TPHCM: Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai

(ĐTTCO) - Nguồn lực đất đai được TPHCM khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả, thu hút số lượng lớn vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế. Nguồn thu từ đất đai và BĐS đã đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội TP.
Góp phần thay đổi diện mạo đô thị
Trong báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TPHCM nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM đánh giá, đối với ngành kinh doanh BĐS, nguồn lực đất đai được TP khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, thu hút số lượng lớn vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế. Đáng nói, nguồn thu từ đất đai và bất động sản đóng góp rất lớn vào ngân sách, góp phần tích cực phát triển kinh tế TP.
 Thị trường BĐS đã thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh; nhiều dự án phát triển đô thị, dự án khu nhà ở được đầu tư xây dựng trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển chính ở các hướng Đông, Nam và Đông Nam, phù hợp với định hướng phát triển chung của TP, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các khu vực với nhau.
Theo UBND TP, thị trường BĐS phát triển, trong đó có cả nhà ở, đã góp phần rất quan trọng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn TP đã tăng lên đáng kể, từ mức 17,32m2/người năm 2015, nânglên18,82m2/người năm 2017.
Qua đó đã thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP. Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, nhiều dự án phát triển đô thị, khu nhà ở, BĐS được đầu tư xây dựng trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển chính ở các hướng Đông, Nam và Đông Nam, phù hợp với định hướng phát triển chung của TP, tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa các khu vực với nhau.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được xây dựng đồng bộ, đảm bảo về chất lượng. Sản phẩm nhà ở đa dạng về chủng loại, không chỉ giải quyết khá tốt nhu cầu chỗ ở, nâng cao điều kiện sống cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, bộ mặt TP ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. 
Bên cạnh đó, hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng… cũng phát triển cả về quy mô cũng như tính đồng bộ, hiện đại, đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập cơ sở hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, thu hút nguồn nhân lực lao động, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các chủ thể tham gia thị trường BĐS từng bước được hoàn thiện, góp phần cho thị trường phát triển. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong nước, cũng như nước ngoài, các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho thị trường BĐS như các sàn giao dịch, thông tin, công chứng, đăng ký sở hữu, dịch vụ tư vấn, môi giới, quản lý BĐS ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng.
TPHCM: Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai ảnh 1 Thị trường BĐS đóng góp rất lớn vào ngân sách TP.
Thị trường BĐS còn thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá lớn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, vốn FDI đổ vào thị trường BĐS tại TP đạt 216,3 triệu USD. Tính đến hết năm 2017, toàn TP có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Không chỉ thu hút tốt FDI, thị trường BĐS TPHCM còn thu hút rất mạnh nguồn kiều hối gửi về nước.
Trong khi mức kiều hối trung bình cả nước hàng năm ở mức trên dưới 10 tỷ USD, riêng TPHCM đã chiếm khoảng 50%, trong đó có khoảng 21% đầu tư vào BĐS. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS là Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh BĐS tương tự nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài được tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Tạo môi trường minh bạch, thông thoáng
Thị trường BĐS TPHCM sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng, đã phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay. Thị trường có mối quan hệ mật thiết với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP của cả nước và tăng trưởng GRDP của TP.
Năm 2015, thị trường bất động sản đã đạt mức tăng trưởng cao; năm 2016 có sự sụt giảm nhẹ; năm 2017 tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước. Từ đầu năm đến nay thị trường tập trung phát triển mạnh hơn phân khúc nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng. Phân khúc nhà ở trung cấp và nhà ở bình dân chiếm tỷ trọng khoảng 60-70% thị trường, là phân khúc chủ đạo có tính thanh khoản cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.
Để thị trường BĐS phát triển ổn định, TP vừa có kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng... theo hướng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh BĐS minh bạch, thông thoáng, lành mạnh, bình đẳng.
Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu tiền sử dụng đất vừa đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá thị trường, vừa phù hợp với khả năng tài chính của người dân và không để tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chịu khi mua nhà.
Cùng với đó cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy trình công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng cấp 1. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý các sản phẩm BĐS mới như condotel, officetel, hometel, shophouse, đảm bảo phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Các tin khác