TPHCM xã hội hóa đầu tư hạ tầng (kỳ 3)

Huy động nguồn lực đầu tư xử lý rác

Huy động nguồn lực đầu tư xử lý rác

Hiện nay, trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 6.000 tấn rác sinh hoạt, hơn 600 tấn chất thải nguy hại, hàng triệu m3 nước thải sinh hoạt. Chi phí xử lý rác thải, nước thải đang thật sự là gánh nặng cho ngân sách TP. Do đó, cánh cửa chào đón các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho ngành môi trường luôn rộng mở trong nhiều năm qua.

Hấp lực từ... rác

Năm 2004, bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) đóng cửa. 3 năm sau, bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) ngừng tiếp nhận rác. “Núi” rác TPHCM cao dần, trong khi năng lực tiếp nhận của bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), do Công ty Môi trường Đô thị quản lý, lại có hạn.

Việc giải bài toán công nghệ, vốn đầu tư cho việc xử lý rác thải của TPHCM chưa bao giờ khó khăn đến vậy. Nhưng kể từ khi Việt Nam có Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005), các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn được xây dựng tại những vị trí thuận lợi để có thể tiếp nhận nguồn thải từ khu đô thị, khu công nghiệp; cơ chế tài chính cởi mở và đặc biệt là TPHCM thông thoáng hơn trong việc cấp phép các dự án xử lý rác… đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đó là David Dương, kiều bào đang sinh sống tại Hoa Kỳ đã quyết định trở về nước thành lập Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Năm 2007, VWS hoàn thành xây dựng và vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn Đa Phước có quy mô 128ha, thuộc Khu liên hợp xử lý rác và nghĩa trang 258ha tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư dự án 100 triệu USD, với công suất tiếp nhận 3.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày cho TPHCM và 20 tấn rác sinh hoạt/ngày cho tỉnh Long An.

Như vậy, với sự có mặt của khu xử lý rác Đa Phước, “núi” rác của TPHCM vơi đi một nửa. Đây được xem là dự án xã hội hóa đầu tiên về rác do kiều bào đầu tư vào TPHCM.

CTCP Vietstar 100% vốn nước ngoài (thuộc Tập đoàn Lemna) cũng là một trong những “đại gia” có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải rắn, nước thải ở Hoa Kỳ. Cuối năm 2009, Vietstar chính thức vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ hiện đại tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

Nhà máy Vietstar có diện tích hơn 28ha, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là 63 triệu USD, công suất xử lý 1.200 tấn/ngày. Ngoài ra, nói đến lĩnh vực xử lý rác thải, không thể không nhắc đến nhà đầu tư “nội” Tâm Sinh Nghĩa.

Sau khi vận hành tốt nhà máy xử lý và tái chế rác công suất 200 tấn/ngày tại Thủy Phương (Huế), năm 2007, Tâm Sinh Nghĩa bắt đầu phủ “sóng” nhà máy tại nhiều địa phương khác như Kiên Giang, Long An, Bình Thuận.

Riêng TPHCM, năm 2008, Tâm Sinh Nghĩa tiến hành khởi công nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi. Dự án có tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 20ha, nhà máy hoạt động khoảng 49 năm và công suất xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày.

Biến rác thành tài nguyên

Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, rác thải ngày nay được xem như một dạng tài nguyên hữu ích. Rác hữu cơ là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân vi sinh hay khí biogas. Tương tự, rác vô cơ là nguyên liệu đầu vào của các ngành tái chế như giấy báo, nhựa, kim loại.

Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa cải thiện môi trường sống trong lành hơn mà còn đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho nhà đầu tư và xã hội. Trên thế giới, hiện có 3 phương pháp xử lý chất thải rắn đang được áp dụng: đốt, chôn lấp, làm phân compost.

