Thiếu thủ lĩnh quy hoạch vùng

Đến nay Việt Nam gần như đã hoàn chỉnh quy hoạch vùng. Theo đó, 10 vùng đô thị hóa, 6 vùng kinh tế, các trục, hành lang kinh tế, vùng liên tỉnh… đã được hình thành với những mục tiêu phấn đấu khả quan. Quy hoạch đẹp là thế, tuy nhiên sự phát triển của các vùng lại rất hạn chế, yếu kém, mà một trong những nguyên nhân là tình trạng thiếu thủ lĩnh để thực hiện, giám sát, điều tiết.

Đến nay Việt Nam gần như đã hoàn chỉnh quy hoạch vùng. Theo đó, 10 vùng đô thị hóa, 6 vùng kinh tế, các trục, hành lang kinh tế, vùng liên tỉnh… đã được hình thành với những mục tiêu phấn đấu khả quan. Quy hoạch đẹp là thế, tuy nhiên sự phát triển của các vùng lại rất hạn chế, yếu kém, mà một trong những nguyên nhân là tình trạng thiếu thủ lĩnh để thực hiện, giám sát, điều tiết.

Quy hoạch “đầu to”

Vùng đô thị TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh - Tiền Giang - Long An, với hơn 10 triệu dân, được đặt trong mối quan hệ của lý thuyết đô thị cực lớn (megacity). Về quy mô dân số, vùng TPHCM không hề thua kém những đại đô thị ở châu Á, nhưng nhiều năm qua, vùng đô thị này vẫn chưa thể cất cánh bởi đang loay hoay với những vấn đề của chính mình: tắc đường, ngập lụt, xung đột đô thị - nông thôn quá lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng chủ yếu mang nặng tính tự phát…

Theo KTS. Nguyễn Hữu Thái, các địa phương trong vùng vẫn chủ yếu phát triển riêng theo ranh giới hành chính, mạnh ai nấy làm, đã dẫn đến nhiều bất cập. Ngay chính trong đô thị lõi TPHCM cũng nảy sinh những xung đột, quy hoạch vùng kinh tế phát triển theo hướng Tây - Tây Bắc, trong khi thực tế TP đang phát triển mạnh sang hướng Nam - Đông Nam, khu vực được coi là đường thoát nước của TP.

Câu hỏi đặt ra, liệu có phải quy hoạch đô thị đang hướng tới những nơi còn quỹ đất, chưa căn cứ trên nền kinh tế - xã hội, vốn là động lực chính để nuôi dưỡng đô thị?

Vùng Hà Nội và vùng TPHCM có ban chỉ đạo, được tập trung triển khai nhưng vẫn chất chồng những vấn đề, trong khi những vùng khác, nơi chưa có ban chỉ đạo sẽ còn ì ạch đến mức nào. Nguyên nhân do không có một nhạc trưởng, cơ quan quản lý đứng ra điều hành nên việc liên kết giữa các đô thị trong vùng, giữa các vùng với nhau rất lỏng lẻo, thậm chí rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm.

Ông Lưu Đức Hải 

Bàn thêm về vấn đề này, GS. Nguyễn Tố Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng nếu bản thân trong vùng không có sự kết nối chức năng giữa các khu vực, cơ sở hạ tầng liên vùng, hợp tác giữa các tỉnh và các TP… megacity đúng nghĩa vẫn là điều rất xa vời.

“Thí dụ, với TPHCM kế hoạch xây dựng đôi khi có trước kế hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, đó là nghịch lý” - GS. Lăng nhấn mạnh. Bài toán tương tự cũng có thể thấy ở quy hoạch vùng thủ đô. Theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia, các tỉnh trong vùng vẫn phát triển theo định hướng riêng và các kế hoạch chia sẻ giữa các vùng liên tỉnh còn rất mờ nhạt.

Tốc độ đô thị hóa tại vùng Hà Nội nhanh nhưng thiếu bền vững. Khu kinh tế hạt nhân tạo sức lan tỏa còn yếu khiến quy hoạch sẽ bị “đầu to” khi tập trung vào Hà Nội, không phát triển theo hướng lan tỏa.

Trong báo cáo tổng kết 10 năm (vào giữa năm 2013), Ban chỉ đạo quy hoạch vùng Hà Nội thừa nhận việc cụ thể hóa quy hoạch vùng này còn chậm; sự phát triển thiếu bền vững trong mô hình phát triển đô thị, khu công nghiệp; thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối; chưa có kế hoạch, chưa cân đối các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn, dẫn đến lãng phí các nguồn lực nhất là đất đai, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, gây bức xúc trong dư luận…

Mô hình hội đồng vùng?

Theo ông Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, Việt Nam đã phân ra 6 vùng kinh tế, 10 vùng đô thị hóa, tuy nhiên 10 vùng đô thị hóa lại đan xen trong 6 vùng kinh tế; trong vùng đô thị hóa lại bao gồm rất nhiều đô thị, các vùng đệm… nên việc quản lý, phát triển không phải là vấn đề đơn giản.  Hiện nay, ngoài vùng Hà Nội và TPHCM đã có ban chỉ đạo, những vùng còn lại đều chưa có cơ quan này.

Một vấn đề đơn giản, thí dụ khi đã có quy hoạch, rót ngân sách xuống ai sẽ quản lý nguồn ngân sách này? Rồi mỗi tỉnh sẽ có một cách làm riêng, không đồng nhất. Cần phải có ban chỉ đạo, ban quản lý hoặc như mô hình ở một số nước là hội đồng vùng.

Quy hoạch vùng TPHCM vẫn loay hoay vấn đề giải quyết nạn kẹt xe. Ảnh: CAO THĂNG

Quy hoạch vùng TPHCM vẫn loay hoay vấn đề giải quyết nạn kẹt xe. Ảnh: CAO THĂNG

Đồng tình với quan điểm này, GS. Nguyễn Tố Lăng cũng cho rằng để có được sự liên kết giữa các vùng cần phải đảm bảo được 4 yếu tố: phải có quyền lực đủ mạnh để quản lý, liên kết, phân chia trách nhiệm một cách rõ ràng; thể chế hóa các quy định pháp luật để quản lý thống nhất các vùng; có sự phân biệt giữa vùng lớn và khu vực trung tâm; cuối cùng là chuyên biệt hóa từng khu vực để phát triển, thí dụ Hà Nội phát triển những ngành gì, Bắc Ninh phát triển ngành gì…

Đề cập đến một khía cạnh khác, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn phát triển đồng đều trong vùng việc phải làm là đưa chất lượng sống của vùng lõi đô thị ra với vùng ven.

“Hà Nội lên kế hoạch giải tỏa các trường đại học, cơ sở y tế ra bên ngoài phải cụ thể ra đâu, tỉnh nào? Chỗ nào đưa ra bao nhiêu trường, bệnh viện? Bài toán không chỉ di dời trường, bệnh viện, tức di dời cơ học mà phải di dời chất lượng cuộc sống ra phía ngoài. Tương tự cũng là thách thức của TPHCM. Riêng TPHCM còn phải bàn thêm về nước biển dâng, mỗi lần mưa to là bị ngập” - ông Chính nhận xét.

Các tin khác