TPHCM xã hội hóa đầu tư hạ tầng (P4)

Bất cập đầu tư giáo dục ngoài công lập

Bất cập đầu tư giáo dục ngoài công lập

Tư nhân hóa giáo dục tại TPHCM đang thể hiện sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Trong vòng chưa đầy 2 thập niên, các trường ngoài công lập (NCL) đã góp phần nâng cao dân trí, phổ cập giáo dục, tạo chỗ học cho học sinh/sinh viên, giảm bớt tệ nạn xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các trường NCL hiện nay được đánh giá vẫn còn nhiều bất cập.

Tăng nhanh số lượng

Tính đến năm 2011, TP có 289 trường mầm non NCL và khoảng 960 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục. Số lượng trường lớp công lập cả TP chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ 5 tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục.

Tư nhân hóa giáo dục tại Việt Nam hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Tư nhân không phải có tiền là mở được trường mà phải hội đủ điều kiện quy chế của Bộ GD-ĐT về đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình học, đề án mở ngành, xác định mục tiêu đào tạo, mô tả đề cương chi tiết môn học… Thế nhưng do quản lý nhà nước siết chặt đầu vào lại buông lỏng đầu ra làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong giáo dục: “học giả bằng thật”, “học giả bằng cũng giả.

GS. VÕ TÒNG XUÂN,
Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo

Riêng các quận mới, số trường công lập chỉ đáp ứng thu nhận dưới 50% và nhiều phường, xã, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có trường mầm non công lập.

Ở cấp học phổ thông, mới đây ông Thái Quốc Tuấn, Phó Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, cho biết hiện TP có 85/182 trường THPT NCL. Từ năm 2009-2011, có tổng cộng 36 trường đi vào hoạt động. Đối với giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), TPHCM là địa phương có số lượng trường NCL nhiều nhất nước.

Về cơ bản, phân khúc này cung chưa kịp cầu nên các trường NCL đua nhau mở chi nhánh, trung tâm hoặc liên kết đào tạo để chiếm lĩnh thị phần và khuếch trương hình ảnh. Cụ thể, ĐH Văn Lang có 2 cơ sở, quốc tế Hồng Bàng 9 cơ sở, Văn Hiến 4 cơ sở, Hùng Vương 4 cơ sở…

Trong những năm gần đây, thị trường giáo dục TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất giàu tiềm năng do hệ thống các trường ĐH hiện hữu chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đại chúng hóa.

Các nhà cung ứng giáo dục từ Anh, Hoa Kỳ, Australia hay Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia… đã nhìn thấy cơ hội “xuất khẩu” giáo dục vào một TP có dân số xấp xỉ 10 triệu dân dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đào tạo.

Từ thành công của RMIT, mới đây TP đã phê duyệt quy hoạch khu đô thị ĐH quốc tế trên 7 tỷ USD do Tập đoàn Berjiaya - Malaysia làm chủ đầu tư tại huyện Củ Chi. Quy mô khu đô thị ĐH này lên tới 923ha, với sức chứa 75.000 người học tập, sinh sống và làm việc. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục gồm 6 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và các trường ĐH, CĐ.

Lắm “sạn”

Về lâu dài, tôi nghĩ rằng các trường NCL hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh nên những cơ sở đào tạo nào làm ăn không đàng hoàng, bộc lộ tiêu cực, yếu kém bị sàng lọc. Bên cạnh đó khuyến khích, động viên những mô hình trường NCL tốt, góp phần tích cực cho chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giáo dục của Nhà nước.

TS. NGUYỄN KIM DUNG

Không thể phủ nhận vai trò to lớn của trường NCL trong việc “chia lửa” với ngành giáo dục. Tuy nhiên, quá trình phát triển “nóng” đã bộc lộ những bất cập nhất định. Đó là cơ chế hoạt động, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo.

Khác với trường công lập, đa số trường NCL được thành lập với nguồn vốn tự có hoặc huy động rất hạn hẹp. Sau khi tuyển sinh nhà trường dựa hẳn vào nguồn thu học phí từ người học để duy trì tất cả hoạt động bộ máy.

Điều đáng nói là dù có nguồn thu hàng năm cực lớn, nhưng mức chi thực tế cho mỗi học sinh/sinh viên lại rất thấp. Cuối tháng 4 vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT TPHCM đã thực hiện kiểm tra ở 30/85 trường THPT NCL.

Kết quả cho thấy cơ sở vật chất hầu hết các trường đều thuê rồi cải tạo lại để chuyển công năng sử dụng. Chỉ có 4/30 trường có chủ quyền đất sử dụng. Nhiều trường có diện tích nhỏ, 18 trường chỉ đạt 6m2/học sinh, 12 trường không có sân chơi, 9 trường không có phòng thí nghiệm, 10 trường dùng phòng thí nghiệm chung, không trường nào có phòng sử dụng cho bộ môn công nghệ, 3 trường không có thư viện...

Ở bậc học ĐH, CĐ cũng không ngoại lệ và đây chính là nguyên nhân khiến Bộ GD-ĐT yêu cầu một số trường ngừng tuyển sinh năm 2012. Trong số đó, Văn Hiến, Hùng Vương, CĐ Công nghệ Bách Khoa TPHCM không được tuyển sinh năm nay vì nội bộ xảy ra tiêu cực tranh giành quyền lợi, yếu kém trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

ĐH Hồng Bàng chỉ sở hữu trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, 8 cơ sở còn lại phải thuê mướn. Ảnh: T.VY
ĐH Hồng Bàng chỉ sở hữu trụ sở trên đường Điện Biên Phủ,
8 cơ sở còn lại phải thuê mướn. Ảnh: T.VY

Đơn cử, ĐH Hùng Vương TPHCM là một trong những trường có mức thu học phí tương đối cao, học phí thu được mỗi năm trên dưới 50 tỷ đồng, song qua 16 năm hoạt động, ngoài cơ sở vật chất hình thành trên mảnh đất chật hẹp trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), 3 cơ sở còn lại đều phải thuê. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường chỉ đáp ứng một nửa so với chỉ tiêu trên đầu sinh viên.

Theo các sinh viên học tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức học phí của trường công bố hàng năm dao động 10-17 triệu đồng. Tuy vậy, trường Hồng Bàng chỉ sở hữu vỏn vẹn mảnh đất trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), các cơ sở đào tạo còn lại phải thuê mướn. Từ khi thành lập đến nay, dù mang danh là ĐH quốc tế nhưng phòng ốc, trang thiết bị phục vụ sinh viên nghiên cứu khoa học lại quá nghèo nàn, thiếu thốn.

TS. Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, cho rằng trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, khách hàng có thể đánh giá hiệu quả rất nhanh thông qua mẫu mã, thiết kế, chất lượng sản phẩm. Còn trong GD-ĐT, việc đánh giá khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, công tác này nếu không có vai trò của Nhà nước, các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp độc lập vào cuộc sẽ khiến xã hội mơ hồ về chất lượng GD-ĐT.

(Còn tiếp)

Các tin khác