TPHCM hình thành 2 đô thị vệ tinh

Lãnh đạo TPHCM cũng như Trung ương đã có chủ trương phát triển TPHCM thành một “siêu đô thị” đa cực. Theo đó, xây dựng các đô thị vệ tinh bên cạnh các quận nội thành nhằm tạo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực cũng như giải bài toán giao thông cho TP.

Lãnh đạo TPHCM cũng như Trung ương đã có chủ trương phát triển TPHCM thành một “siêu đô thị” đa cực. Theo đó, xây dựng các đô thị vệ tinh bên cạnh các quận nội thành nhằm tạo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực cũng như giải bài toán giao thông cho TP.

Chiếc áo cũ quá tải

Nếu nhìn vào bản đồ và số liệu thống kê của TPHCM, mật độ dân số trung bình không phải quá cao, khoảng 3.000 người/km2, với hơn 8 triệu người trên diện tích 2.100km2. Nhưng trên thực tế gần 90% diện tích của TP có số lượng người sinh sống rất thấp, toàn bộ diện tích của 5 huyện ngoại thành, trong đó lớn nhất là Cần Giờ (72km2) chỉ chứa 900.000 dân.

Hơn 7 triệu người còn lại được nén vào 170km2 của 12 quận nội thành. Số người tập trung dày đặc nhất chỉ bó hẹp trong vành đai 1 (trong bán kính 7km2 tính từ Bưu điện TP) với diện tích chừng 70km2.

2 đô thị vệ tinh phía Tây Bắc và phía Nam của TPHCM có thể chưa giải quyết hết được các vấn nạn đang diễn ra ở trung tâm, nhưng đó cũng là những tín hiệu tốt mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ vươn ra bên ngoài, thoát ra khỏi cái áo đã quá chật chội để hình thành nên mạng lưới đô thị ngay bên trong TP.

Bất kỳ người nào đến TPHCM cũng dễ dàng nhận thấy khối lượng vật chất, cơ sở dịch vụ xã hội, con người được dồn nén vào trong một diện tích quá hẹp. Hơn 98% tòa nhà cao tầng được dồn vào quận 1 và 3. Tất cả công sở hành chính - chính trị quan trọng nhất của TP cũng như các trường đại học, cơ quan ngoại giao, ngân hàng, bệnh viện, thị trường chứng khoán, siêu thị, các cơ quan đại diện nước ngoài, công ty xuyên quốc gia… đều tập trung ở đây.

Chính vì vậy thảm họa kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải số dân, quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cầu đường); thiếu cây xanh, thiếu dịch vụ đã đến mức đỉnh điểm.

Điều này còn do TPHCM là một trong những TP ít ỏi còn lại của thế giới vẫn ở trong mô hình phát triển đơn cực, không có TP vệ tinh, không có các TP thứ cấp chia sẻ với trung tâm chính. Vài năm trở lại đây, cũng có lúc TP cố gắng coi khu Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm đang hình thành là các TP vệ tinh, nhưng sự thật Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm chỉ là phần mở rộng, cơi nới của trung tâm TP. Bởi Thủ Thiêm cách quận 1 chỉ là dòng sông Sài Gòn chưa đến 1.000m, còn Phú Mỹ Hưng cũng chỉ cách trung tâm chưa đến 3km. Việc nén các tổ chức vật chất và tổ chức xã hội vào một điểm thực sự là sai lầm lớn nhất trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Những khởi động bước đầu

Từ năm 2005, trước áp lực thực tế và sự đòi hỏi của xã hội về việc phải có sự thay đổi về quy hoạch ở khu vực trung tâm, không thể duy trì tình trạng quá tải này lâu thêm được nữa, lãnh đạo và các cơ quan chức năng TPHCM đã cố gắng thay đổi tình trạng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư chuyển dịch ra bên ngoài, nhưng không thành công.

