Tranh chấp nội bộ Vinaland kéo dài, khách hàng lãnh đủ

(ĐTTCO) - Tranh chấp nội bộ tại CTCP Đầu tư BĐS Việt Nam (Vinaland) từng khiến dự án Vinaland Tower (quận 7, TPHCM) đóng băng hàng chục năm trời.
 Đến thời điểm này, ông Trần Minh Hoàng, Tổng giám đốc tiếp tục tố cáo ông Trần Bình Long, nguyên Chủ tịch HĐQT về việc sử dụng con dấu giả mạo, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm giữ quyền điều hành doanh nghiệp bất hợp pháp, bán nhà trái luật. 
Từ chuyện con dấu giả
Theo ông Trần Minh Hoàng, tháng 5-2013, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Vinaland, là người đại diện pháp luật của công ty theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN) được cấp đổi lần thứ 10. Đến ngày 18-11-2015, ông Hoàng bất ngờ phát hiện Vinaland đã thực hiện việc thay đổi GCN ĐKDN lần thứ 11 (cấp ngày 11-11-2015). Đồng thời, vị trí chức danh Chủ tịch HĐQT Vinaland đã bị thay thế bởi ông Trần Bình Long (thời điểm này ông Long còn kiêm chức danh Tổng giám đốc).
Bức xúc việc thay đổi GCN ĐKDN lần thứ 11 của công ty không đúng quy định của pháp luật, ông Hoàng đã gửi công văn đến Phòng Đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM đề nghị hủy GCN ĐKDN thay đổi lần thứ 11 của Vinaland. Nhưng cơ quan này khẳng định làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không thực hiện đề nghị của ông Hoàng. 
Trước tình hình đó, ông Hoàng quyết định khởi kiện Phòng Đăng ký kinh doanh ra tòa, yêu cầu thu hồi GCN ĐKDN lần 11 và 12 ngày 27-1-2015 của Vinaland, khôi phục GCN ĐKDN lần 10 cấp ngày 29-5-2013; khôi phục mẫu con dấu đăng ký trước ngày 18-11-2015 và thu hồi, hủy bỏ con dấu đã thay đổi sau ngày 18-11-2015. 
Căn cứ vào hồ sơ được tòa cung cấp, con dấu sử dụng trong biên bản cuộc họp HĐQT số 15/20/BB-QT-VNI ngày 31-10-2015 là giả. Bởi con dấu thật do ông Hoàng quản lý. Bản án sơ thẩm số 1322/2017/HC-ST ngày 27-9-2017 của TAND TPHCM, nhận định có đủ cơ sở để xác định cuộc họp HĐQT ngày 31-10-2015 không hợp lệ. Bởi lẽ trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Vinaland không cung cấp được tài liệu chứng minh việc thông báo mời ông Hoàng tham gia cuộc họp HĐQT đã được giao cho ông Hoàng, hoặc đến được địa chỉ liên lạc của ông Hoàng đăng ký tại công ty. 
Tranh chấp nội bộ Vinaland kéo dài, khách hàng lãnh đủ ảnh 1 Dự án SaiGon South Plaza vẫn đang trong quá trình tranh chấp gần 10 năm dù nằm ở vị trí đắc địa . Ảnh: T.HẢI 
Bên cạnh đó, đại diện Vinaland thừa nhận đã dùng con dấu (sau này được xác định là giả) đóng trong thông báo về việc thay đổi con dấu ngày 18-11-2015, để đóng vào hồ sơ xin thay đổi người đại diện theo pháp luật ngày 31-10-2015 (tức trước khi có hiệu lực 20 ngày).
Ngoài ra, tại kết quả giám định số 761/KLGĐ-TT ngày 30-5-2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM, kết luận hình con dấu trên thông báo về việc thay đổi con dấu của doanh nghiệp (không số) ngày 18-11-2015 của Vinaland do ông Trần Bình Long ký so với mẫu so sánh là giả (không do cùng một con dấu đóng ra).
Từ những căn cứ nêu trên, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu của ông Hoàng về việc hủy GCN ĐKDN lần thứ 11 và lần thứ 12 của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp cho Vinaland.

Đến việc xử lý vẫn dùng dằng
Theo ông Trần Minh Hoàng, lợi dụng thời điểm tranh chấp xảy ra tại Vinaland, ông Trần Bình Long đã sử dụng con dấu giả để ký hợp đồng dịch vụ tiếp thị và ủy quyền cho CTCP CTK Land thu tiền (tên cũ là CTCP Đô Thành Land) tại dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ và chung cư Vinaland Tower (SaiGon South Plaza). Hợp đồng này đã tạo điều kiện cho CTK Land tiến hành huy động vốn bất hợp pháp từ người mua nhà và nhà đầu tư. 
Để chấn chỉnh việc này, Nghị quyết HĐQT mới nhất của Vinaland chấm dứt hiệu lực của hợp đồng dịch vụ nói trên. Vinaland cũng đã có văn bản gửi CTK Land thông báo việc chấm dứt hiệu lực hợp đồng. Song ngược lại, phía CTK Land chưa có động thái phản hồi về sự việc. Do vậy hồ sơ pháp lý dự án SaiGon South Plaza vẫn chưa đủ điều kiện mở bán, cơ quan chức năng cũng chưa có văn bản cho phép bán. 
Như vậy, với việc ông Long dùng con dấu giả để ký nhiều hợp đồng, trong đó có hợp đồng dịch vụ tiếp thị và ủy quyền thu tiền cho CTK Land để bán sản phẩm, nhận tiền đặt cọc của rất nhiều khách hàng với số tiền rất lớn, đã vi phạm pháp luật và khiến vụ việc càng trở nên phức tạp, nhiều hậu quả pháp lý xảy ra rất khó giải quyết sau này.
Vinaland đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng TPHCM… nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả xử lý, giải quyết của các cơ quan này.

Khách hàng lãnh đủ
Dự án Vinaland Tower sau này là SaiGon South Plaza, tọa lạc trên đường Nguyễn Lương Bằng (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM), được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.852m2, cao 26 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 35.829m2, gồm 237 căn hộ. Năm 2009, dự án này được Vinaland huy động vốn trên thị trường bằng cách cho phát hành “chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở, mỗi chứng chỉ quỹ có giá 5 triệu đồng”. 
Chứng chỉ này được xem như một loại giấy chứng nhận chủ đầu tư đã vay tiền của người mua để xây dự án và có trả lãi. Theo đó, khách hàng mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ có quyền mua căn hộ tại dự án sau 60 tháng kể từ ngày mua chứng chỉ.
Theo hợp đồng, nếu Vinaland không giữ đúng cam kết sẽ chịu phạt 200% trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vì tranh chấp nội bộ đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, dự án “án binh bất động”. Nhiều khách mua chứng chỉ sau gần 10 năm vẫn chưa nhận được nhà, tiền gốc lấy lại cũng không được.

Các tin khác