TPHCM - Thiết kế không gian mở, hài hòa

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đang nỗ lực xây dựng TP văn minh, hiện đại, thân thiện, xứng đáng là TP mang tên Bác. Hàng loạt công trình kiến trúc và hạ tầng đô thị như giao thông, cải tạo nhà ven kênh rạch đã được xây dựng, làm cho bộ mặt TP ngày một khang trang. Nhưng làm thế nào để TPHCM có không gian mở, kết nối giữa các công trình xây dựng, công viên, công trình kiến trúc? ĐTTC đã trao đổi với KTS. NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đang nỗ lực xây dựng TP văn minh, hiện đại, thân thiện, xứng đáng là TP mang tên Bác. Hàng loạt công trình kiến trúc và hạ tầng đô thị như giao thông, cải tạo nhà ven kênh rạch đã được xây dựng, làm cho bộ mặt TP ngày một khang trang. Nhưng làm thế nào để TPHCM có không gian mở, kết nối giữa các công trình xây dựng, công viên, công trình kiến trúc? ĐTTC đã trao đổi với KTS. NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá sự phát triển đô thị của TPHCM trong thời gian qua như thế nào?

KTS. NGUYỄN TRƯỜNG LƯU: - Trong kiến trúc, người ta nói đến cái đẹp của không gian kiến trúc. Khi nói đến một đô thị, người ta nói đến không gian quy hoạch, không gian đô thị, giữa công trình này với công trình kia nối kết như thế nào để tạo ra một không gian hài hòa, đẹp. Trước kia, TP Sài Gòn được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, do lúc đó người Pháp đã quan tâm quy hoạch Sài Gòn, tạo ra một không gian đô thị hài hòa. Về sau, do chiến tranh và nhu cầu phát triển nên sự hài hòa đó bị mất dần.

Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta bắt đầu xây dựng TP trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sức ép tăng dân cư ngày càng lớn. Hiện nay, TPHCM đã có những công trình xây dựng hiện đại, đẹp, đẳng cấp khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, có những công trình đẹp chưa hẳn đã có một đô thị đẹp. Giới chuyên môn thường nhận xét TPHCM có nhiều công trình đẹp nhưng khi đứng gần nhau vẫn có gì đó chưa đẹp. Điều này có nghĩa các công trình chưa được nghiên cứu xây dựng trong một tổng thể chung. Đó là thiếu bàn tay thiết kế đô thị, lâu nay trong quản lý quy hoạch chúng ta thiếu vắng sự kết nối giữa các công trình, giữa các không gian đô thị.

Gần đây lãnh đạo TPHCM đã nhận thức được vấn đề này và rất chú ý đến thiết kế đô thị khi triển khai những công trình quan trọng. Cụ thể, lãnh đạo TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM thiết kế đô thị trên 3 tuyến đường mới: đại lộ Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội mở rộng và tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Trong trung tâm TP rất cần có những khoảng không để tạo ra không gian trong đô thị. Khi xây dựng, phát triển một TP, cần biết người dân muốn có một TP thanh bình với những khoảng không cây xanh, công viên để thư giãn, hay một TP với những tòa nhà chọc trời để chứng tỏ mình.

- Hồn của mỗi đô thị là công viên, tượng đài, các công trình kiến trúc đặc thù như sông hồ… TPHCM đã làm gì để chăm chút điều này?  

Khu tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi vừa là không gian tâm linh, vừa là không gian mở. Ảnh: ANH THƯ

Khu tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi vừa là không gian tâm linh,
vừa là không gian mở. Ảnh: ANH THƯ

- Trong quy hoạch phát triển, TPHCM đã chú trọng tạo nên những không gian xanh trên địa bàn TP theo hướng mở, xây dựng các khu vui chơi giải trí, hoặc tạo ra những không gian tâm linh để người dân đến đó dạo chơi, thư giãn và cảm nhận.

Sau năm 1975, TP đã cải tạo một số nghĩa trang cũ thành công viên, tạo thêm nơi vui chơi giải trí cho người dân (công viên Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám). TP cũng quyết định dỡ bỏ tường rào ở các công viên để tạo thế mở, tạo cảm giác không gian xanh tràn ra tận đường phố và mọi người có quyền hưởng thụ chứ không của riêng ai.

Khu tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi, Công viên Văn hóa - Lịch sử dân tộc tại quận 9, tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức… vừa là không gian tâm linh vừa là không gian mở. TP đã giao cho Hội Kiến trúc sư và một số đơn vị khác nghiên cứu hệ thống tượng và tượng đài trên địa bàn TP. Qua đó khảo sát công trình nào cần xây mới, hoặc cần bảo tồn, sửa chữa, nâng cấp trong thời gian tới.

- Thưa ông, trong tình hình đất đô thị trở thành đất vàng, hẳn việc dành đất cho công viên, vườn, tượng đài, khu vui chơi giải trí… không dễ?

- TPHCM hiện có đến gần 10 triệu dân trên một nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình phúc lợi chỉ đủ đáp ứng cho 3 triệu dân. Trong thời gian qua, mặc dù TP đã đầu tư lớn cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và dân cư. Trong quá trình phát triển đô thị, áp lực dành đất đai cho phát triển kinh tế rất lớn, nhất là tại các quận nội thành. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, cần xác quyết yêu cầu phải giữ tỷ lệ đất cho không gian xanh, cho không gian đô thị có tầm nhìn rộng hơn.

Tôi cho rằng dù khó nhưng không phải chúng ta không làm được. Khi duyệt quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, TP đều yêu cầu chủ đầu tư phải hạn chế mật độ xây dựng, dành diện tích đất cho công viên cây xanh, sông hồ. Hiện nay trong nội thành có nhiều khu đô thị cần phải chỉnh trang, cũng cần yêu cầu chủ đầu tư phải cắt lại một phần diện tích thích hợp cho cây xanh, chứ không thể để dự án mới hoàn thành đã thấy lạc hậu vì không gian tù túng, không đẹp.

Ngoài ra, trong quá trình chỉnh trang cũng cần có một “nhạc trưởng” để tạo sự kết nối giữa các công trình, cụm đô thị. Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng công trình nào chỉ được nghiên cứu trên phần đất dự án đó, chứ chưa có sự gắn kết với các công trình xung quanh. Thí dụ sắp tới dự án tứ giác trước chợ Bến Thành sẽ được triển khai với những tòa nhà chọc trời; khu vực Bệnh viện Sài Gòn cạnh đó các tòa nhà cao tầng cũng sẽ được xây dựng. Cần phải nghiên cứu thấu đáo các dự án trong một tổng thể, không thể mạnh ai nấy “tấu”, không có nhạc trưởng. Mới đây tòa nhà Bitexco rất hiện đại được hoàn thành, nhưng trên thế giới, kiểu công trình này không đứng một mình như vậy. Sẽ như thế nào nếu như sau này có một công trình cao ốc khác là một khối tam giác?

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác