TPHCM: Giá đất vùng ven “hạ nhiệt”

(ĐTTCO)-Đường 659, khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, nơi được mệnh danh là thủ phủ của các trung tâm, công ty môi giới BĐS, khá đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều công ty môi giới BĐS tại đây đóng kín cửa. 
Một nền đất trên đường Bưng Ông Thoàn (phường Phú Hữu, quận 9) đang được làm hạ tầng. Ảnh: THANH HẢI
Một nền đất trên đường Bưng Ông Thoàn (phường Phú Hữu, quận 9) đang được làm hạ tầng. Ảnh: THANH HẢI
Sau khi lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng “sốt” giá đất, thị trường bất động sản (BĐS) các quận, huyện vùng ven TPHCM như: quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ đang có dấu hiệu giảm nhiệt. 

Giá đã hạ nhiệt 10%-20% 

Ghi nhận trong ngày 22-5 tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho thấy không còn tình trạng cò đất tràn ra các dự án mời chào khách hàng mua đất. Các băng rôn, tờ rơi quảng cáo bán đất cũng không dày đặc như trước. Gần 2 giờ dạo quanh khu đất trống trên đường Tô Ngọc Vân, nhưng chúng tôi cũng không tiếp xúc được với bất kỳ cò mồi bán đất nào.

Trở lại điểm nóng trên đường 659, khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, nơi được mệnh danh là thủ phủ của các trung tâm, công ty môi giới BĐS, khá bất ngờ bởi sự đìu hiu, vắng vẻ ở khu vực này.
Nhiều công ty môi giới BĐS tại đây đóng kín cửa. Tại khu vực phường Phú Hữu (quận 9), đoạn gần cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều nhà dân, hàng quán kinh doanh ăn uống… trước kia treo nhiều tấm biển quảng cáo môi giới, nhận ký gởi đất nền thì nay cũng gỡ bỏ. 

Chủ quán nước trên đường Bưng Ông Thoàn chia sẻ: “Những tháng vừa qua, người dân quanh đây sống nhờ môi giới, ký gởi đất. Các công ty BĐS bán được đất rồi cho “phần trăm” chúng tôi. Từ sau khi có thông tin sẽ chấn chỉnh, còn bắt đối tượng tung tin đồn thất thiệt, mấy ngày nay chỉ dám giới thiệu tới “cò”, việc còn lại giữa hai bên nói chuyện, nếu suôn sẻ thì có tiền. Đặc biệt vài ngày trở lại đây, giá đất có giảm nhẹ, từ 26 triệu đồng/m² xuống còn khoảng 24 triệu đồng/m², giá trong hẻm nhỏ hơn thì giảm sâu từ 22 triệu đồng/m² xuống còn 17 - 18 triệu đồng/m²”.
Một số nền đất nằm trong hẻm đường Bưng Ông Thoàn cũng giảm giá khoảng 20%, đối với một số nền mặt tiền đường hẻm ô tô thì giá vẫn giữ nguyên. 

Vùng quê trở lại yên bình

Cũng sau khi báo chí đăng tải thông tin các huyện không thể lên được quận, thì đất ở huyện Bình Chánh đã tụt dốc không phanh, quay trở lại vạch “xuất phát” khoảng thời điểm đầu năm 2017. Theo ông Điền (xã Phong Phú): “Hai ngày cuối tuần vừa qua, huyện ngoại thành này mới quay lại vùng đất thanh bình, yên ắng.
Trước đó, ngày nào ô tô cũng tấp nập, khách liên tục đến hỏi thăm mua đất. Cuối tuần, có hẳn chuyến xe khách 45 chỗ chở từng đoàn khách xuống mua đất thì nay không còn. Giá đất nông nghiệp mua lại từ người dân khoảng 2 triệu đồng/m2 thì được “thổi” lên 4 triệu đồng/m2, đất thổ cư khoảng 7 triệu đồng/m2 được đẩy lên 16 - 22 triệu đồng/m2.
Ngay sau khi có thông tin bác bỏ huyện Bình Chánh lên quận, thì rất nhiều “cò” đất bỗng dưng... biến mất. Nhiều “nhà đầu tư” cũng lao đao, ngay bản thân gia đình tôi cũng bán được cho “cò” 2 lô đất nhưng người mua lại thì khóc ròng vì lỗ gần 2 tỷ đồng”.

Nằm sát bờ sông Sài Gòn, xã Trung An (huyện Củ Chi) thời gian qua giá đất cũng tăng cao chót vót sau khi có thông tin về một tập đoàn đề xuất xây dựng khu đô thị hiện đại ven sông. Từ đó, nhiều “cò” đã xuống xã Trung An “thâu tóm” mua đi bán lại để thổi với giá cao.
Tuy nhiên, khác với những khu vực khác, giới cò đất ở khu vực Củ Chi, quận 12, Hóc Môn qua khảo sát ngày 22-5 vẫn hoạt động bình thường.  Theo Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, việc đăng ký vẫn diễn ra bình thường, chỉ không cho đăng ký việc tách thửa mới.

Các tin khác