TPHCM: Thiếu đất sạch cho các dự án BT

Dự án BT xây cầu Sài Gòn 2 - nằm bên cạnh cầu cũ đang xuống cấp - đến nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. (Ảnh: LĐ)
Dự án BT xây cầu Sài Gòn 2 - nằm bên cạnh cầu cũ đang xuống cấp - đến nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. (Ảnh: LĐ)
Dự án BT xây cầu Sài Gòn 2 - nằm bên cạnh cầu cũ
đang xuống cấp - đến nay vẫn chưa chọn được nhà
đầu tư. (Ảnh: LĐ)

Để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi tình hình nguồn vốn ngân sách hạn chế, TPHCM đang huy động nguồn vốn bên ngoài bằng hình thức kêu gọi đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).

Trên thực tế, với hình thức đầu tư BT hiện nay, TP đang gặp không ít khó khăn do thiếu quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư.

Trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 13 dự án đã có nhà đầu tư đề xuất đầu tư bằng hình thức BT, trong đó có khoảng 3 dự án đang trong quá trình triển khai thi công. Theo các hợp đồng dự án, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư thi công thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

UBND TPHCM đã giao cho UBND các quận, huyện có dự án đi qua triển khai thực hiện, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện rất chậm.

Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng chưa thực hiện đầy đủ các cam kết với các nhà đầu tư nên gây chậm trễ trong triển khai đầu tư, ảnh hưởng đến việc khai thác công trình, thực hiện dự án khác để thu hồi vốn của các nhà đầu tư.

Một số dự án BT đã triển khai thi công cách đây vài năm, song tính đến thời điểm hiện nay, rất hiếm có nhà đầu tư dự án BT nào được UBND TPHCM giao đất sạch (đất đã giải tỏa xong mặt bằng), để thực hiện dự án khác hoàn vốn cho dự án BT.

Tại cuộc họp mới đây về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng Xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho rằng TP hiện đang kêu gọi đầu tư dưới nhiều hình thức vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, như: Các dự án đường sắt đô thị, các đoạn tuyến đường vành đai số 2, 3, đường trên cao...

Tuy nhiên, do quỹ đất TP không còn nhiều, nên làm ảnh hưởng đến công tác kêu gọi đầu tư một số dự án có hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT).

Cụ thể, trường hợp dự án vành đai 2 phía Nam vừa qua, do quỹ đất sạch đổi cho nhà đầu tư khai thác hoàn vốn chưa được xác định, nên nhà đầu tư chưa hoàn chỉnh được phương án tài chính của dự án, khiến tiến độ triển khai lập dự án cũng kéo dài.

Qua đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường nghiên cứu, đề xuất quỹ đất để phục vụ các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là hình thức BT.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây, để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư BT các dự án, UBND TPHCM cần chủ động trong việc xác định quỹ đất công hoặc khu đất có tính khả thi trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện cam kết với nhà đầu tư.

Bởi lẽ, trên thực tế tuy mới chỉ có 3 dự án đầu tư (đang triển khai thi công) theo hình thức hợp đồng BT, với tổng vốn đầu tư 3.982 tỷ đồng và 340 triệu USD, nhưng TP đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khác để hoàn vốn đầu tư.

Đoàn kiểm tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cảnh báo, trong giai đoạn tới, UBND TPHCM dự kiến triển khai thêm 43 dự án BT - có tổng mức đầu tư 85.881 tỷ đồng và 6.100 triệu USD; 10 dự án BT kết hợp với BOT có tổng mức đầu tư 78.542 tỷ đồng và 620 triệu USD - một nguồn vốn khổng lồ cần huy động.

Vì vậy, nếu TP không chủ động bố trí được quỹ đất để thực hiện dự án khác hoàn vốn cho các nhà đầu tư, có thể sẽ dẫn đến việc mất cân đối trong ngân sách dành cho đầu tư phát triển của TPHCM.

Các tin khác