TPHCM: Cần có giải pháp chống ngập

(ĐTTCO).- Chiều 12-1, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chủ trì buổi làm việc với UBND TPHCM cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan về ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.

(ĐTTCO).- Chiều 12-1, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chủ trì buổi làm việc với UBND TPHCM cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan về ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.

 

Tại buổi làm việc, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM Bùi Văn Trường cho biết, hiện nay thoát nước trên địa bàn TPHCM chia thành 6 lưu vực chính. Theo nguyên lý nước từ vùng cao chảy về vùng thấp.

Trên cơ sở hệ thống GIS của công ty, việc quy hoạch tổng thể thoát nước của TP là phù hợp. Mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước nhằm đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp xóa giảm các điểm ngập, quản lý đánh giá chất lượng công trình, lịch sử, khuyết tật cống, lấn chiếm kênh rạch; chủ động trong công tác duy tu, sửa chữa và thay thế cống cũ hỏng, xuống cấp; xây dựng quy trình vận hành tối ưu.

Trên cơ sở dữ liệu GIS giúp các cơ quan nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước trong tương lai. Việc sử dụng GIS giúp thẩm định các dự án thoát nước, đánh giá và phân tích hiện trạng hệ thống thoát nước. Từ đó, đề xuất giải pháp chống ngập, xây dựng bản đồ kiểm soát ngập lụt, đánh giá hiệu quả quản lý vận hành hệ thống thoát nước; thống kê các vị trí dòng chảy xung đột của hệ thống cống.

Từ dữ liệu này, làm cơ sở đầu vào các nghiên cứu phương án chống ngập tổng thể lưu vực Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt UDI Map người dân có thể truy cập để biết các điểm ngập và chọn lựa lộ trình đi lại. Bên cạnh đó, giúp các cơ quan, đơn vị quy hoạch phát triển hệ thống thoát nước bền vững; quản lý tốt các nhà máy xử lý nước thải, quản lý các yếu tố chất lượng nước thải...

Cũng theo đơn vị này, hiện tại toàn bộ số liệu kỹ thuật của hệ thống thoát nước đơn vị đang quản lý vận hành đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu GIS và tiếp tục cập nhật bổ sung.

Điều bất cập hiện nay, hệ thống thoát nước trên cùng một lưu vực có quá nhiều đơn vị quản lý làm cắt khúc nhiều nơi dẫn đến sự chồng chéo về phạm vi quản lý nên cơ sở dữ liệu lưu trữ bị phân tán, thiếu đồng bộ và không có sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý. Vì vậy, không có cơ sở dữ liệu cập nhật đầy đủ, chính xác để phục vụ công tác nghiên cứu phương án chống ngập.

Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP, kiến nghị TPHCM, phân cấp lại hệ thống thoát nước trên địa bàn TP cần được quản lý và phát triển theo từng lưu vực. Giao công ty thoát nước triển khai công tác cập nhật cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước các tuyến cống cấp 4 để đồng bộ vào cơ sở dữ liệu GIS của công ty, vì hiện nay các quận, huyện quản lý. Đơn vị này cũng đề xuất làm đồng bộ các miệng thu gom nước tại các tuyến hẻm bằng nắp sắt. TP giao Trung tâm chống ngập làm tổng chỉ huy chống ngập nếu không được thì giao cho Sở GTVT TP.

Sau khi nghe báo cáo, hầu hết ý kiến của các sở ngành cho rằng, cơ sở dữ liệu GIS của đơn vị là tốt nhưng chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho công tác nạo vét, khắc phục những hư hỏng của cống chứ chưa có tầm bao quát như hệ thống GIS của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP. Cơ sở dữ liệu phải chính xác để giúp tham mưu cho lãnh đạo; cần cập nhật, tính toán trường hợp không mưa cũng ngập; cập nhật thông tin cộng đồng. Bên cạnh đó, cập nhật thông tin kết nối với giao thông, kết nối thông tin...

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa giao Sở KH-CN TP xây dựng đặt ra nhiệm vụ hệ thống GIS chung cho toàn TP nhưng phải sử dụng chung phần mềm để đồng bộ với các đơn vị khác. Việc phối hợp giữa các cơ quan đơn vị, nhất là giữa Trung tâm chống ngập và công ty thoát nước đô thị thời gian qua không đồng bộ. Nếu phối hợp tốt thì ngập không đến nỗi như hiện nay.

Về việc ứng dựng của hệ thống GIS, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang chất vấn Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP, trên cơ sở dữ liệu GIS đơn vị có xác định và chỉ ra hệ thống cống cấp 1,2,3,4 hệ thống nào có cống mà nước chảy không được, ứng dụng là phải làm sao chỉ ra được những khiếm khuyết, xung đột giữa các hệ thống cống và xử lý như thế nào? Ứng dụng là phải đưa ra các giải pháp công trình là gì để từ đó đề xuất phương án thực hiện.

Hiện nay giữa các đơn vị vướng và khó chỗ nào, đề xuất TP có cơ chế gì để làm tốt công tác chống ngập. Việc phối hợp giữa Trung tâm chống ngập với các đơn vị còn rất nhiều bất cập dẫn đến việc xây dựng các hệ thống công trình không đồng bộ. Các cơ quan quản lý cần phải nâng cao năng lực quản lý, khắc phục những yếu kém mới mong quản lý được.

Đồng chí Tất Thành Cang yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát báo cáo lại cụ thể các hạng mục công trình cái được và chưa được để có hướng xử lý. Việc ứng dựng GIS cần phải có 1 cơ quan quản lý chung trên cơ sở đó để quản lý tất cả các ngành khác cho toàn TP. Hệ thống GIS phải xử lý ngay các xung đột của hệ thống cống…

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: Tất cả các giải pháp đã đưa ra phải thực hiện ngay và khẩn trương, không thể chậm trễ hơn được nữa. Dự án, công trình nào triển khai được thì làm ngay nhưng phải gắng trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị.

Ngay trong năm nay, TP phải làm sao để người dân thấy rõ hiệu quả là phải giảm ngập. Quy hoạch thực hiện ngay các hồ điều tiết để giảm ngập, chống ngập. Hiện nay có nhiều cơ quan quản lý nên cần có tổng chỉ huy. Cần có giải pháp chống ngập chứ không thể là giải pháp quản lý ngập như thời gian qua.

Các tin khác