Thiếu cơ chế kết nối vùng TPHCM

(ĐTTCO) - Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TPHCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, TP là TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thiếu cơ chế kết nối vùng TPHCM
 Vùng TPHCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TPHCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia. 

Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn trong nước là Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với Công ty Tư vấn INSAR (CHLB Đức) triển khai lập.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đồ án đã được Bộ Xây dựng tổ chức hội đồng thẩm định, có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong vùng, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia phản biện quốc tế và trong nước. Đồ án đã được tiếp thu, giải trình các ý kiến và hoàn chỉnh. 

Bản đồ án đã đưa ra các ý tưởng mới trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển có quy mô, vị trí, vai trò tương đồng vùng TPHCM. Đồ án cũng đã làm rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất của vùng; dự báo các chỉ tiêu về dân số, đất đai, mô hình, cấu trúc không gian vùng, định hướng phát triển không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng; đánh giá toàn diện vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đề xuất các chương trình dự án ưu tiên đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa diễn ra tại TPHCM dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã đưa ra nhiều ý kiến, đặc biệt là thiều cơ chế giúp kết nối để phát triển vùng TPHCM.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc, cho rằng hiện nay việc kết nối hạ tầng tại các tỉnh rất kém. Nếu hạ tầng không phát triển đồng bộ sẽ hạn chế rất lớn cho phát triển kinh tế. Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết hiện nhiều xe tải các địa phương đi qua Bình Dương thông qua tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn để về cảng Đồng Nai.
Tuy nhiên hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, một tuyến đường cao tốc đi qua địa phương để kết nối với Bình Phước quy hoạch 15 năm nay cũng chưa thực hiện được. 

Đồng tình với các địa phương về vấn đề giao thông là yếu tố quan trọng để tăng tính liên kết vùng, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông khuyến nghị thêm một yếu tố khác quan trọng không kém là nguồn nước. Trong quy hoạch vùng cần tính toán thật kỹ lưỡng các vấn đề nguồn nước, dòng chảy, xâm nhập mặn… với các tác động của biến đổi khí hậu, từ đó mới quy hoạch hạ tầng một cách phù hợp.
Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị đơn vị tư vấn nên quan tâm đến vấn đề quản lý và xử lý chất thải của các tỉnh đầu nguồn để không gây ô nhiễm vùng hạ lưu.

Nhiều ý kiến cho rằng để vùng TPHCM thực sự phát triển phải có sự phối hợp giữa các địa phương. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân từng địa phương có thế mạnh riêng, vì vậy trong quy hoạch phải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển, tránh tình trạng “quy hoạch dậm chân”. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp, chủ trì cùng với các địa phương xây dựng cơ quan quản lý vùng. 

Các tin khác