TPHCM kiến nghị trung ương hàng loạt vướng mắc

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các bộ, ngành Trung ương cuối tuần qua, đại diện lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Trung ương tháo gỡ hàng loạt chính sách, dự án cụ thể cho TP. 

Phân cấp quản lý một số lĩnh vực
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nêu 13 nhóm nội dung đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gỡ vướng cho TPHCM. Cụ thể, kiến nghị Trung ương chấp thuận chấm dứt thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC); chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP thực hiện thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệpTPHCM. 
 Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề về cơ chế chính sách chưa rõ, làm cho TPHCM gặp trở ngại khó khăn. Chính vì vậy, các cơ quan Trung ương cùng TPHCM tháo gỡ, tạo điều kiện cho TPHCM hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề Đảng, Nhà nước giao; đặc biệt tạo cơ chế giao quyền mạnh mẽ hơn cho TPHCM phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 
Về dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, phối hợp TP sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án theo hiệp định vay đã ký, theo tiến độ thực hiện và theo quy định của Luật Đầu tư công. 
Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Qua rà soát bước đầu, TP đề xuất các nội dung phân cấp cho TP thực hiện: phân cấp cho Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở (trừ phần thiết kế công nghệ) dự án đầu tư xây dựng công trình cấp I trở lên (trừ công trình cấp đặc biệt); phân cấp cho Sở Xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước) của công trình cấp I; phân cấp cho các sở quản lý chuyên ngành trực thuộc UBND TP được phép chủ trì thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng các công trình do UBND TP quyết định đầu tư kể cả dự án nhóm A, công trình cấp đặc biệt.
 
Xem xét, bãi bỏ khung giá đất tối thiểu
Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư, TP kiến nghị xem xét, điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án sau khi đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, không phụ thuộc mốc thời gian 31-10 năm trước năm kế hoạch, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công đã được phê duyệt. Kiến nghị phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện, và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài theo Điều 76 Luật Đầu tư công.
 Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP thực hiện thí điểm quy trình rút gọn trong công tác bồi thường, tái định cư, giao đất theo quy trình mới. Điều này nhằm khắc phục sự chậm trễ trong bồi thường, bàn giao mặt bằng, thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hội đồng định giá tài sản vận dụng quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện thuê doanh nghiệp thẩm định giá, theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, không cần trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định theo quy định.
Cho phép Hội đồng định giá tài sản thực hiện việc chia tài sản thẩm định giá thành các gói thầu, và thuê các doanh nghiệp do hội đồng lựa chọn trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc định giá tài sản. 
TP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành kèm theo Nghị định 104 ngày 14-11-2014 của Chính phủ làm cơ sở, để TPHCM thực hiện xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, tránh thất thu thuế nhà đất đối với các trường hợp áp dụng theo bảng giá đất.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 44 ngày 15-5-2014 của Chính phủ, về thời kỳ ổn định của bảng giá đất là 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế giá đất thị trường biến động thường xuyên, quy định về kỳ ổn định 5 năm của bảng giá đất chưa phù hợp. TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định này. 
TPHCM kiến nghị trung ương hàng loạt vướng mắc ảnh 1 Tuyến đường sắt đô thị số 1 hiện nay đang vướng nguồn vốn giải ngân. 
Cho phép chỉ định chủ đầu tư dự án NoTM 
Về lĩnh vực xây dựng, TP kiến nghị cho phép UBND TP được chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại (NoTM); chỉ đạo các bộ ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, thống nhất xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng NoTM không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở; cho phép thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (sáp nhập từ lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng và Quản lý trật tự đô thị).
Chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM; đồng thời cho phép TP tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án. 
Liên quan đến nội dung xác định ranh phần đất diện tích khoảng 4,3ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An, quận 2, UBND TP đã làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Do tính chất đặc thù của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,39ha để TP triển khai các chính sách đền bù, hỗ trợ 321 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân khi triển khai thực hiện.
UBND TP còn kiến nghị một số nội dung đối với các dự án cụ thể ngoài quy định theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Cụ thể, dự án 1.330 căn hộ tại Khu dân cư 38,4ha phường Bình Khánh, quận 2 (nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm), cho phép TPHCM không mua lại quỹ nhà, chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án NoTM và TPHCM sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường để thu tiền sử dụng đất.
Dự án khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đề xuất cho phép TP giảm quy mô dự án (từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỷ USD giảm còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD) vì các lô còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng; rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.
Ngoài ra, một số lĩnh vực như giao thông, du lịch… cũng được UBND TP kiến nghị. Cụ thể, TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM và cho phép TPHCM tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; cho phép chuyển đổi công năng, quy hoạch toàn bộ 1.800m cầu cảng tại khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội thành cảng hành khách phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch. 

Các tin khác