TPHCM hủy bỏ dự án chậm triển khai

Ngày 18-2, lãnh đạo UBND TPHCM đã chấp thuận phương án phân loại, xử lý các dự án (DA) chậm triển khai trên địa bàn TP của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đề xuất.

Ngày 18-2, lãnh đạo UBND TPHCM đã chấp thuận phương án phân loại, xử lý các dự án (DA) chậm triển khai trên địa bàn TP của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đề xuất.

Theo phương án do Sở TN-MT đề xuất, các DA do UBND TP chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư hoặc thống nhất một số chỉ tiêu quy hoạch để thực hiện nghiên cứu đầu tư, nhưng chưa có báo cáo kết quả nghiên cứu hoặc không được xem xét chấp thuận về chủ đầu tư sẽ bị hủy bỏ.

Các DA do UBND quận/huyện, Ban quản lý Khu Nam chấp thuận, thỏa thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư hoặc chấp thuận vị trí địa điểm quy hoạch thực hiện DA nhưng đến nay chưa thực hiện, chưa có chủ trương chính thức của UBND TP và của Sở TN-MT cũng bị hủy bỏ. Đối với các DA nhà ở đã được chấp thuận địa điểm đầu tư, UBND TP chấp thuận chủ trương hủy bỏ các DA có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích.

Các trường hợp còn lại được gia hạn lần cuối đến hết năm 2013. Đối với các DA sản xuất kinh doanh, Sở TN-MT sẽ phối hợp với tổ công tác đề xuất UBND TP xử lý trong quý I-2013. Đối với các DA phúc lợi công cộng, UBND quận/huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND TP cũng sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, thu hồi đất các DA phát triển nhà ở, DA sản xuất kinh doanh có tiến độ bồi thường dưới 50%. Sở TN-MT sẽ phối hợp với tổ công tác phân loại, tổ chức các đoàn kiểm tra từng quận/huyện; công bố danh mục DA đã qua rà soát; phấn đấu trong quý I-2013 không còn dự án chậm triển khai trên địa bàn TP.

Các dự án chậm triển khai sẽ bị hủy trong quý I- 2013 để xóa bỏ tình trạng tràn lan dự án "treo" trên địa bàn TPHCM. Ảnh: H.C 

Các dự án chậm triển khai sẽ bị hủy trong quý I- 2013 để xóa bỏ tình trạng
tràn lan dự án "treo" trên địa bàn TPHCM. Ảnh: H.C 

Trước đó, đầu tháng 12-2012, UBND TPHCM đã yêu cầu các quận/huyện thông báo công khai cho người dân, chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm đối với 29 DA nhà ở chậm triển khai trên địa bàn TP với tổng diện tích khoảng 380ha (TP hiện có 254 DA nhà ở được chấp thuận địa điểm đầu tư với diện tích gần 2.035ha).

Những DA bị xóa phần lớn do triển khai quá lâu, nhưng tỷ lệ bồi thường giải phóng mặt bằng dưới 50%. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn 3 DA có tỷ lệ bồi thường dưới 50% nhưng được gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, 54 DA bồi thường từ 50% đến dưới 80%, 49 DA bồi thường được từ 80% đến dưới 100%, 119 DA bồi thường được 100%.

DA nào bồi thường từ 50% đến dưới 100% sẽ được gia hạn lần cuối cùng với thời hạn khung không quá 12 tháng. DA nào có tỷ lệ bồi thường 100% hoặc các DA chủ đầu tư thuê đất của Nhà nước có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng để thực hiện DA thì các sở, ngành, UBND quận/huyện có thông báo, hướng dẫn chủ đầu tư tiếp tục triển khai theo quy định.

Trong vài năm trở lại đây, bên cạnh những công trình đưa vào khai thác có hiệu quả, TP đã thu hồi hàng trăm DA nhà ở, sản xuất kinh doanh, công trình phúc lợi.. do chủ đầu tư thi công ì ạch, cạn vốn, lợi nhuận thấp, vướng mắc giải phóng mặt bằng hoặc vì lý do thị trường bất động sản không thuận lợi.

Việc DA ít nhiều đã triển khai bị thu hồi rõ ràng gây thiệt hại cho nhà đầu tư, bởi họ đầu tư tiền bạc, công sức vào DA trong nhiều năm. Song, nếu cộng thêm thiệt hại của người dân, nhất là các hộ dân sống trong các DA “treo” với tình trạng nhà cửa xiêu vẹo, dột nát không được sửa chữa; thiếu điện, nước sinh hoạt; ô nhiễm môi trường; quyền lợi hạn chế suốt nhiều năm trời thì mức độ thiệt hại, lãng phí còn tăng lên gấp bội.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản không được kỳ vọng nhiều, quyết tâm xóa bỏ những DA nhà ở chậm triển khai không chỉ nhằm cởi trói cho người dân, mà còn giải tỏa sự bế tắc cho các nhà đầu tư.

Dù vậy, vấn đề là sau khi xóa bỏ DA “treo”, nhà cửa, đất đai thuộc phạm vi quy hoạch trước đây có được trả lại để người dân ổn định cuộc sống hay Nhà nước vẫn giữ lại hoặc giao cho một nhà đầu tư khác vẫn đang là nỗi boăn khoăn của nhiều người dân.

Các tin khác