Thị trường BĐS TPHCM: Cầu không giảm, cung chững lại

(ĐTTCO) - Đồng Nai, Bình Dương hay Long An vốn là những thị trường hấp dẫn giới đầu tư BĐS đến từ TPHCM. Nhưng gần đây, chính quyền những địa phương này bắt đầu siết chặt công tác quản lý về quy hoạch, đồng thời lên tiếng cảnh báo rủi ro đối với người dân mua đất nền từ các dự án phân lô tách thửa. 
Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư, khách hàng đang quay lại với thị trường TPHCM.
Ngại đến nền vùng ven
BĐS Đồng Nai thời gian qua tăng trưởng nóng nhờ sự chuyển động của hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối với TPHCM. Song thông tin hot nhất vẫn là dự án sân bay Long Thành, nhiều diện tích cao su, mì và hoa màu được thay thế bằng các dự án đất nền phân lô.
Số liệu thống kê của tỉnh Đồng Nai cho thấy, địa phương này đang thu hút gần 300 dự án BĐS của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự phát triển nóng trên thị trường địa ốc đã kéo theo hiện tượng đầu tư tự phát, phân lô, tách thửa tràn lan, quy hoạch bị phá vỡ. Và để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, tỉnh Đồng Nai cũng tạm ngưng không cấp phép tách thửa để lấp lỗ hổng trong quy định tách thửa.
Trong đó, một giải pháp được xem là thuốc đặc trị giới đầu nậu đất đai khi tiến hành tách thửa với số lượng từ 9 thửa đất trở lên buộc phải lập dự án, với điều kiện đi kèm là xây dựng hạ tầng. Với những thửa đất có diện tích dưới 2.000m2, nếu muốn tách thửa, quy định cũng buộc các cá nhân, tổ chức phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng. 
Lãnh đạo một công ty địa ốc cho biết, 2-3 năm trở lại đây, BĐS 3 tỉnh lân cận TPHCM gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ TPHCM vì hạ tầng giao thông kết nối tốt. Sự phát triển các đô thị lân cận này là cần thiết trong xu thế giãn dân đối với TPHCM, và nhu cầu thu hút đầu tư của các tỉnh. Rất tiếc sự phát triển BĐS quá nóng trong khi hạ tầng chưa theo kịp, dịch vụ chưa hình thành, chưa hấp dẫn người dân đến sinh sống, đã hình thành nên những khu đô thị “ma” rất đáng quan ngại.
Thị trường BĐS TPHCM: Cầu không giảm, cung chững lại ảnh 1 Phối cảnh dự án CitiEsto do Kiến Á phát triển. 
Công ty địa ốc Kim Oanh, thương hiệu chuyên phân phối đất nền các tỉnh vùng ven TPHCM, hiện cũng quay lại TPHCM phát triển khu đô thị Singa City (quận 9) với quy mô 9,1ha, gồm 431 nền và 2 block căn hộ. Hay từng thành công trong vai trò nhà phân phối độc quyền dự án Long Hưng (Đồng Nai), quy mô 1.300ha, nhưng không bất ngờ khi bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc CTCP dịch vụ BĐS EXimrs, loan tin phân phối dự án căn hộ Saigonhomes (quận Bình Tân, TPHCM).Pháp lý, vị trí và chính sách là đích nhắm nhà đầu tư
Qua kết quả bán hàng tại các dự án thuộc dòng Citi tại Cát Lái (quận 2), bà Huỳnh Thùy Linh, Giám đốc Marketing Kiến Á Group, khẳng định thị trường BĐS đang ấm lên. Ngoài đối tượng có nhu cầu thực về nhà ở, sản phẩm của công ty cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vốn trước đây chỉ ưa thích đầu tư đất nền ở các tỉnh. Dự kiến ngày 29-10 tới đây, nhà phát triển Kiến Á sẽ tiếp tục tung ra dự án CitiEsto 1 block thương mại và 2 block nhà ở với 524 căn hộ. Với số tiền từ 1,2 tỷ đồng, các gia đình trẻ sẽ được sở hữu một căn hộ 2 phòng ngủ có thiết kế hiện đại hòa trong không gian sống xanh.
Ngoài lý do nhà đầu tư quay lại thị trường BĐS TPHCM giúp cải thiện thanh khoản, theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, còn có yếu tố khan hiếm, sụt giảm nguồn cung trong lộ trình tái cơ cấu sản phẩm đầu tư ở các phân khúc sản phẩm. Nguồn cung trên thị trường thực rất hạn chế do nhiều dự án mới bị “dính thanh tra”, nên phải hoàn thiện pháp lý mới đưa vào kinh doanh.
Hiện tại, dự án nào đầy đủ pháp lý, sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vị trí, chính sách thanh toán sẽ là đích nhắm của người mua. Lấy ví dụ, dự án căn hộ Lavita Charm (quận Thủ Đức) gần 1.000 sản phẩm đã được tiêu thu nhanh chóng trong vòng 1-2 tháng. Dự kiến sau dự án này, Hưng Thịnh Land sẽ triển khai 2 dự án (đất nền, căn hộ) tại khu Đông TPHCM.
“Thanh khoản tích cực là đáng mừng. Tuy vậy, khi chưa có dự án tiếp nối sẽ rất áp lực cho việc quản lý đội ngũ môi giới bởi phải giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng ngàn nhân viên. Bên cạnh đó, trọng trách đặt lên bộ phận đầu tư cũng hết sức nặng nề, vì quá trình hoàn tất pháp lý của một dự án đang rất chặt chẽ, mất nhiều thời gian” -  Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land chia sẻ.
Báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến hết quý III - 2017, cả nước đã có gần 10.000 giao dịch nhà, đất thành công. Trong đó gần 70% sản phẩm bán ra thuộc phân khúc căn hộ trung cấp, khách hàng mua căn hộ hiện nay chủ yếu để ở.
Những dự án có vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ được một số khách hàng mua để đầu tư, cho thuê. Thị trường BĐS dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong những tháng cuối năm với cuộc đua sản phẩm chiến lược của các ông lớn địa ốc như Hưng Thịnh, Đất Xanh, Novaland, Nam Long, Đại Quang Minh, Kiến Á hay Rio Land...

Các tin khác