Phương pháp đốt thích hợp cho loại rác thải đặc thù đã qua phân loại đầu nguồn. Nếu áp dụng giải pháp này đối với rác thải chưa qua phân loại ở Việt Nam thì không xử lý triệt để, chi phí khá cao. Phương pháp chôn lấp đòi hỏi một quỹ đất lớn, quy hoạch xa trung tâm thành phố và phải đáp ứng các tiêu chí kiểm soát nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, phương pháp làm phân compost được đánh giá mang lại lợi ích “kép”: rác thải được chế biến thành sản phẩm phân bón có giá trị kinh tế và tiết kiệm diện tích đất chôn lấp.

Dây chuyền phân loại rác của Nhà máy xử lý rác Đa Phước. Ảnh: MINH TUẤN

Dây chuyền phân loại rác
của Nhà máy xử lý rác Đa Phước. Ảnh: MINH TUẤN

Tuy nhiên, sự kiểm soát rác đầu nguồn chưa tốt khiến chi phí xử lý rác ở nước ta khá cao (14-16USD/tấn). Đơn cử trường hợp VWS, theo hợp đồng với TPHCM, VWS sẽ tiếp nhận rác được phân loại tại nguồn để phục vụ cho dây chuyền phân loại rác tái chế và dây chuyền sản xuất phân compost từ rác hữu cơ.

Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất phân compost (500 tấn/ngày) luôn “đói” rác qua phân loại. Mới đây VWS bỏ ra 7 triệu USD nhập một dàn máy “thông minh”, vận hành tự động, có khả năng tiếp nhận rác hỗn hợp chưa qua phân loại để sản xuất phân compost (công suất 30 tấn/giờ, tương đương 720 tấn/ngày đêm).

Dàn máy này có ưu điểm là tách các loại rác vô cơ và hữu cơ riêng biệt. Rác hữu cơ sẽ được ủ, tạo vi sinh, diệt khuẩn… sau đó tạo ra sản phẩm phân bón cho cây trồng.

Phát biểu tại một buổi hội thảo về công nghệ xử lý chất thải, ông Ngô Xuân Tiệc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư-Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cho biết: “Thủ phạm chính gây ra ô nhiễm môi trường là các nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, y tế.

Tuy nhiên, nếu biết tận dụng, chính nguồn rác thải đó sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô tận, mang lại lợi ích rất lớn cho những nhà đầu tư. Với đặc thù nguồn rác chưa phân loại ở nước ta, công ty đã tiên phong nghiên cứu, đầu tư những giải pháp công nghệ xử lý rác phù hợp (100% nội địa hóa).

Công nghệ này cho phép tách lọc rác hữu cơ, dễ phân hủy để sản xuất phân bón hữu cơ, rác hữu cơ khó phân hủy xử lý bằng cách đốt. Phế thải dẻo được nghiền thành hạt nhựa tái chế sản xuất sản phẩm ống nhựa, cọc thông minh, dải phân cách, ván coppa phục vụ cho ngành xây dựng, giao thông. Rác vô cơ được làm sạch, đóng rắn làm vật liệu san lấp”.

Trong một cuộc họp với các đơn vị thu gom rác mới đây, Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM cho biết từ ngày 1-7, TP thực hiện thu gom rác theo phân loại. Nguồn thải từ gia đình, trung tâm thương mại, khu công nghiệp-khu chế xuất phải phân loại rác sinh hoạt ra 2 loại rác hữu cơ và vô cơ.

Các đơn vị thu gom rác hữu cơ vận chuyển về Nhà máy xử lý rác Vietstar và Nhà máy xử lý rác Đa Phước (VWS) để sản xuất phân compost. Rác vô cơ sẽ được tiếp tục tái chế, phế thải không thể tái chế vận chuyển đến chôn lấp ở bãi rác Phước Hiệp.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, thời gian tới nhà đầu tư, nhà khoa học cần tìm ra các giải pháp công nghệ, thiết bị thích ứng với điều kiện thực tế chứ không thể chờ tới ngày rác được phân loại, đủ đáp ứng cho nhà máy.

Mặt khác, khi nhà đầu tư chủ động công nghệ sẽ đảm bảo sự vận hành nhà máy liên tục, khâu bảo trì, bảo dưỡng dễ dàng và quan trọng hơn là giảm giá thành xử lý rác.

(Còn tiếp)

Các tin khác