TPHCM tăng tốc hai dự án Metro

(ĐTTCO) - Sau những lùm xùm về nhân sự tại Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư 2 dự án metro số 1 và metro số 2), cũng như chủ đầu tư gặp một số “trục trặc” với nhà thầu. 
Mới đây lãnh đạo TPHCM cũng như lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị đã hạ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện làm việc cho cán bộ… nhằm đẩy nhanh tiến độ để đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) vào sử dụng năm 2020, và metro số 2 (Bến Thành- Tham Lương) hoàn thiện các thủ tục để đấu thầu tư vấn, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa… 
Cán bộ, nhân viên đã trở lại làm việc
Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã giao cho Sở Tài chính xem xét, trình UBND TP để cán bộ, nhân viên tại đây có thể hưởng chế độ tăng thu theo Nghị quyết 03 của HĐND TP (áp dụng theo Nghị quyết 54 của Quốc hội), ngoài ra cán bộ nhân viên làm thêm tại đây được hưởng thêm mức thu nhập thêm 2.27.
 Đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng như các quận huyện có dự án đi qua phải đẩy nhanh tốc độ làm việc, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công, những vấn đề khó khăn nào không thuộc thẩm quyền giải quyết thì báo cáo hoặc kiến nghị ngay cho lãnh đạo TP để tìm cách giải quyết.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP
Ông Tuyến cho rằng “ anh em làm việc ở đây chỉ được 1 số năm, khi dự án hoàn thành có thể Ban Quản lý không còn nữa hoặc giảm nhân sự nhiều, lúc đó coi như họ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Do đó phải tạo điều kiện tốt để anh em yên tâm làm
việc”. 
Sau một thời gian có nhiều cán bộ, nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc, mới đây nhiều nhân sự chủ chốt của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM rút đơn, quay trở lại làm việc.
Cụ thể, ông Dương Hữu Hòa (nguyên Chủ tịch công đoàn, Giám đốc Ban quản lý dự án 1, thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM), đã quay lại làm việc sau khi xin nghỉ việc với lý do đi chữa bệnh. Bên cạnh đó, ông Phan Nhật Linh, Trưởng phòng Kế hoạch Hợp đồng và cấp phó của Ban quản lý dự án 1 cũng xin trở lại làm việc tại ban này. Trước đó, có đến 55 cán bộ, nhân viên ở Ban quản lý dự án xin nghỉ việc. 
Tân Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM ông Bùi Xuân Cường cho biết, sẵn sàng tiếp nhận những cán bộ có nhiều năng lực, kinh nghiệm và am hiểu thông lệ quốc tế trở lại làm việc, và sẵn sàng tiếp nhận thêm nhiều nhân sự mới.
TPHCM tăng tốc hai dự án Metro ảnh 1 Tuyến metro số 1 kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng năm 2020. 
Theo ông Cường, sắp tới khi cấp thẩm quyền cấp vốn bổ sung cho dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), rất cần nhiều kỹ sư đảm nhiệm các công việc để đưa tuyến metro số 1 vào vận hành và chuẩn bị triển khai thi công tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (quận 12, TPHCM).

Tháo gỡ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ
Mới đây, Trung ương cũng đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 và số 2 lên 95.000 tỷ đồng. Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng vừa kiến nghị UBND TPHCM tạm ứng đợt 1 năm 2019 là 2.248 tỷ đồng, để thanh toán và tạm ứng 80% cho các nhà thầu đã thực hiện công trình trong năm 2018.
 Sau khi “tiếp quản”, Ban Quản lý đã gặp gỡ các nhà thầu, lắng nghe những khó khăn, tìm cách tháo gỡ. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, các đơn vụ sẽ tổ chức ra quân thi công với cường độ cao nhất. Tất cả vì mục tiêu đến năm 2020 dự án metro số 1   phải hoàn thành để đưa vào sử dụng. 
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị
Cho đến nay dự án tuyến metro số 1 tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 62%, một số gói thầu đạt tỷ lệ cao như gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 79,6%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt 71%; gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 54,4%... 
Trong năm 2018, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến đều chỉnh tổng mức đầu tư, nên dự án không được Bộ KH-ĐT giao vốn cấp phát (vốn ODA), TP đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng. Tính tổng cộng cho đến nay, TP đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng và được hoàn trả 600 tỷ đồng. Để đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng, Ban Quản lý Đường sắt đô thị  kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục tạm ứng từ ngân sách TP để thanh toán cho các gói thầu đã thực hiện nhưng chưa giải ngân trọng năm 2018. 
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, dự án đã được cấp thẩm quyền điều chỉnh tăng vốn tổng mức đầu tư; trong thời gian tới lãnh đạo TP sẽ tạo mọi điều kiện để cho nhà thầu thi công; việc tạm ứng theo đề nghị của Ban Quản lý đường sắt đô thị đề nghị hoàn thiện các thủ tục cần thiết, hạng mục cụ thể để TP xem xét giải quyết sớm nhất; TP cũng sẽ xem xét tạo điều kiện để cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Đường sắt đô thị yên tâm làm việc… 
Đối với dự án metro số 2, có 602 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích 251.136m2, đến nay đã có 105 trường hợp nhận tiền bồi thường nhưng mới có 54 trường hợp bàn giao mặt bằng. Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo, trong lúc chờ cấp thẩm quyền hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, đề nghị các quận huyện đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, công tác tái định cư cho người dân; chuẩn bị thủ tục mở thầu các gói thầu tư vấn… để đẩy nhanh dự án trong thời gian tới. 

Các tin khác