự án nêu trên, trường hợp 7.348,6m2 diện tích đất rạch, đường nêu trên nằm phân tán, xen kẹp trong khu đất cùng 1 dự án nhà đầu tư đã nhận chuyển quyền sử dụng đất, không thể tách rời (theo quy hoạch chi tiết được duyệt) thực hiện một dự án riêng biệt, thì xem xét, tham mưu UBND TPHCM quyết định việc giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 58 Luật Đất đai, Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ”.
Từ vụ 110 căn biệt thự bị đình chỉ thi công: Tìm cách tháo gỡ cho dự án có “đất xen cài” ảnh 1 110 căn biệt thự đã được xây dựng xong cùng hạ tầng cơ bản.
Trong lúc chờ UBND TP xem xét giải quyết thì dự án nói trên bị đình chỉ thi công… Tương tự, Công ty V.D cũng đang triển khai một dự án nhà ở tại Bình Chánh, hiện nay, chủ đầu tư đã có “đất sạch” 100%. Tuy nhiên trong khuôn viên dự án có khoảng 9.000m2 có nguồn gốc là đất rạch, đất giao thông…
Để được UBND TPHCM công nhận Công ty VD là chủ đầu tư dự án nói trên thì chủ đầu tư phải được thực hiện nghĩa vụ tài chính (giao đất, hay thuê đất…)  phần diện tích nói trên. Tuy nhiên từ nhiều tháng qua, sau khi nhận đơn yêu cầu của doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng tham mưu về vấn đề trên cho UBND TP xem xét quyết định, như Sở KH-ĐT, TN-MT… cứ chuyển công văn lòng vòng nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được công nhận “chủ đầu tư”.
Vướng mắc này cũng là vướng mắc phổ biến của các dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng...), thường chiếm tỷ lệ nhỏ  trong dự án. Các dự án này hiện nay đang bị ách tắc việc tính tiền sử dụng đất.
Nhưng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì phải thực hiện đấu giá. Theo các chuyên gia, quy định này bất khả thi và đang là vướng mắc dẫn đến chủ đầu tư không được giao đất để triển khai, thực hiện dự án, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, dự án ách tắc, ngân sách nhà nước cũng bị hụt nguồn thu. 
Sẽ có chủ trương xử lý
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, Nhà nước đã có quy định “đấu giá” trong trường hợp “đất công” manh mún nhỏ lẻ. Do đó, để giải quyết vấn đề này,  có thể thực hiện 1 trong 2 phương án. Phương án 1 là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư không thông qua đấu giá.
Thay vào đó chủ đầu tư phải hoán đổi, trả lại bằng đất ở đã có hạ tầng tại dự án cho Nhà nước theo tỷ lệ 10% - 15% (hoặc tỷ lệ khác do thành phố quy định). Phương án 2 là áp dụng các phương pháp xác định “giá đất cụ thể” phù hợp giá thị trường theo quy định của pháp luật đất đai, đối với phần diện tích đất công này và chủ đầu tư nộp ngân sách nhà nước để được giao đất, cho thuê đất.
Thực tế cho thấy, trong một dự án, mật độ xây dựng chỉ chưa đến 50%, sau khi xây dựng hoàn chỉnh dự án thì nhiều hạng mục như cảnh quan, công viên, đường giao thông... chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Trên thực tế tại nhiều dự án có “đất công” xen cài, sau khi “cấn trừ” phần diện tích mà chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước còn nhiều hơn phần diện tích “đất xen cài” nằm trong dự án. Tuy nhiên, do quy định hiện nay quá cứng nhắc nên nhiều dự án cứ giậm chân tại chỗ không biết khi nào mới… thông được. 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện nay trên địa bàn TP, các  dự án được triển khai từ trước năm 2013 vướng rất nhiều, nhiều dự án đã được công nhận chủ đầu tư, chủ trương đầu tư… nhưng vẫn vướng vụ đất xen cài. “Cho nên vừa qua TP phải gỡ, phải đi hỏi các bộ ngành cho từng trường hợp, như trường hợp Hưng Lộc Phát, Bộ TN-MT đã có ý kiến rồi, cách đây 1 tháng bộ cũng trả lời 1 trường hợp nữa.
Còn những dự án chưa triển khai gì cũng vướng đất công trong dự án. Như vậy dự án cũ thì khó khăn, dự án mới thì không ai dám làm, nếu vậy thì TP sẽ gặp khó khăn trong phát triển, cho nên UBND TP giao cho sở TN-MT nghiên cứu để báo cáo, tham mưu UB xử lý các trường hợp này, để rồi các dự án sau này nếu gặp trường hợp tương tự như thế thì cứ theo đó mà làm. Ngoài ra, chúng ta xem xét ở một tỷ lệ nào đó có thể nhận đất công và tổ chức đấu giá đất công; còn nếu nhỏ lẻ thì đề nghị UBND TP giao luôn”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ.
 Chưa được cấp phép vẫn xây dựng
Liên quan đến những phản ánh của bạn đọc đến Báo SGGP về dự án Raemian Galaxy City (Khu đô thị An Phú - An Khánh, quận 2) được chủ đầu tư tổ chức thi công khi chưa có giấy phép, ngày 23-6, thông tin từ Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM Bùi Văn Hiếu cho biết, đến thời điểm này Sở Xây dựng vẫn chưa tiếp nhận bất kỳ hồ sơ nào liên quan dự án Raemian Galaxy City. Ông Hiếu cũng cho biết thêm, ngày 14-5 vừa, UBND quận 2 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1502/QĐ-XPVPHC đối với CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà - HDTC (chủ đầu tư) do có hành vi “Tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng”. Như vậy, chủ đầu tư dự án Raemian Galaxy City đã xây dựng khi chưa được cấp phép. Theo ghi nhận của phóng viên, dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng dự án đã được xây xong 3 tầng hầm và khu nhà mẫu. 
Được biết, dự án Raemian Galaxy City được quảng cáo có quy mô lên đến hơn 10.000 căn hộ cao cấp, gồm 8 cụm cao ốc CT01, CT02, CT03, CT04, CT05, CT06, CT07 và CT08. Mỗi tòa cao ốc cao 40 - 45 tầng, cung ứng khoảng 13.144 căn hộ. Dự án do HDTC làm chủ đầu tư. Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, 2 cụm công trình của dự án thuộc quy hoạch Khu đô thị An Phú - An Khánh đang được triển khai rầm rộ. Theo tìm hiểu, khi khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án này thì phải tiến hành đặt cọc 100 triệu đồng/căn. Tiến độ thanh toán Raemian Galaxy City được chia làm 11 đợt. Đợt 1, 2, 3, mỗi đợt khách hàng thanh toán 10% giá trị căn hộ và tiến hành ký hợp đồng mua bán chính thức. Từ đợt 4, mỗi đợt khách hàng thanh toán 10% giá trị căn hộ, mỗi đợt cách nhau 3 tháng... 
TRÀ GIANG

Các tin khác