TPHCM điều hành chặt vốn đầu tư hạ tầng

Nguồn vốn đầu tư công đã cắt giảm mạnh theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 08 của UBND TPHCM. Trong hoàn cảnh khó khăn, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TPHCM đã năng động đưa ra nhiều giải pháp kịp thời thích ứng với yêu cầu vừa cải thiện chất lượng hạ tầng - dịch vụ giao thông, vừa giảm chi tiêu và phân bổ nguồn vốn hợp lý.

Nguồn vốn đầu tư công đã cắt giảm mạnh theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 08 của UBND TPHCM. Trong hoàn cảnh khó khăn, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TPHCM đã năng động đưa ra nhiều giải pháp kịp thời thích ứng với yêu cầu vừa cải thiện chất lượng hạ tầng - dịch vụ giao thông, vừa giảm chi tiêu và phân bổ nguồn vốn hợp lý.

Tiết giảm 10% khoản chi ngân sách

Trong năm 2011, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp cho Sở GT-VT TPHCM là 2.172 tỷ đồng (chưa kể nguồn vốn BOT, BT… do các đơn vị ngoài Sở làm chủ đầu tư). 6 tháng đầu năm 2011, đã thực hiện được 1.522 tỷ đồng, giải ngân 1.581 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn ODA 350 tỷ đồng, thực hiện 159 tỷ đồng, giải ngân 340 tỷ đồng; kế hoạch vốn duy tu 934 tỷ đồng, thực hiện 549 tỷ đồng, giải ngân 468 tỷ đồng; kinh phí trợ giá xe buýt 835 tỷ đồng, thực hiện và giải ngân 616 tỷ đồng.

Có thể nói, kế hoạch vốn năm 2011 bố trí cho Sở GT-VT TPHCM thấp, nếu trừ 1.050 tỷ đồng (bao gồm 700 tỷ hoàn trả tạm ứng cho dự án xây dựng cầu Phú Mỹ và 350 tỷ đồng cho dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ còn 1.122 tỷ đồng (bằng 54% kế hoạch vốn giao năm 2010 và bằng 30% tổng nhu cầu vốn năm 2011). Về nguồn vốn trợ giá xe buýt năm 2011, mới tạm giao đợt 1 được 835 tỷ đồng, trong khi tổng nhu cầu 1.277 tỷ đồng.

TPHCM tập trung vốn cho dự án giao thông quan trọng, có khả năng hoàn thành sớm. Ảnh: LÃ ANH

TPHCM tập trung vốn cho dự án
giao thông quan trọng, có khả năng
hoàn thành sớm.  Ảnh: LÃ ANH

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, ngành GT-VT TP đã tiết giảm 10% kinh phí chi ngân sách theo quy định. Bên cạnh đó, nhờ kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức đấu thầu duy tu nên đã tiết giảm được kinh phí đầu tư để phân bổ cho các công trình cấp bách phát sinh trong năm 2011. Nhờ sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện năng nên ngành chiếu sáng công cộng đã tiết giảm 30-50% chi phí điện so với trước.

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Sở GT-VT TP đã điều hành chặt chẽ vốn đầu tư bằng việc thường xuyên kiểm tra các dự án, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình quan trọng và trình UBND TP giảm vốn, giãn tiến độ 9 công trình.

Ngoài ra, phương án điều chỉnh chính sách hỗ trợ giá vé xe buýt thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên giá vé (áp dụng đối các tuyến xe buýt có trợ giá) đã đem lại hiệu quả tích cực. Dù phải cấp bù kinh phí trợ giá xe buýt nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tiết kiệm và giảm tối đa các chi phí.

Không phân bổ dàn trải nguồn vốn

Vừa cải tạo vừa xây dựng mới, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp là vấn đề rất nan giải. Trong khi chờ UBND TP bổ sung vốn kế hoạch, Sở GT-VT đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, không được kéo dài các công trình đang thi công dở dang. Sở GT-VT TP cũng đang nghiên cứu khai thác nguồn thu quảng cáo sử dụng đất giao thông để tăng kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông.

Không riêng TPHCM, nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên cả nước đang rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, giãn hoặc ngưng để chờ vốn. Trong bối cảnh đó, Sở GT-VT TP khắc phục tình trạng phân bổ nguồn vốn được cấp dàn trải, tập trung vốn cho một số dự án quan trọng, có khả năng hoàn thành sớm: đại lộ Đông Tây, đường Bến Vân Đồn, xa lộ Hà Nội, đường bờ Bắc và bờ Nam kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và các cầu Rạch Chiếc, Rạch Tra, Phú Long… để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Công trình sửa chữa cầu Sài Gòn (điểm có áp lực giao thông lớn nhất cửa ngõ phía Đông Bắc TP, do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư và nhà thầu Preyssinet Việt Nam thi công, thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”) có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng, đã được giải quyết cấp vốn 28 tỷ đồng. Chủ đầu tư cho biết dự án đang đảm bảo tiến độ, song cần giải ngân gấp số tiền còn lại để thanh toán cho đơn vị thi công, nhanh chóng hoàn thiện công trình vào tháng 10-2011.

Các quận, huyện đang đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để khởi động nhanh các công trình trọng điểm khi được cấp vốn: dự án mở rộng Tỉnh lộ 10, 10B, đường Liên tỉnh 25B, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nút giao thông Gò Dưa, nút giao thông khu vực cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM.

Bên cạnh đó, TP đang tháo gỡ khó khăn để triển khai các dự án BOT, BT (đường nối Nguyễn Duy Trinh đến cảng Phú Hữu, cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông, cầu đường Bình Triệu 2, các dự án khép kín đường vành đai 2, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2…).

Các tin khác