Sự nhùng nhằng này kéo dài do sự thiếu kiên quyết, dễ dàng thỏa hiệp với các nhà đầu tư của các cấp quản lý. Nhưng từ 2007, thực trạng xã hội đòi hỏi phải có tư duy mới và hành động quyết liệt hơn, sự chần chừ lúc này sẽ đưa TP đến bờ của sự đổ vỡ dây chuyền (bắt đầu từ giao thông), do vậy TP cố gắng hiện thực hóa việc hình thành 2 đô thị vệ tinh ở 2 cực của TP.

Thứ nhất, đô thị vệ tinh nằm ở phía Tây Bắc TPHCM (hiện chưa có tên chính thức). TP này có diện tích 10.000ha, bao gồm các xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) và Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ của huyện Củ Chi. Đô thị này cách trung tâm TP khoảng 30km, với khoảng 300.000 dân, phần lớn được chuyển từ nội thành ra; cùng với việc hình thành các trường đại học, khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại, khu dân cư và vui chơi giải trí.

Nhà đầu tư đầu tiên là Tập đoàn Berjaya của Malaysia với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Đây được coi là dự án đầu tư lớn nhất TPHCM từ trước đến nay. Dự án này đang trong giai đoạn thiết kế, bắt đầu xây dựng từ năm 2011 và hoàn tất các hạng mục trên diện tích 1.000ha vào năm 2021. Tuy nhiên thực tế dự án này gặp nhiều khó khăn, triển khai chậm và không như kỳ vọng.

TP Tây Bắc này hứa hẹn sẽ thu hút được các nhà đầu tư bởi đây là vùng có nền đất cứng, cao, dân thưa không phải đền bù nhiều, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay thì những vùng đất cao ở phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc của TPHCM là nơi phát triển lý tưởng cho các TP mới

Những hình ảnh như thế này thường thấy ở TPHCM giờ cao điểm, cho thấy đô thị đã quá tải và cần giải pháp cho đô thị vệ tinh. Ảnh: LONG THANH

Những hình ảnh như thế này thường thấy ở TPHCM giờ cao điểm, cho thấy
đô thị đã quá tải và cần giải pháp cho đô thị vệ tinh. Ảnh: LONG THANH

Thứ hai, đô thị cảng Hiệp Phước nằm trên địa bàn xã Hiệp Phước và xã Long Thới huyện Nhà Bè. Hai mặt Đông và Nam của đô thị này được bao bọc bởi sông Soài Rạp, thông thẳng ra biển Đông. Nó có diện tích quy hoạch 3.921ha với dân số dự kiến 250.000 người .

Đây là TP cảng biển quốc tế có quy mô lớn không chỉ trong nước mà cả khu vực mang chức năng hàng hóa và khu dân cư . Trong  chiến lược phát triển, TPHCM di dời các cảng trong nội thành ra bên ngoài, việc phát triển đô thị cảng Hiệp Phước sẽ làm cho TPHCM từ chỗ là TP bên sông Sài Gòn nay có thêm một phần bổ sung quan trọng là TP ven biển Đông.

Đô thị cảng Hiệp Phước cách trung tâm TP chỉ 18km, cảnh quan tự nhiên rất đẹp, do vậy ngoài khu cảng với công suất 130 triệu tấn/năm, khu công nghiệp phục vụ cảng, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị sinh thái kết hợp sông nước và du lịch biển. Các khu ở cao cấp, trung tâm tài chính-ngân hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê sẽ xuất hiện ở đây.

Đặc biệt, trong đồ án thiết kế đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế, nhà tư vấn Nikken Skkei đã thiết kế một trục chính gồm mở đầu bằng một cảng tàu thuyền du lịch có chiều rộng 500m, kế tiếp là quảng trường và dải các đường phố rợp cây xanh. Đô thị mới này sẽ được kết nối với trung tâm TP bởi một hệ thống liên hoàn đường thủy, đường bộ và đường sắt.

Các tin khác