TPHCM: Thiếu đất sạch cho dự án BT

Nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng, TPHCM khuyến khích đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao, việc hoàn vốn cho chủ đầu tư thường bằng đổi đất lấy hạ tầng). Song, việc triển khai các dự án BT đang gặp trở ngại rất lớn do TPHCM thiếu đất sạch để giao cho nhà đầu tư.

Nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng, TPHCM khuyến khích đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao, việc hoàn vốn cho chủ đầu tư thường bằng đổi đất lấy hạ tầng). Song, việc triển khai các dự án BT đang gặp trở ngại rất lớn do TPHCM thiếu đất sạch để giao cho nhà đầu tư.

Chậm giải tỏa

Khó khăn đầu tiên đối với các dự án BT là tình trạng vướng mắc, trì trệ trong công tác giải phóng mặt bằng. Do khi chính quyền thu hồi đất, mặc dù giá đền bù đã cải thiện hơn trước nhưng người dân vẫn không hợp tác giao đất vì cho rằng giá bồi thường chưa sát với thị trường.

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM hiện đang là chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát (An Phú Đông, quận 12) với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức BT là CTCP ĐT-XD-TM Phú Điền.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của TPHCM nhằm xử lý nguồn nước thải ô nhiễm từ nhà máy, khu công nghiệp xen trong các khu dân cư đổ ra sông Sài Gòn thuộc địa bàn các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. UBND TP đã chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy quy mô 14ha tại phường An Phú Đông từ quý IV-2009, nhưng đến nay quận 12 vẫn chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công.

Việc tìm ra quỹ đất giao cho nhà đầu tư để họ thu hồi vốn đầu tư vào dự án BT vẫn khó khăn, vì quỹ đất TPHCM không còn nhiều. Ảnh: ANH THƯ.
Việc tìm ra quỹ đất giao cho nhà đầu tư để họ thu hồi vốn đầu tư vào dự án BT vẫn khó khăn,
vì quỹ đất TPHCM không còn nhiều. Ảnh: ANH THƯ.

Việc tìm ra quỹ đất giao cho nhà đầu tư để họ thu hồi vốn đầu tư vào dự án BT cũng là khó khăn lớn hiện nay, vì quỹ đất TP không còn nhiều. Dự án BT đường Vành đai 2 đoạn phía Nam do CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland) đầu tư là một điển hình.

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TPHCM cho hay: Vì chưa xác định được quỹ đất sạch giao cho Petroland khai thác hoàn vốn nên công ty này chưa thể hoàn chỉnh phương án tài chính dự án. Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang phối hợp với 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho 2 khu đất 150ha tại xã Long Thới và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và 129ha dọc hai bên đại lộ Võ Văn Kiệt nối dài tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) giao cho Petroland làm cơ sở tính toán giá trị đất, từ đó lên phương án tài chính cho hợp đồng BT đường Vành đai 2 đoạn phía Nam.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có kết luận thanh tra việc thực hiện các dự án BT, BOT, BTO tại TPHCM, trong đó, lưu ý: “TPHCM hiện còn khá nhiều dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chưa bàn giao hoặc bàn giao chưa đủ mặt bằng cho đơn vị thi công. Khi công tác giải phóng mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt đối với hình thức BT, BOT. Mặt khác, khi không thể triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ không chủ động được kế hoạch sản xuất - kinh doanh, không phát huy được nguồn vốn đầu tư”.

Bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư

Phần lớn dự án BT được TPHCM cam kết sẽ trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất để họ thu hồi vốn thực hiện dự án. Nhưng đến nay, do khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa có dự án nào được giao đất. Bên cạnh đó, dù danh mục dự án đã được lập từ năm 2008 nhưng do công tác phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư chậm trễ nên đã bỏ qua nhiều cơ hội trong việc thu hút đầu tư.

TPHCM hiện có 69 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bao gồm 26 dự án đã có nhà đầu tư và 43 dự án còn đang kêu gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 180.377 tỷ đồng và gần 7,86 tỷ USD. Riêng 26 dự án đã có nhà đầu tư, tổng mức đầu tư 67.776 tỷ đồng và 340 triệu USD, gồm 13 dự án BT, 9 dự án BOT và 4 dự án BT kết hợp với BOT.

Giao thông vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất (18 dự án), tiếp theo là bệnh viện, cấp thoát nước, khu thể thao - văn hóa. Trong tình hình Chính phủ đang tiến hành cắt giảm đầu tư công vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, khó có thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách.

Với khối lượng dự án có quy mô, giá trị đầu tư lớn như vậy, câu hỏi TPHCM phải làm gì để có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư thi công, hoàn vốn cho dự án BT vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Các tin khác