TPHCM: Ì ạch dự án bãi xe ngầm

Hơn chục năm qua, chính quyền TP đã kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các dự án bãi đậu xe ngầm. Dù một số nhà đầu tư rất tâm huyết muốn nhảy vào lĩnh vực còn khá mới mẻ và tiềm năng này, nhưng đáng tiếc vẫn chưa có bãi xe ngầm nào được đưa vào xây dựng, khai thác.

Hơn chục năm qua, chính quyền TP đã kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các dự án bãi đậu xe ngầm. Dù một số nhà đầu tư rất tâm huyết muốn nhảy vào lĩnh vực còn khá mới mẻ và tiềm năng này, nhưng đáng tiếc vẫn chưa có bãi xe ngầm nào được đưa vào xây dựng, khai thác.

Nhiều nhà đầu tư rút lui

Khu vực nội thành TPHCM nhiều năm qua thiếu bãi đậu xe trầm trọng, đặc biệt là ô tô. Dọc các tuyến đường như Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes, Phạm Ngọc Thạch, Cống Quỳnh... ô tô đậu dưới lòng lề đường, thậm chí bít luôn cả vỉa hè dành cho người đi bộ. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch than phiền việc đưa đón hành khách đến các điểm tham quan du lịch ở khu vực trung tâm TP gặp nhiều khó khăn do thiếu bãi đậu xe.

Nguyên nhân khiến các dự án bãi xe ngầm bế tắc do khâu thủ tục quá rườm rà khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí. Về mức thu phí, TP cũng chỉ cho nhà đầu tư áp dụng thu phí như những bãi giữ xe công cộng khác. Trong khi những bãi xe này được địa phương cấp phép sử dụng lòng, lề đường để giữ xe, hoàn toàn không tốn chi phí đầu tư đất, xây dựng. Vốn đầu tư cho những dự án bãi xe ngầm rất lớn nhưng vì mức thu phí quá thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, đã ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn vay.

NGUYỄN THỊ BẢO QUỲNH,
Phó TGĐ Tập đoàn Đông Dương

Từ năm 2005, UBND TPHCM quy hoạch gần 10 địa điểm có thể xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm TP, gồm Công viên Lê Văn Tám, Sân vận động Tao Đàn, Công viên Chi Lăng, Sân vận động Hoa Lư, Sân khấu Trống Đồng, Công trường Lam Sơn, Công viên Bách Tùng Diệp, khu vực số 116 Nguyễn Du, bờ sông Sài Gòn dọc theo bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ. Cụm bãi đậu xe ngầm này có tổng mặt bằng khoảng 150.000m2, đáp ứng chỗ đậu xe cho khoảng 8.000 ô tô và 6.500 xe máy.

Vị trí của những địa điểm quy hoạch làm bãi xe ngầm được xem khá đắc địa, nằm trong những khu phố sầm uất với hệ thống trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, trường học, cao ốc văn phòng và căn hộ.

Do đó, ngay từ khi chính quyền TP công bố các địa điểm xây dựng bãi đậu xe, nhất là khi thị trường BĐS nóng lên ở giai đoạn 2006-2007, nhiều nhà đầu tư đã rất hăm hở muốn giành lấy những BĐS vàng hiếm hoi trong lòng TP này.

Đầu tư bãi xe ngầm dù được đánh giá khá hấp dẫn nhưng để hiện thực hóa các dự án theo kế hoạch, mục tiêu đề ra trên thực tế không đơn giản. Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đều là những nhà đầu tư tâm huyết, kiên trì với các dự án bãi xe ngầm trên địa bàn TP.

Dù vậy, cuối năm 2014, Đông Dương đã quyết định rút khỏi dự án tại sân Hoa Lư với vốn đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng. Trong khi đó IDICO cũng xin rút dự án bãi đậu xe ngầm tại sân Tao Đàn với mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng.

Kỳ vọng Vingroup

Ngoài 2 bãi xe Hoa Lư và Tao Đàn chủ đầu tư xin rút, đến thời điểm này chỉ còn bãi xe tại Công viên Lê Văn Tám và Sân khấu Trống Đồng đang được triển khai nhưng tiến độ cũng rất chậm. Như dự án bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại tại Công viên Lê Văn Tám do CTCP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư, đến nay vẫn án binh bất động dù đã động thổ cách đây 5 năm. Dự án này ban đầu có tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD nay đã tăng lên gấp đôi vì trượt giá.

Ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc IUS, cho biết dự án chưa thể thi công do thiết kế PCCC phải chỉnh sửa, cập nhật nhiều lần, dẫn đến thiết kế cơ sở cũng phải điều chỉnh. Hiện các vướng mắc về PCCC đã được tháo gỡ, nhưng khi nào thi công còn phải chờ các sở, ngành điều chỉnh giấy phép đầu tư xây dựng, chờ di dời tượng đài Lê Văn Tám.

Tương tự, dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân khấu Trống Đồng do Đông Dương làm chủ đầu tư, hiện cũng vướng về các thủ tục triển khai. Dù được phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công vì vấp phải nhiều rào cản, đặc biệt ở khâu phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, điều chỉnh thiết kế dự án.

Để xác định đơn giá thuê đất dự án bãi đậu xe ngầm này, Sở Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trình hồ sơ thiết kế do Sở Xây dựng thẩm định. Nhưng để xác định thiết kế cơ sở của dự án này, Sở Xây dựng yêu cầu phải có hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ô tô đậu chen chúc phía trước hành lang Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: M.Tuấn

Ô tô đậu chen chúc phía trước hành lang Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: M.Tuấn

Trong khi đó, ngay sau khi Đông Dương xin rút khỏi dự án tại khu vực sân Hoa Lư, Tập đoàn Vingrourp đã trình UBND TPHCM phương án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại đây. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên cơ sở hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến trên 3.300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay thương mại.

Nếu dự án được phê duyệt, giới chuyên môn kỳ vọng Vingroup sẽ làm nên một cuộc cách mạng bãi xe ngầm bằng tiềm lực tài chính mạnh và uy tín trên thị trường.

Theo thống kê, số lượng phương tiện giao thông trên địa bànTPHCM khoảng 7 triệu xe cơ giới, bình quân mỗi ngày có thêm 1.000 xe gắn máy và 100 xe ô tô đăng ký mới, gây áp lực cho hạ tầng giao thông nói chung và bãi đậu xe nói riêng.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền TP đã nhiều lần yêu cầu các sở, ngành liên quan đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, quy hoạch, thuế, mức thu phí đậu xe để đẩy nhanh thực hiện các dự án. Đối với các dự án trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư, nghiên cứu loại hình đầu tư phù hợp như PPP, BT, BOT. 

Các tin khác